Ngăn chặn kịp thời xe ô tô vận chuyển lòng lợn đã bốc mùi hôi thối

Lực lượng QLTT tỉnh Phú Thọ vừa phát hiện, bắt giữ một xe ô tô chở 110 kg lòng lợn đã có dấu hiệu bốc mùi hôi thối không rõ nguồn gốc.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Phú Thọ cho biết, Đội QLTT số 5 vừa phối hợp với Đội tuần tra, kiểm soát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện, bắt giữ một xe ô tô chở 110 kg lòng lợn không rõ nguồn gốc.

ngan-chan-kip-thoi-xe-o-to-van-chuyen-long-lon-da-boc-mui-hoi-thoi

Lượng lớn lòng đã bốc mùi hôi thối bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Phú Thọ 

Cụ thể, tại Km 89+300 thuộc địa phận khu Chanh, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Đội tuần tra, kiểm soát giao thông công an Phú Thọ kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 19C-079.85 do ông La Văn Coi trú tại khu 6, xã Thọ Văn, huyện Tam Nông điều khiển đã phát hiện trên xe chở 110 kg lòng lợn ôi thiu, đã bốc mùi hôi thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được vận chuyển đi tiêu thụ.

Ngay sau khi kiểm tra và xác minh, Đội QLTT số 5 đã lập hồ sơ vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với ông La Văn Coi về hành vi vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh. Đồng thời tổ chức phối hợp với các ngành chức năng tịch thu, thực hiện tiêu huỷ toàn bộ số hàng vi phạm theo quy định pháp luật.

Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, không phủ nhận nội tạng động vật có chứa một số chất dinh dưỡng, song các chuyên gia dinh dưỡng và y tế đều thống nhất rằng nội tạng của động vật có nhiều nguy cơ không an toàn cho người sử dụng bởi dễ bị nhiễm bẩn, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng... phát triển.

Chưa kể, với một số người mắc các bệnh lý như mỡ máu cao, tim mạch, huyết áp, gout..., nội tạng động vật rất không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt với những sản phẩm nhập lậu.

Nội tạng động vật còn chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol hơn so với thịt, nếu thường xuyên ăn sẽ làm tăng mỡ máu và có hại cho tim mạch. Một số người mắc các bệnh mạn tính nếu sử dụng nội tạng động vật có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm.

Chẳng hạn, người bị suy thận, thận hư thường bị rối loạn chuyển hóa lipid, lượng cholesterol trong máu cao song lại ăn nhiều thận động vật với suy nghĩ “ăn gì bổ nấy” càng khiến lượng cholesterol tăng cao, bệnh nặng thêm. Đặc biệt, bệnh nhân gout khi ăn nội tạng động vật thì lượng axit uric tạo ra ngày càng nhiều khiến mức độ bệnh thêm trầm trọng.

Đặc biệt, trong số các nội tạng động vật, lòng lợn là món ăn được nhiều người ưa chuộng, song lòng lợn là bộ phận chứa rất nhiều ký sinh trùng, vì vậy, nếu chế biến không sạch, luộc không chín kỹ có nguy cơ nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng (giun, sán).

Nếu lợn nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh) thì trong máu (tiết), nội tạng và thịt sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Khi ăn các sản phẩm từ lợn này, như tiết canh, lòng, nem chua, cháo lòng... chưa được nấu chín thì liên cầu khuẩn từ thức ăn đó sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.

Khi sử dụng nội tạng động vật không rõ nguồn gốc hoặc không bảo đảm chất lượng, rất có thể người dùng sẽ bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại như Salmonella, E.coli, Listeria monocytogenes hay tụ cầu.

Các vi khuẩn này khi xâm nhập cơ thể sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm, tả, tiêu chảy, thương hàn. Ngoài ra, việc sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa lòng lợn trắng sáng và không còn mùi hôi thối còn tiềm ẩn nguy cơ tích tụ hóa chất trong cơ thể người ăn, lâu dài có thể gây ung thư.

Nước ta có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định chặt chẽ về các hành vi vi phạm và chế tài xử lý các hành vi đó trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Trong đó, Luật an toàn thực phẩm năm 2010 đã quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm như sau:

Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

Phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều 4 trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại Điều 2 Nghị định 115/2018/NĐ-CP như: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 01 tháng đến 06 tháng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng,...

Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 2 Nghị định 115/2018/NĐ-CP như: Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm;...

Theo VietQ