Ngân hàng Đông Á và những lùm xùm gây chấn động dư luận

Thời gian gần đây, Ngân hàng Đông Á đã trở thành tâm điểm dư luận với hàng loạt các vụ lùm xùm có liên quan.

Tiền của khách hàng liên tục “bốc hơi”

Sáng 27/6 vừa qua, chị Đoàn Thị Ngọc Duyên (ngụ quận 12, TP.HCM) đã có phản ánh về việc tài khoản ATM mở tại Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) bị mất đến 116 triệu đồng dù thẻ ATM chị vẫn giữ.

Theo chị Duyên, rạng sáng 27/6, từ 3h53 phút đến 3h58 phút (chỉ sau khoảng 20 phút so với trường hợp chị Nguyễn Phương Thùy bị mất 85 triệu đồng), hệ thống từ DongA Bank gửi 5 tin nhắn đến điện thoại của chị, thông báo tài khoản này đã chuyển 96 triệu đồng (4 chuyển khoản đầu, mỗi lần là 20 triệu, một chuyển khoản sau là 16 triệu đồng).

Sau đó, từ 3h58 đến 3h59 phút, chị Duyên tiếp tục nhận được thông báo tài khoản của chị bị rút 20 triệu đồng tiền mặt, với mỗi lần rút là 10 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền chị Ngọc Duyên bị mất là 116 triệu đồng.

Ngân hàng Đông Á và những lùm xùm gây chấn động dư luận

Tin nhắn từ ngân hàng thông báo tiền trong tài khoản của chị Duyên bị rút. Ảnh: Tri thức trực tuyến/Zing 

Tới tối 28/6, một khách hàng của DongA Bank là chị Nguyễn Phương Thùy cũng phản ánh việc mất tiền trong thẻ ATM tương tự như trường hợp của chị Duyên. Cụ thể, chị Phương Thuỳ (31 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook chia sẻ về việc số tiền 85 triệu đồng trong tài khoản của chị bất ngờ bị rút trong đêm thông qua nhiều lần rút liên tiếp.

Sau sự việc, chị Thuỳ đã liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của DongA Bank, thì được nhân viên nhà băng cho biết số tiền trong tài khoản của chị được rút và giao dịch chuyển khoản tại một trụ ATM trên địa bàn quận Tân Phú (TP.HCM). Nhân viên ngân hàng cho biết thông tin sự việc được chuyển lên hội sở DongA Bank để giải quyết. Phía DongA Bank cũng đã trao đổi với khách hàng để nắm bắt thêm thông tin và hẹn sẽ giải quyết vụ việc trong 5 ngày tới như trường hợp của chị Duyên. 

Cựu lãnh đạo Đông Á bị khởi khởi tố, PNJ lao dốc không phanh

Vào ngày 11/6, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)  thông báo bà Nguyễn Thị Cúc – Ủy viên HĐQT từ nhiệm vì lý do cá nhân.  Và ngay hôm sau (12/6), bà Nguyễn Thị Cúc đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an (C46) ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 bộ luật Hình sự năm 2015.

Được biết, đây là quyết định điều tra mở rộng vụ án Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).

Trong vụ án này, bà Cúc được nhắc đến với vai trò nguyên Trưởng ban kiểm soát của DongABank. Ngay sau đó, PNJ đã phát đi bản công bố thông tin trấn an cổ đông. Chủ tịch PNJ, bà Cao Thị Ngọc Dung, cho biết bà Cúc đã không còn tham gia điều hành PNJ.

Cụ thể, bà Cúc đã không còn giữ vị trí Phó Tổng giám đốc công ty từ 31/5/2017 và sau đó với vai trò là thành viên HĐQT, việc bà Cúc từ nhiệm không làm ảnh hưởng đến công ty cũng như HĐQT PNJ. Tuy vậy, sau thông tin trấn an nói trên, cổ phiếu PNJ trên thị trường chứng khoán tiếp tục giảm, bất chấp tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang trên đà khởi sắc.

Ngân hàng Đông Á và những lùm xùm gây chấn động dư luận

PNJ lao dốc thảm hại 1 tuần trở lại đây. Ảnh: Cafef

Sau lùm xùm vụ bà Nguyễn Thị Cúc bị khởi tố trong vụ ngân hàng Đông Á, cổ phiếu PNJ rơi tự do, mất hơn một nửa giá trị, khiến tài sản bà Cao Thị Ngọc Dung “bốc hơi” hơn 1.000 tỷ đồng. Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay (3/7) lại có một phiên giao dịch khiến nhà đầu tư nản lòng.

Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sàn, như VIC (Vingroup), CTG (Vietinbank), BID (BIDV)... đã đẩy các chỉ số thị trường lao dốc. Đáng lưu ý có cổ phiếu PNJ của công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm sâu xuống mức 76.000 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên buổi chiều.

Đại án Vũ “nhôm” và khoản tiền 200 tỷ đồng

Theo kết luận điều tra của cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, sở hữu hơn 92% cổ phần của công ty. Nhóm Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 sở hữu 12,73% cổ phần Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Việc Vũ “nhôm” sở hữu số cổ phần này ở DongA Bank cho thấy có rất nhiều sai phạm.

Cụ thể, năm 2013, DongA Bank bị sa sút, thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền và vàng trong kho quỹ, nên ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) muốn tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014 để thu hút vốn đầu tư, có tiền trang trải, xử lý khó khăn tại ngân hàng, đồng thời nâng cao thương hiệu, vị thế và ảnh hưởng của DongA Bank.

Cuối năm 2013, ông Bình và Vũ “nhôm” bàn bạc, thống nhất để Vũ mua 60 triệu cổ phần DongA Bank với giá hơn 600 tỷ đồng nhằm để ông Vũ thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DongA Bank. Nguồn tiền gồm ông Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP.Đà Nẵng để vay DongA Bank 400 tỷ đồng, còn thiếu 200 tỷ đồng DongA Bank xuất quỹ chi cho Vũ bằng cách Vũ phải ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng tại DongA Bank.

Ngân hàng Đông Á và những lùm xùm gây chấn động dư luận

Bị can Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: Tri thức trực tuyến/Zing 

Đến ngày 16/1/2014, Vũ "nhôm" làm thủ tục chuyển 600 tỷ đồng vào DongA Bank để mua 60 triệu cổ phần của DongABank, nhưng phi vụ này bất thành do DongA Bank tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng không thành công. Ngày 8/4/2014, ông Bình chỉ đạo DongA Bank trả 600 tỷ đồng lại cho công ty của Vũ "nhôm".

Vì kế hoạch ban đầu không thành, ông Bình bàn cách bán cho công ty của Vũ “nhôm” 50 triệu cổ phần DongA Bank từ 4 cổ đông hiện hữu của DongA Bank (đều là công ty sân sau của ông Bình) với giá 500 tỷ đồng. Đồng thời, tháng 8/2015, trước khi DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt, Vũ “nhôm” mua hơn 13 triệu cổ phần DongA Bank từ công ty sân sau của ông Bình với giá hơn 136 tỷ đồng. Thời điểm này, ông Bình biết rõ nếu bị kiểm soát thì hơn 13 triệu cổ phần sẽ bị cấm chuyển nhượng. Hai vụ mua bán sau này đã thành công.

Kết luận điều tra cũng nêu rõ, trong 500 tỷ đồng Vũ “nhôm” dùng mua cổ phần của ông Bình, có 200 tỷ đồng nguồn gốc từ việc thu khống nói trên. Đến nay Vũ "nhôm" vẫn chưa trả số tiền này cho DongA Bank.

Cơ quan điều tra xác định việc Vũ “nhôm” ký chứng từ nộp khống tiền tại DongA Bank là vi phạm pháp luật, nhưng vì động cơ vụ lợi nên vẫn làm. Hành vi của ông Vũ đã gây thiệt hại cho DongA Bank 200 tỷ đồng chưa được khắc phục, có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vai trò đồng phạm với Trần Phương Bình.

Theo VietQ