Ngày thứ 3 liên tiếp Mỹ vọt lên gần 11.000 ca nhiễm mới, Thái tử Anh mắc COVID-19

Sáng nay (26/3), Mỹ tiếp tục một ngày tăng kỷ lục ca nhiễm mới với 10.796 người mắc, 151 người thiệt mạng do COVID-19. Trong khi đó, số ca tử vong do dịch bệnh tại Italy đã gấp 2,5 lần Trung Quốc.

Số ca nhiễm mới ở Mỹ tăng gấp đôi Italy

Ngày thứ ba liên tiếp, số người mắc COVID-19 tại Mỹ tăng cao, vượt ngưỡng 10.000 người sau một đêm. Con số này đã gấp đôi số ca nhiễm mới tại Italy trong một ngày. Hiện tổng số ca nhiễm tại Mỹ là 65.652 ca và 931 người tử vong.

Ngày 29/2, Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên ở nước này do COVID-19. Lúc đó, tổng số ca nhiễm chỉ mới ở hàng chục, theo kênh CNBC. Nhưng đến ngày 26/3, số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng vọt lên hơn 65.600 ca, tức tăng gấp hơn 1.000 lần chỉ trong khoảng 26 ngày.

ngay-thu-3-lien-tiep-my-vot-len-gan-11-000-ca-nhiem-moi-thai-tu-anh-mac-covid-19

Hơn 65.600 người ở Mỹ mắc COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã có ca nhiễm và Mỹ hiện là quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ý.

Các quan chức y tế Mỹ đánh giá tình trạng thiếu các biện pháp mạnh tay và việc nhiều người dân phớt lờ các chỉ đạo về "duy trì khoảng cách xã hội" thời gian qua có thể đã khiến số ca nhiễm ở Mỹ tăng mạnh, gây áp lực cho hệ thống y tế quốc gia.

Trong khi đó, báo New York Times dẫn lời chuyên gia chỉ ra "kẻ thù" lớn khiến dịch lây lan nhanh ở một số thành phố của Mỹ chính là mật độ dân số cao. Ở những không gian nhỏ bé như vậy, virus dễ lây lan thông qua các chuyến tàu điện ngầm đông nghẹt, những tòa chung cư, các khu vui chơi... Một số nhà nghiên cứu còn nhận thấy có sự tương đồng giữa New York và Vũ Hán xét về mật độ dân số.

Cùng với những thông điệp kiểu "nói giảm nói tránh" về mối đe dọa của COVID-19 từ Nhà Trắng, nhà chức trách Mỹ đã tạo ra một phản ứng chậm chạp, bỏ lỡ cơ hội để làm giảm sự lây lan của dịch.

Số người chết tại Italy không ngừng tăng lên, gấp 2,5 lần so với Trung Quốc

Sau một đêm, Italy có thêm 683 người tử vong vì COVID-19 và 3.491 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 74.386 người và 7.503 người tử vong.

Tính đến thời điểm này, số người nhiễm mới tại Italy không có dấu hiệu suy giảm, số người chết đã chính thức gấp 2,5 lần so với Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh.  

Dù tốc độ lây lan của dịch COVID-19 đang chậm lại ở miền Bắc nhưng Italy này vẫn ghi nhận thêm gần 800 ca tử vong trong ngày, đồng thời dịch bắt đầu có dấu hiệu lan nhanh xuống các tỉnh miền Nam.

Một mối lo ngại lớn nữa cho Italy vào lúc này là các con số người nhiễm và tử vong vì dịch COVID-19 đã bắt đầu gia tăng tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Chủ tịch vùng Campania, Vincenzo De Luca đã viết thư đề nghị Thủ tướng Giuseppe Conte khẩn cấp cung cấp các thiết bị y tế cho vùng này, khi số ca tử vong tại đây cũng đã tăng lên mức 74 người.

Thế giới có gần 21.200 người tử vong, dịch COVID-19 có mặt tại 197 quốc gia và vùng lãnh thổ

Tính đến 7h40 sáng nay (26/3), thế giới ghi nhận 468.644 người nhiễm, 21.191 người tử vong vì COVID-19.

Đứng sau Italy và Mỹ, đến sáng nay Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận số người nhiễm tăng thêm 7.457 người nhiễm và 656 người tử vong sau 1 đêm. Tổng số người tử vong vì COVID-19 tại Tây Ban Nha đã lên tới 3.647, vượt qua Trung Quốc.

Ngày hôm qua, 25/3 là ngày tang thương nhất của xứ sở bò tót kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, với số bệnh nhân qua đời đã tăng lên kỷ lục 738 người - mức tăng cao nhất trong suốt đại dịch COVID-19 ở nước này. 

ngay-thu-3-lien-tiep-my-vot-len-gan-11-000-ca-nhiem-moi-thai-tu-anh-mac-covid-19

Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Sky News, nhiều khách sạn trên khắp Tây Ban Nha đã được chuyển thành bệnh viện, và nhà trượt băng Palacio de Hielo ở thủ đô Madrid đã biến thành nhà xác. Chính quyền cho biết việc đưa thi thể nạn nhân đến sân trượt băng là "giải pháp tạm thời và đặc biệt" với mục đích "xoa dịu nỗi đau các gia đình nạn nhân và giảm tải cho bệnh viện".

Madrid là một trong những ổ dịch lớn nhất Tây Ban Nha. Bà Isabel Díaz Ayuso, Chủ tịch cộng đồng Madrid ước tính khoảng 80% người dân khu vực sẽ nhiễm COVID-19. Bà cho biết "hầu hết người bệnh có tình trạng nhẹ", tuy nhiên mối lo ngại thật sự nằm ở 15% cư dân dễ tổn thương, cụ thể là người cao tuổi và có bệnh lý nền.

Đến sáng nay, giới chức Iran thông báo số ca tử vong tại nước này do COVID-19 trong 24 giờ qua tăng thêm 143 người. Tính tới nay, quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận 2.077 trường hợp tử vong do mắc COVID-19.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour, Iran cũng đã ghi nhận thêm 2.206 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 tại tỉnh miền Trung Qom hôm 19/2, đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 27.017 trường hợp mắc bệnh, đã có 9.625 trường hợp hồi phục.

ngay-thu-3-lien-tiep-my-vot-len-gan-11-000-ca-nhiem-moi-thai-tu-anh-mac-covid-19

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người đi lại tại một cửa khẩu giữa Iran và Iraq. Ảnh: AFP.

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 và tử vong trong nước ngày một tăng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định sẽ áp đặt các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có việc cấm đi lại, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 15 ngày và có thể được tiến hành ngay từ đêm 25/3.

Trước đây, Iran chưa áp dụng biện pháp cấm đi lại, chỉ vận động người dân nên ở nhà. Tuy nhiên, đa số người dân phớt lờ khuyến cáo này. Bất chấp tình hình dịch bệnh, cuối tuần qua, hằng trăm người dân Iran vẫn đổ ra các đường phố để tận hưởng kỳ nghỉ Năm mới Ba Tư kéo dài 2 tuần.

Trong khi đó, giới chức Saudi Arabia thông báo cũng sẽ siết chặt biện pháp giới nghiêm từng phần. Theo đó, quốc gia này sẽ phong tỏa thủ đô Riyadh, Mecca, Medina, đồng thời cấm di chuyển giữa tất cả các tỉnh, bắt đầu từ ngày 25/3.

Tại Đức dù số ca tử vong sau một đêm là 47 người nhưng số ca nhiễm vẫn không ngừng tăng cao, lên tới 4.432 người sau 24 giờ. Đến nay, nước này ghi nhận tổng số 37.323 người nhiễm, 206 người tử vong do COVID-19.

Pháp vẫn ghi nhận một ngày nhiều biến động với 2.929 ca nhiễm mới, 231 người tử vong nâng tổng số ca nhiễm lên 25.233 và 1.331 người tử vong.

Thái tử Anh nhiễm COVID-19, một nửa dân số nghi nhiễm

Cung điện Clarence (đại diện cho Thái tử Anh) hôm 25/3 ra tuyên bố cho biết Thái tử Charles đã dương tính với virus SARS-CoV-2 tuy nhiên "vẫn có sức khỏe tốt mặc dù có triệu chứng nhẹ và đã làm việc tại nhà trong vài ngày qua như bình thường". Vợ của Thái tử, Camilla cũng đã được xét nghiệm và âm tính với nCoV. Hai người đang tự cách ly tại nhà ở Scotland.

Theo tính toán của một nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có thể đã xâm nhập nhiều người tại Anh hơn so với các ước tính trước đó, thậm chí có thể hơn một nửa dân số Anh đã nhiễm loại virus nguy hiểm này.

ngay-thu-3-lien-tiep-my-vot-len-gan-11-000-ca-nhiem-moi-thai-tu-anh-mac-covid-19

Người dân Anh vẫn chen chúc trên tàu điện ngầm mà không đeo khẩu trang, một ngày sau khi Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố phong tỏa nước Anh để giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Nếu kết quả này được xác nhận thì có nghĩa là chỉ chưa đầy 1 người trong tổng số 1.000 người nhiễm virus là có các triệu chứng nặng đến mức cần nhập viện. Theo bà Sunetra Gupta, giáo sư dịch tễ học lý thuyết, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, đại đa số những người nhiễm virus chỉ có các triệu chứng rất nhẹ hoặc thậm chí còn không có triệu chứng nào.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách là phải triển khai chẩn đoán huyết thanh học quy mô lớn - hay còn gọi là xét nghiệm kháng thể - để đánh giá giai đoạn chính xác mức độ lây lan của dịch bệnh tại Anh.

Ấn Độ phong tỏa 1,3 tỉ dân để chống dịch COVID-19

Hàng triệu người trên khắp Ấn Độ đang thực thi lệnh phong tỏa cho đến cuối tháng 3 trong bối cảnh chính quyền nước này nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.

Cư dân sống ở 75 quận trên cả nước, bao gồm cả ở các thành phố lớn như thủ đô New Delhi, Mumbai, Bangalore, Chennai, Hyderabad và Kolkata đã bị hạn chế đi lại, làm việc và di chuyển cho đến ngày 31/3.

ngay-thu-3-lien-tiep-my-vot-len-gan-11-000-ca-nhiem-moi-thai-tu-anh-mac-covid-19

Cảnh người dân Ấn Độ xếp hàng mua vé tàu hỏa tại nhà ga ngày 24/3.

Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã có 657 trường hợp nhiễm virus corona, trong đó có 12 trường hợp tử vong. Số trường hợp nhiễm gia tăng đột ngột đã dẫn đến mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng xét nghiệm tìm ra virus của quốc gia này và rằng một ổ dịch lớn với quy mô lớn như châu Âu hiện tại sẽ lan rộng ở nước này.

Tiến sĩ Balram Bhargava, Tổng Giám đốc của Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ, cho biết Ấn Độ đã tiến hành 5.000 xét nghiệm trong tuần qua và tổng cộng 15.000 xét nghiệm cho đến nay.

Có 111 phòng thí nghiệm hoạt động với công suất thử nghiệm mỗi tuần từ 60.000 đến 70.000 trường hợp và khoảng 60 phòng thí nghiệm tư nhân khác đang trong quá trình được phê duyệt để tăng thêm năng lực xét nghiệm, theo Bhargava.

Theo GiaDinh

----------

* Xem thêm:

Thảm cảnh gây sốc ở Tây Ban Nha, người chết như rạ vượt qua Trung Quốc, tăng nhanh hơn Ý

Chủ tịch Hà Nội: Có thể còn 20 ca mắc Covid-19 đang đi lại trong cộng đồng

Bệnh nhân Covid-19 thứ 17 sắp xuất viện: Vẫn cần làm rõ trách nhiệm"đã khai dối"?

Người nghi nhiễm Covid-19 không nên bỏ qua các triệu chứng về tiêu hóa