Ngôi làng lạ giữa Thủ đô: Nuôi lợn không cho đàn bà con gái vào xem

Lợn là một vật nuôi gần gũi với con người, nhưng lợn được tôn vinh thành vật tế và được gọi bằng ông, bằng ngài lợn thì chỉ có ở 17 thôn của xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Và cách họ những chú ỉn được biến thành ông lợn cũng vô cùng độc đáo...

Khắt khe chọn người mát tay

Để tìm hiểu về những ông lợn của xã La Phù, chúng tôi đã về đình làng La Phù. Ông thủ từ Nguyễn Phan Hùng, năm nay 74 tuổi, sau khi mời tôi miếng trầu đã chậm rãi giới thiệu về lịch sử ngôi đình và lễ rước lợn độc nhất vô nhị của người dân nơi đây.

Theo các cụ cao niên trong làng La Phù, lễ rước “ông lợn” là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi. Đã từ lâu, cứ vào đêm 13 rạng sáng 14 tháng Giêng (âm lịch), người dân ở xã La Phù lại náo nức tổ chức lễ tế, hội rước “ông lợn”.

ngoi-lang-la-giua-thu-do-nuoi-lon-khong-cho-dan-ba-con-gai-vao-xem

“Ông lợn” trong lễ rước ở La Phù.  Ảnh: T.L

Là một xã ven đô, có tốc độ đô thị hóa nhanh, song La Phù vẫn lưu giữ được những giá trị truyền thống cha ông để lại. Lễ hội rước lợn La Phù vừa mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian, vừa thể hiện truyền thống văn hóa uống nước nhớ nguồn sâu sắc của người dân Việt Nam.

Tục truyền rằng, mỗi khi Đức Thánh Tam Lang tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân. Ông được vua Lê Đại Hành, vua Trần Thái Tông, vua Lê Thái Tổ và vua Quang Trung ban sắc phong…

Vị tướng tài ba đã “hóa” vào lúc 0 giờ ngày 13, rạng sáng 14 tháng Giêng. Từ đó, cứ đến ngày này hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước lợn khao quân, qua đó tưởng nhớ Tĩnh Quốc Tam Lang…

Trước kia La Phù chỉ có 6 giáp nên chỉ có 6 lễ lợn. Nhưng hiện tại thì đã có 17 thôn, mỗi thôn đều có một phần lễ, nên mới có việc khi rước lợn ra đình lễ, chỉ có 6 ông lợn được chầu ở trong hậu cung. Còn 11 ông lợn  thì bày ngoài dòng nước – tức là hai bên tả - hữu phía ngoài của đình làng.

Theo ông Hùng, việc chọn người đăng cai nuôi lợn phải hết sức kỹ càng, trước hết người nhận phần lễ này phải thành tâm với việc làng, ai không thành tâm thì lợn đều bị chết trước ngày lễ ít ngày (cách đây 2 năm đã có trường hợp xảy ra như thế). Gia chủ phải song toàn, vợ chồng hòa thuận khỏe mạnh, có cả con trai và con gái ngoan ngoãn, biết đối nhân xử thế, không hiềm khích gì với hàng xóm láng giềng, chịu khó làm ăn.

Điều đặc biệt nữa là trong gia đình không chịu tang giới, nếu sắp tới ngày lễ mà gia đình người đăng cai nuôi lợn xảy ra việc tang hoặc điều gì đó không lành như tai nạn... thì phải chuyển cho người khác vinh dự này.

ngoi-lang-la-giua-thu-do-nuoi-lon-khong-cho-dan-ba-con-gai-vao-xem

Đông đảo người dân tham gia lễ hội rước lợn. Ảnh: zing

Các ông lợn được chăm sóc trong suốt một năm, thức ăn ngon (chủ yếu là cám gạo, rau sạch). Đặc biệt, đến tháng cuối cùng trước khi diễn ra lễ hội, các ông lợn đều được cấp 50kg gạo nếp cái hoa vàng, nấu cháo hoa cho ăn, để sau này thân hình ông lợn được thơm tho sạch sẽ…      

Cụ Trần Chúc (80 tuổi), người đã nhiều năm trong Ban kiểm tra lễ lợn trong hội La Phù, cho biết: Lợn nuôi để làm lễ phải chọn rất kỹ, trước tiên phải là lợn đực thì mới gọi là ông lợn được. Lợn trắng, không có một sợ lông đen nào. Mặt lợn vuông nở, mõm ngắn, mông vai cân đối, thân trường, đuôi dài vừa phải, chân móng sò chứ không được móng hài. Lợn nặng từ 50 - 80kg thì tiếp tục nuôi thêm một năm nữa.

Sau khi tìm đủ được cả người nuôi mát tay cùng gia cảnh song toàn và lợn giống đủ tiêu chuẩn thì sẽ đưa vào quy trình nuôi lợn lễ cho mùa hội năm tiếp theo.

Độc đáo lợn lễ

Theo ông Nguyễn Công Tâm (69 tuổi) - Phó ban khánh tiết đình La Phù, nói về lợn lễ có rất nhiều điều mà chỉ có thể lý giải bằng… tâm linh.

Các ông lợn được chăm sóc trong suốt một năm, thức ăn ngon (chủ yếu là cám gạo, rau sạch). Đặc biệt, đến tháng cuối cùng trước khi diễn ra lễ hội, các ông lợn đều được cấp 50kg gạo nếp cái hoa vàng, nấu cháo hoa cho ăn, để sau này thân hình ông lợn được thơm tho sạch sẽ. Chỗ ở của ông lợn phải cao ráo, không để lợn đầm trong nước thải và phân mà ngày nào cũng phải tắm cho lợn thật sạch.

Nếu trong quá trình chăm sóc suốt một năm, những ông lợn có dấu hiệu ốm, bỏ ăn thì không được dùng thuốc thú y chữa mà người đăng cai nuôi phải ra đình La Phù thắp hương làm lễ, xin các ngài độ cho ông lợn có sức khỏe. Ông Tâm nói, có rất nhiều  lần bà con nuôi lợn lễ đã gặp phải tình huống này và đều ra đình thắp hương và đã khỏi.

Trong quá trình nuôi, gia chủ tuyệt đối không cho người lạ, đàn bà con gái vào xem lợn, sợ mất vía lợn sinh ra ốm thì cả làng cả xóm mất lộc. Và việc nuôi lợn lễ phải giữ kín với hàng xóm láng giềng cũng như người thiên hạ, phải đến khi đưa lợn đi hiến sinh thì mới được công khai.

ngoi-lang-la-giua-thu-do-nuoi-lon-khong-cho-dan-ba-con-gai-vao-xem

   Các cụ trong ban khánh tiết của đình La Phù đang bàn luận về ông lợn lễ. Ảnh: G.T

Đến ngày làm lễ thì những ông lợn thường đạt trọng lượng từ 250kg đến hơn 300kg nhưng vẫn có thân hình cân đối. Theo cụ Chúc, nếu ai không trực tiếp chứng kiến lễ hiến sinh các ông lợn thì rất khó tin. Đến ngày làm lễ, các ông lợn được thắp hương ở chuồng nuôi. Hết lễ thì gia chủ mở cửa chuồng, những ông lợn đi theo đoàn rước ra chỗ để hóa kiếp.

“Chưa bao giờ người dân thôn La Phù phải bắt trói lợn cả, những ông lợn đều trong tư thế tự nguyện để người ta lấy huyết và hóa kiếp cho mình. Khi lấy huyết cũng không phải trói hay bịt mồm lợn lại, mà chỉ cần khoảng 3 người giữ nhẹ là được. Hàng trăm năm qua chưa ai lý giải được việc này” – cụ Chúc tiết lộ.

Trong quá trình hóa kiếp các ông lợn phải thật lưu ý khâu vệ sinh, nhà chủ phải giữ lại một ít lông của ông lợn mình nuôi để khi làm lễ thì đốt, và lấy một ít huyết để khi làm lễ thì ra đổ ở miếng ấn cửa đình với mong muốn sức có khỏe và làm ăn may mắn cũng như mưa thuận gió hòa…

Cụ Chúc cũng cho biết thêm, khi các ông lợn đã được làm sạch sẽ thì các xóm sẽ tổ chức trang trí. Phần mắt, mũi, tai và móng được gắn những bông hoa. Sau đó lợn được đặt lên kiệu, các phần nội tạng cũng đã được làm sạch và bày vào trong phần bụng các ông lợn, đi kèm với đó là 50kg gạo xôi (mà khi làm gạo nếp chỉ có con gái chưa chồng chọn gạo đồ xôi). Phần áo khoác của các ông lợn là quan trọng nhất, làm từ chính phần mỡ chài trong bụng lợn được bóc ra một cách cẩn thận, không được làm rách. Thường những ông lợn nào được phủ lớp áo phẳng, trắng trẻo thường đạt giải cao trong hội thi.

Theo quan niệm của người dân La Phù, nếu ông lợn của xóm mình thắng trong cuộc thi thì sẽ đem lại may mắn nhiều hơn trong năm đó cho cả xóm. Đoàn rước kiệu các ông lợn của các xóm thường thu hút hàng nghìn người tham dự. Do La Phù là làng nghề truyền thống sản xuất bánh kẹo và dệt len, người dân có điều kiện về kinh tế nên các đám rước tổ chức rất to, hoành tráng.

Sau khi những ông lợn được công đồng về đình làng, đến 24 giờ đêm 13 tháng Giêng, các cụ cao niên trong ban khánh tiết sẽ làm lễ và công bố chấm điểm đối với các ông lợn của 17 xóm. Đến sáng ngày hôm sau, những ông lợn được xẻ thịt và chia cho toàn bộ dân làng cùng ăn, khép lại một mùa lễ hội đặc sắc. Và bà con lại tiếp tục chuẩn bị những ông lợn cho năm sau.

Theo DanViet