Người lao động ở TP.HCM đến chỗ làm thế nào sau ngày 30/9?

Công an TP.HCM đã tiếp nhận danh sách từ 17 sở, ngành với tổng số cán bộ, nhân viên, người lao động trên 7.500 người.​

Chiều 23/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch 24 giờ qua trên địa bàn. Từ 18h ngày 21/9 đến 18h ngày 22/9, TP.HCM đã lấy 821.999 mẫu xét nghiệm.

Nói về quá trình tái cấu trúc các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay, Sở Y tế tham mưu cho UBND TP.HCM sau dịch, các bệnh viện đã tách đôi hoặc chuyển đổi công năng để trở lại bình thường.

Các bệnh viện, trung tâm y tế ở địa bàn là vùng xanh như quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi sẽ sớm được chuyển đổi thành bệnh viện bình thường và giao việc điều trị bệnh nhân Covid-19 cho các bệnh viện chuyên biệt.

Từ hôm nay (23/9), bà Mai cho biết Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi sẽ không nhận bệnh nhân mới để giải quyết bệnh nhân nặng, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi.

Xét duyệt giấy lưu thông cho hơn 7.500 người lao động

Mở đầu họp báo, thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết có nhận được câu hỏi về tiến độ tiếp nhận, giải quyết giấy phép lưu thông cho người lao động, công chức, viên chức, cán bộ đi làm sau 30/9.

Thượng tá Tuyến cho hay theo thống kê của Công an TP.HCM, đến nay đơn vị đã tiếp nhận danh sách từ 17 sở, ngành của TP, với tổng số người lao động, cán bộ, nhân viên trên 7.500 người.

nguoi-lao-dong-o-tp-hcm-den-cho-lam-the-nao-sau-ngay-30-9
 

Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Công an TP.HCM đang cập nhật thông tin vào phần mềm VNEID để quản lý, kiểm soát lưu thông. Trong đó, để hạn chế thủ tục cấp đổi giấy đi đường và việc lạm dụng giấy thông hành không đúng mục đích, Công an TP.HCM đề xuất phương án giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phép lưu thông đến trụ sở làm việc theo thời gian 6h30-8h và 16h30-18h. Tuyến đường được phép lưu thông từ nơi ở đến trụ sở làm việc.

Với các trường hợp ra đường thực hiện nhiệm vụ (ngoài khung giờ và tuyến đường) vẫn sử dụng giấy đi đường đã cấp (trường hợp đổi ca, bị nhiễm nCoV thì đổi giấy). Trong trường hợp đặc biệt do yêu cầu công việc thì Công an TP.HCM xem xét cấp bổ sung giấy đi đường và xem xét giải quyết từng đơn vị.

5 nhóm được hỗ trợ

Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động, Tiền lương, Bảo hiểm xã hội của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết Thường trực HĐND TP.HCM vừa ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài (gói hỗ trợ lần 3).

Theo Nghị quyết, có 5 nhóm được hỗ trợ, nhiều hơn một nhóm so với đề xuất trước đó của TP.HCM.

Nhóm 1: Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn.

Nhóm 2: Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội, đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…).

Nhóm 3: Người phụ thuộc của nhóm 2. Cụ thể là cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ, đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).

nguoi-lao-dong-o-tp-hcm-den-cho-lam-the-nao-sau-ngay-30-9
 

TP.HCM sẽ chi hỗ trợ đủ, đúng, không bỏ sót, không phân biệt người thường trú, tạm trú, lưu trú. Ảnh minh họa: P.N.D.

Nhóm 4: Cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, đang tham gia BHXH và được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021 mà có hoàn cảnh khó khăn (ở nhà làm nội trợ, hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…) sống cùng một hộ và đang có mặt ở TP.HCM.

Nhóm 5: Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Gói hỗ trợ lần 3 không hỗ trợ đối với người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia BHXH và được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021. Tuy nhiên, người phụ thuộc của những người trên mà có hoàn cảnh thực sự khó khăn thì được hỗ trợ (nhóm 4).

Nguyên tắc hỗ trợ là chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú; công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

Tăng cường truy vết ở vùng xanh

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), thông tin TP vẫn truy vết, quản lý F1; tuy nhiên, hoạt động này ít hơn trước kia vì TP đang thực hiện Chỉ thị 16, F1 hầu như ở cùng nhà với F0 nên được quản lý song song với F0.

Ông Tâm cho biết ở vùng xanh, số ca nhiễm giảm, việc đi lại thoáng hơn nên công tác truy vết F1 sẽ được tăng cường và cách ly như trước đây.

Theo ông Tâm, số lượng F1 được cách ly tập trung là 1.600 người và 19.500 F1 đang cách ly tại nhà. Việc quản lý F1 cơ bản giống F0 nhưng nhẹ nhàng hơn. Các F1 này phải khai báo dịch tễ, cách ly tại các phòng riêng.

"F1 này được phát hiện qua truy vết. Các trường hợp F1 sống chung với F0 sẽ được quản lý chung với F0", ông Tâm cho hay.

Về công tác lấy mẫu xét nghiệm, ông Tâm cho biết ngành y tế TP.HCM triển khai xét nghiệm diện rộng trong 7 ngày từ 22 đến 29/9 với các vùng nguy cơ. Kết quả bước đầu về tỷ lệ dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm như sau: Xanh - 0,1%; cận xanh - 0,3%; vàng - 0,3%; cam - 0,5%; và đỏ - 0,7%.

Về vấn đề xét nghiệm tầm soát đối với lực lượng mai táng, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết các nhân viên dịch vụ mai táng sẽ được xét nghiệm như những người dân bình thường.

Bà Mai cho rằng những nạn nhân tử vong do Covid-19 đã có lực lượng quân đội phụ trách. Dịch vụ mai táng chủ yếu phụ trách trường hợp tử vong không do Covid-19. Các công ty dịch vụ mai táng gắn kết với bệnh viện và có hợp đồng để xử lý thi hài sau khi qua đời. Do đó, các bệnh viện sẽ hỗ trợ đối tượng này.

Người lao động ở TP.HCM đến chỗ làm thế nào sau ngày 30/9? - Ảnh 4.
 

TP.HCM đang thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng toàn thành phố từ nay đến 30/9. Ảnh: Duy Hiệu.

Từ 0h ngày 16/9, TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến hết 30/9, nới lỏng một số hoạt động.

Shipper được chạy liên quận/huyện/TP từ 6h đến 21h hàng ngày. Bên cạnh đó, lực lượng giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng được hoạt động nội quận, huyện và TP Thủ Đức.

TP.HCM tiếp tục mở rộng một số loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký) được hoạt động từ 6h đến 21h. Điều kiện hoạt động của nhóm này là người lao động tại nơi làm việc phải tiêm ít nhất một mũi vaccine và xét nghiệm 5 ngày/lần.

Riêng các địa bàn đã kiểm soát được dịch gồm quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên các quận, huyện này và khu công nghệ cao sẽ được thí điểm cơ chế riêng. Người dân khu vực này được đi chợ một lần/tuần. UBND các địa phương này quyết định bổ sung thêm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động.

Theo Zingnews