Người lớn không đồng ý, sao trẻ biết chơi điện thoại, iPad?

Việc con nghiện điện thoại, iPad, tivi không phải là tự nhiên. Nếu người lớn không trao và mang đến cho con, con sẽ không bao giờ có cơ hội sử dụng các thiết bị ấy.

nguoi-lon-khong-dong-y-sao-tre-biet-choi-dien-thoai-ipad

Ảnh: BBC/GETTY IMAGES

Tôi có hai bé, một bé 4,5 tuổi và một bé 3 tuổi. Ngay từ trước khi sinh con, tôi đã đọc những bài viết về tác hại của việc dùng điện thoại , iPad, tivi nên không cho con sử dụng. Thay vào đó, tôi dành nhiều thời gian cho con và chơi cùng con.

Thời điểm hiện tại, bé có thể xem ipad 15 phút/lần, ngày 1-2 lần các chương trình tiếng Anh. Bé không đòi hỏi xem ipad nếu ngày hôm đó mẹ không cho xem.

Để con không lệ thuộc vào thiết bị này, từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nghĩ cha mẹ không nên dùng điện thoại để dụ con ăn, để giữ con ngồi yên, tránh phiền nhiễu; và quan trọng hơn cả là dành thời gian cho con.

Để con tự ăn

Tôi cho bé ăn dặm kiểu Nhật, sau lớn hơn thì theo phương pháp tự chỉ huy, bé ngồi ghế và tự ăn lúc 6 tháng. Bé ăn theo nhu cầu, mẹ không ép. Đặc biệt, ngoài những bữa ăn chính, tôi không cho bé ăn bánh kẹo, bim bim. Những thực phẩm này không tốt cho sức khỏe và khiến bé không có cảm giác đói. Bé không to, mập nhưng khỏe mạnh và hoạt bát.

Tôi thấy nhiều cha mẹ thường dùng điện thoại để cho con ăn, mong chúng ăn nhiều, ăn nhanh, giảm áp lực chạy rông đút cơm cho con. Nhiều em bé chưa đầy một tuổi dán mắt vào màn hình và lâu dần thành thói quen, không có điện thoại là không ăn.

Thêm một miếng cơm, cha mẹ thở phào nhẹ nhõm nhưng tác hại ẩn sau sau những chiếc điện thoại, iPad và tivi ấy là khôn lường. Con không học được thói quen tự chủ, nhận biết được nhu cầu của bản thân và tự mình quyết định việc của chính mình là ăn gì và ăn bao nhiêu. Sau này lớn hơn, chắc rằng cha mẹ sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết hệ quả xấu.

Vậy nên, cởi bỏ việc ép con ăn, uống sữa, muốn con phải ăn theo lượng mà cha mẹ định hoặc theo một chuẩn nào đó, thay vào đó tôn trọng nhu cầu ăn của chính con sẽ là "chìa khoá" không cần dùng đến các thiết bị điện tử.

Thêm vào đó, cũng hãy cởi bỏ tâm lý muốn con to mập, hoặc phải đạt mức theo chuẩn để không phải nặng nề việc ăn uống. Bởi con mập, thừa cân, béo phì tiềm ẩn nhiều bệnh tật. Con vừa người, roi roi nhưng khỏe mạnh, vận động nhiều, ăn uống lành mạnh là dấu hiệu của việc phát triển tốt.

Cũng quan trọng không kém là giảm bớt lượng bánh kẹo, bim bim, đồ ăn vặt để trẻ tập trung ăn ngon vào bữa ăn chính, cũng là để bảo vệ sức khỏe của con trước những tác hại của việc lạm dụng loại thực phẩm này.

Để con được chơi và tự chơi

Tôi thường để bé tự chơi hoặc chơi cùng con, cho con ra ngoài chơi từ khi con còn nhỏ. Ngay cả lúc bận việc, tôi cũng sắp xếp và ưu tiên dành thời gian cho con.

Hai bé cách nhau 1,5 tuổi khiến tôi nhiều lúc rất mệt, tâm trạng rối bời, nhất là khi chúng mè nheo, khóc lóc mà cơm canh chưa nấu, nhà cửa chưa dọn, việc thì chất đống. Nhưng những lúc ấy, không bao giờ tôi cho con dùng điện thoại, tivi, iPad để rảnh tay làm việc hay tránh phiền phức.

Thay vào đó, tôi dành thời gian cho con, chơi cùng con và bày trò cho con chơi. Dưới 2 tuổi cho con tờ giấy để vẽ nguệch ngoạc, vò, xé; dán băng keo xuống sàn nhà để con bóc; cho con ra ngoài chơi với thiên nhiên, cây cỏ...

Hãy tạo cơ hội cho con được vận động thoải mái như chạy nhảy, leo trèo và khám phá mọi thứ xung quanh. Đừng sợ con té ngã, dơ bẩn. Việc của người lớn là đảm bảo an toàn như trải thảm xốp để con nhảy từ ghế xuống không bị đau, làm thêm lưới bảo vệ cho cầu thang... Cấm cản sẽ khiến con buồn chán, mất cơ hội vận động, khám phá, tự chơi, khi ấy con sẽ càng mè nheo, nhõng nhẽo và quấy nhiễu người lớn.

Nếu được thoải mái chơi và trải nghiệm trong giới hạn an toàn, trong sự cổ vũ và khích lệ, tin tưởng của người lớn, con sẽ tự lập khi bước sang tuổi mới. Chúng sẽ tự nghĩ ra trò chơi và biết cách tạo trò chơi mà không cần đến điện thoại, tivi, iPad.

Tôi có may mắn là hai bé gần tuổi nhau nên hiện chúng có thể tự chơi với nhau gần như cả ngày. Chúng tự nghĩ ra trò chơi, đóng kịch, nhảy múa, leo trèo mà không cần cha mẹ chơi cùng. Việc của tôi là không để quá nhiều đồ chơi nhằm tránh bừa bộn hoặc hỗ trợ khi chúng cần sự giúp đỡ.

Xây dựng tình yêu đọc sách cho con

Việc này tôi cũng duy trì khi con vài tháng tuổi. Dĩ nhiên, vào độ tuổi ấy, chẳng một em bé sơ sinh nào hứng thú với sách hoặc nhận biết được sách. Nhưng nếu chăm sóc con trong 6 tháng đầu đời hoặc lâu hơn thế, bạn sẽ làm gì để có thể chơi cùng con một cách ý nghĩa nhất? Chắc hẳn đọc sách là một lựa chọn thông minh và dễ dàng.

Chỉ cần dành thời gian đọc sách cho con, bạn đã giúp con hình thành một thói quen tốt và lành mạnh về sau. Chịu khó tìm hiểu qua một số kênh giới thiệu sách như Fanpage Mầm nhỏ, Kẹp hạt dẻ, Vừng’s library... là bạn có thể mua được vô vàn sách hay.

Tôi đọc sách cho bé trước giờ đi ngủ. Kiên trì và bền bỉ mỗi ngày, tầm sau 9 tháng, bé bắt đầu quan tâm đến sách. 11 tháng bé lấy được quyển sách theo yêu cầu của mẹ và đặc biệt hứng thú với truyện tranh Ehon "Cá vàng trốn ở đâu rồi nhỉ". Bây giờ bé xem sách và muốn nghe đọc sách bất cứ lúc nào bé thích, nhất là truyện cổ tích.

Còn gì tuyệt hơn khi con hứng thú với sách. Con lấy một cuốn sách để tự đọc, tự xem hoặc nhờ cha mẹ đọc cho nghe chẳng phải tốt hơn là ngồi hàng giờ xem ti vi, điện thoại, iPad?

Tương tự, có thể giúp con hình thành những thói quen tốt, những hoạt động giải trí lành mạnh, trên cơ sở yêu thích, năng khiếu của con như âm nhạc, hội họa, bơi lội, võ thuật...

Người lớn có thể đạt được những mục đích trước mắt qua việc cho con dùng điện thoại, iPad, tivi. Nhưng hậu quả lâu dài là không thể đo đếm được. Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe, những thiết bị điện tử còn tước đi của con cơ hội được trải nghiệm, được khám phá, giao tiếp, được sống với thế giới sống động.

Vậy nên, khi phải dùng điện thoại quá nhiều vì công việc, hãy giải thích rõ ràng và thành thật với con. Còn bạn dùng điện thoại để giải trí và chơi game, rồi mặc kệ con, sẽ không thể tránh được việc con cũng sẽ mê như bạn. Điều cần làm là thay đổi thói quen chưa tốt ấy.

Chung qui lại, cốt yếu vẫn là những bậc cha mẹ luôn cần dành thời gian cho con, đặc biệt là khoảng thời gian chất lượng. 

30 phút cho con mỗi ngày, được không?

Bạn bận, nhưng ít nhất một ngày, hãy buông điện thoại xuống, dành cho con 30 phút trọn vẹn có mặt bên con, nói chuyện với con, đọc cho con một quyển sách, vẽ với con một bức tranh, chơi cùng con một trò chơi. Cuối tuần sắp xếp một buổi đi chơi, dã ngoại, cùng nấu một bữa ăn... Khi nhận được sự quan tâm ấm áp, yêu thương, được cha mẹ tạo dựng những thói quen tốt, những hoạt động giải trí lành mạnh, con sẽ vững vàng trong cơn "cơn bão" công nghệ và không bị chao đảo trước "làn sóng" thiết bị thông minh.

Theo Tuổi Trẻ