Người dân hoang mang trước thông tin Hà Nội đề xuất làm tuyến đường sắt hơn 65.000 tỷ đồng

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã trình Chính phủ thẩm định về đề xuất chi hơn 65.000 tỷ đồng để xây dựng tuyến metro số 5 từ Văn Cao đến Hòa Lạc. Trong bối cảnh nhiều tuyến đường sắt đô thị đang chậm tiến độ nghiêm trọng và đội vốn lên đến hàng chục lần thì đề xuất này không khỏi khiến nhiều người dân hoang mang.

Theo đề xuất, tuyến đường sắt này sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến là 65.400 tỷ đồng. Cụ thể, tuyến đường sắt này dài 39 km với 21 nhà ga trong đó có 15 ga nổi (14 ga nổi trên mặt đất, 1 ga trên cao) và 6 ga ngầm.

Lộ trình của tuyến đường sẽ khởi hành từ Văn Cao đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long.

Từ nút giao Hòa Lạc đến cuối tuyến metro số 5 tại thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), tuyến đường sắt sẽ nằm trên dải phân cách giữa của cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.

Dự kiến, khi đưa vào vận hành toàn tuyến sẽ đáp ứng tối đa khoảng 40 đoàn tàu với 4 đến 6 toa mỗi ngày với vận tốc tối đa là 120km và thời gian giữa các lượt tàu tại các điểm đón là 3,3 phút.

Dự án đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011. Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, từ lúc lập quy hoạch đến nay đã hơn 4 năm và mục tiêu giai đoạn 2016 đến 2020 không còn khả thi, nên đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021 đến 2025 là phù hợp.

Người dân hoang mang trước thông tin Hà Nội đề xuất làm tuyến đường sắt hơn 65.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Việc chậm tiến độ, đội vốn với các công trình đường sắt đô thị từ lâu đã trở thành nỗi bức xúc của người dân Thủ đô.

Vừa qua (21/9), UBND TP đã trình Chính phủ báo cáo về việc thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5, tuyến Văn Cao - Hòa Lạc.

UBND TP Hà Nội cho rằng hệ thống đường sắt đô thị này sẽ đóng vai trò thiết yếu trong vận tải hành khách công cộng, tuyến metro số 5 được bố trí trên các trục đường có các nút giao quan trọng, kết nối các khu đô thị dọc đại lộ Thăng Long với nội đô.

Đáng chú ý, 10 năm qua, Hà Nội thi công hai tuyến đường sắt gồm tuyến số 2 (từ 2A Cát Linh đến Hà Đông) và tuyến số 3 (từ Nhổn đến ga Hà Nội) vẫn chưa thể hoàn thiện.

Nhiều đề xuất làm đường sắt như tuyến đường sắt đô thị số 1 sau 15 năm chưa thể khởi công đội vốn tới 9 lần, tuyến đường sắt đô thị số 2 cũng chưa hề khởi công nhưng đã đội vốn tới gần gấp đôi thì đề xuất này thực sự khiến nhiều người dân hoang mang. 

Ông Trịnh Hoài Nam (64 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "UBND Hà Nội cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn đề xuất này để tránh xảy ra việc chậm tiến độ, đội vốn hàng loạt như những công trình, đề xuất trước đây. Khi phê duyệt, khởi công thì rất khó khắc phục hậu quả. Người dân sẽ rất thất vọng khi trông chờ vào những dự án như vậy".

Không chỉ tiến độ thi công và sự đội vốn trong quá trình thi công, quá trình giải phóng mặt bằng cũng khiến người dân lo ngại. Tuyến đường sắt đô thị số 2 được phê duyệt năm 2008 dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng hiện nay không chỉ không được khởi công mà tiến độ giải phóng mặt bằng mới chỉ đạt 70%.

UBND thành phố Hà Nội cần xem xét kỹ lưỡng, tập trung khắc phục những "điểm nghẽn" trong thi công các tuyến đường sắt đô thị hiện tại. Khi các công trình chậm tiến độ, đội vốn cũng là lúc chỉ số niềm tin của người dân vào các công trình giao thông đô thị sụt giảm.

Chi tiết quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội

Tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh dài khoảng 39 km.

Tuyến số 2: Nội Bài - Trung tâm thành phố - Thượng Đình dài khoảng 35 km.

Tuyến số 3: Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 21 km

Tuyến số 4: Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy nối Hoàng Mai - Thanh Xuân - Bắc Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh dài 53,1 km

Tuyến số 5: Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc dài 39 km.

Tuyến số 6: Nội Bài - Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi kết nối với tuyến số 4 và tuyến số 7 dài 43 km.

Tuyến số 7: Mê Linh – Khu đô thị mới phía Tây Nhổn - Vân Canh - Dương Nội kết nối với tuyến số 4 và tuyến số 6 dài khoảng 35 km.

Tuyến số 8: Cổ Nhuế - đường Đai 3 - Lĩnh Nam - Bát Tràng - Dương Xá dài khoảng 28 km.

Huy Hoàng

Theo GiaDinh

-----

Xem thêm:

+Đường sắt Cát Linh - Hà Đông rỉ sét: Ray, tà vẹt nhập Trung Quốc

+Cận cảnh tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang bị tổng thầu Trung Quốc đòi thêm 50 triệu USD phí vận hành

+‘Cát Linh – Hà Đông không chỉ là thương mại, mà còn là biểu trưng tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc’

----