Ngang nhiên sản xuất, kinh doanh sản phẩm không phép, VINAGA khẳng định thu hồi qua... 'lời nói'?

VINAGA không đưa ra được văn bản hay bằng chứng liên quan đến việc thu hồi sản phẩm GACOIL CAPSULE và vinaga-DHA GACOIL CASPULE.

Chỉ sản xuất vài trăm sản phẩm?

Trong hai bài viết Ngang nhiên sản xuất, Kinh doanh TPCN không phép, VINAGA đã 'che mắt' cơ quan chức năng ra sao? và Kinh doanh sai quy định pháp luật, VINAGA 'cố ý' lừa dối người tiêu dùngChất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã đề cập tới việc sản phẩm của Công ty TNHH Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (VINAGA – địa chỉ thực tế tại 439 Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) lưu hành không phép, “qua mặt” cơ quan chức năng trong khoảng thời gian dài.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc làm việc với phía VINAGA. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Công Suất – Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (VINAGA) khẳng định, công ty mới chỉ sản xuất khoảng vài trăm sản phẩm GACOIL CAPSULE và vinaga-DHA GACOIL CASPULE. Những sản phẩm này chủ yếu để dựng mẫu, chào hàng, cung cấp cho một số nhà thuốc tại Việt Nam.

ngang-nhien-san-xuat-kinh-doanh-san-pham-khong-phep-vinaga-khang-dinh-thu-hoi-qua-loi-noi

 Ông Nguyễn Công Suất – Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (VINAGA).   

Tuy nhiên, những lời nói của ông Nguyễn Công Suất lại trái với khẳng định trước đó của một đại diện phía VINAGA với báo chí rằng, hai sản phẩm GACOIL CAPSULE và vinaga-DHA GACOIL CASPULE chỉ được sản xuất để xuất khẩu và bán cho du khách nước ngoài.

Cũng theo vị này, hiện các sản phẩm sai phạm đã được thu hồi hết. Tuy nhiên, phía Công ty VINAGA lại không đưa ra bất cứ văn bản hay bằng chứng nào liên quan đến việc thu hồi sản phẩm GACOIL CAPSULE và vinaga-DHA GACOIL CASPULE.

Bên cạnh đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng không thấy xuất hiện thông báo nào liên quan đến việc thu hồi các sản phẩm trên. Trong khi đó, website chính thức của công ty đã được tạm thời đóng lại.

Theo Điều 4 Thông tư số 23/2018/TT-BYT quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của bộ Y tế:

“Điều 4. Trình tự thu hồi tự nguyện

1. Trong thời gian tối đa 24 giờ, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh về sản phẩm không bảo đảm an toàn nếu xác định sản phẩm thuộc trường hợp phải thu hồi, chủ sản phẩm có trách nhiệm sau đây:

a) Thông báo bằng điện thoại, email hoặc các hình thức thông báo phù hợp khác, sau đó thông báo bằng văn bản tới toàn hệ thống sản xuất, kinh doanh (cơ sở sản xuất, các kênh phân phối, đại lý, cửa hàng) để dừng việc sản xuất, kinh doanh và thực hiện thu hồi sản phẩm;

b) Thông báo bằng văn bản tới các cơ quan thông tin đại chúng cấp tỉnh, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Trường hợp việc thu hồi được tiến hành trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì phải thông báo bằng văn bản tới các cơ quan thông tin đại chúng cấp trung ương để thông tin cho người tiêu dùng về sản phẩm phải thu hồi;

c) Thông báo bằng văn bản tới cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm về việc thu hồi sản phẩm;

d) Khi thông báo bằng văn bản về việc thu hồi sản phẩm, chủ sản phẩm phải nêu rõ: tên, địa chỉ của chủ sản phẩm và nhà sản xuất, tên sản phẩm, quy cách bao gói, số lô sản xuất, ngày sản xuất và hạn dùng, số lượng, lý do thu hồi sản phẩm, danh sách địa điểm tập kết, tiếp nhận sản phẩm bị thu hồi, thời gian thu hồi sản phẩm.

2. Trong thời gian tối đa 03 ngày kể từ khi kết thúc việc thu hồi, chủ sản phẩm có trách nhiệm báo cáo kết quả việc thu hồi sản phẩm tới cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này và đề xuất hình thức xử lý sau thu hồi".

Tự ý in số công bố lên hai sản phẩm không phép, VINAGA giải thích lòng vòng

Đề cập đến vấn đề tự ý in số công bố của hai sản phẩm Dầu gấc viên nang Vinaga và Dầu gấc viên nang – DHA (số công bố 14650/2017/ATTP-XNCB và số công bố 13028/2017/ATTP-XNCB) được Cục An toàn thực phẩm cấp lên hai sản phẩm không phépGACOIL CAPSULE và vinaga - DHA GACOIL CAPSULE do lỗi từ khâu nào, ông Nguyễn Công Suất giải thích, ruột bên trong của sản phẩm dù bất kì hình dáng hay kích thước nào vẫn là dầu gấc.

Ban đầu khi đi đăng kí sản phẩm, phía Công ty được Bộ Y tế gợi ý nên đăng kí nhiều dạng sản phẩm vì bản chất vẫn là dầu gấc.

Tuy nhiên, khi được hỏi về sản phẩm cho dù bản chất hay ruột bên trong có giống nhau nhưng trong trường hợp tên gọi các sản phẩm có sự khác nhau và tách biệt, bắt buộc mỗi sản phẩm phải có công bố sản phẩm riêng, vị này vẫn trả lời lòng vòng và khẳng định bản chất sản phẩm vẫn là một và chỉ khác nhau về hình dáng và tên gọi, bên cạnh đó cho biết bản thân không am hiểu lắm về vấn đề này.

Câu hỏi đặt ra, rõ ràng chưa nắm rõ về luật, ngang nghiên sản xuất kinh doanh một loạt sản phẩm không phép và khẳng định sản phẩm chỉ thay đổi về hình dáng, kích thước nhưng tại sao phía VINAGA lại “đánh tráo” thành nhiều tên và ngang nhiên lấy số công bố của sản phẩm khác gán lên sản phẩm chưa được cấp phép? Đây rõ ràng là hành vi “cố ý” gây hiểu nhầm và “lừa dối” người tiêu dùng?

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hùng – Công ty Luật TNHH CHD Law phân tích, hành vi của VINAGA rõ ràng đã có 2 lỗi vi phạm, cụ thể:

Vi phạm về điều kiện sản xuất đối với cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và quy định của Luật Quảng cáo, hành vi này đã gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về chức năng, công dụng của sản phẩm.

Đối với hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đạt yêu cầu thực hành tốt GMP, hành vi này đã vi phạm khoản 3 điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm về vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cụ thể:

“Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật".

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cụ thể: Buộc thu hồi thực phẩm và buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm.

Ngoài ra, cá nhân tổ chức vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm quy định tại điểm d khoản 1 điều 317 Bộ luật hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

“d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng".

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng và phạt tù đến 20 năm. Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với hành vi Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn: Hành vi của VINAGA đã vi phạm quy định tại điểm b, Khoản 5 điều 51 Nghị định 58/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm c khoản 7 điều điều 51 Nghị định 58/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo gồm: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo; Buộc cải chính thông tin.

Về trách nhiệm hình sự, trường hợp hành vi Quảng cáo gian dối, gây nhầm lẫn của VINAGA được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng minh là đủ yếu tố cấu thành, họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ luật hình sự 2015 về Tội quảng cáo gian dối, cụ thể:

“1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

 Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Theo VietQ