Nguy cơ mắc ung thư phổi từ những thói quen tưởng chừng vô hại

Những thói quen đời thường tưởng chừng như vô hại lại vô tình dẫn đến nguy cơ mắc ung thư phổi cao. Vậy những thói quen đó là gì?

Hút thuốc lá 

Hút thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất gây ung thư phổi, và những người hút thuốc có nguy cơ phát triển bệnh ung thư cao gấp   7-11 lần so với người không hút thuốc. Hơn 30% các ca ung thư như ung thư phổi, ung thư thanh quản và ung thư thực quản có liên quan với việc hút thuốc lá. 

Tiếp xúc với khói thuốc lá

Việc hít phải khói thuốc hay thường được gọi là hút thuốc thụ động, là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư phổi ở những người không hút thuốc. Nguy cơ mắc bệnh đối với những người hút thuốc lá thụ động tăng lên từ 20-30% trong khi đối với những người làm việc trong môi trường có khói thuốc là 16 - 19%. Các nghiên cứu chỉ ra khói thuốc bay ra ngoài không khí từ điếu thuốc cháy nguy hiểm hơn nhiều so với loại khói mà người hút thuốc trực tiếp hít vào.

Nguy cơ mắc ung thư phổi từ những thói quen tưởng chừng vô hại

Ăn quá nhiều thịt đỏ

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, nếu bạn ăn quá nhiều thịt đỏ có thể gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt, tỷ lệ mắc ung thư phổi tăng cao hơn theo thời gian. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, mỗi người nên duy trì lượng thịt đỏ là khoảng 500g/tuần. 

Ăn ít chất xơ

Không ăn trái cây, rau xanh hoặc ăn ít là một thói quen thiếu lành mạnh. Bởi rau quả không chỉ là nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe mà còn giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có ung thư như ung thư phổi, họng, thanh quản, thực quản....

Ăn nhiều muối 

Ăn quá nhiều muối và thực phẩm chứa nhiều muối sẽ làm tăng tỷ lệ ung thư dạ dày và ung thư phổi. Ăn mặn cũng là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh nguy hiểm khác như tim mạch, huyết áp, đột quỵ, sỏi thận, loãng xương…

Ít vận động

Việc ngồi văn phòng trong thời gian dài, ít vận động dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tăng cao, theo thời gian sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch, dẫn đến các bệnh nguy hiểm, bao gồm cả ung thư phổi. Vì thế, tốt nhất, hãy tích cực tham gia tập thể dục, vận động thường xuyên, mỗi ngày nên tập ít nhất khoảng 30 phút.

Ăn quá nhiều đường

Một nhóm các nhà khoa học của Trung tâm ung thư MD Anderson tại Houston (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu gần 2.000 người bị chẩn đoán ung thư phổi và so sánh với 2.415 người không mắc bệnh. Kết quả cho thấy, những người dùng thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao chiếm hơn 50% trong nhóm ung thư phổi. 

Dấu hiệu cần nhanh chóng đi khám

Ho dai dẳng. Thường gặp là ho khan, có thể ho ra máu hay có đờm đặc màu đỏ hồng. Nếu ho kéo dài hơn một tháng và giọng nói trở nên khàn đặc, hãy đi khám ngay. 

Sụt cân. Nếu bị sụt cân không rõ nguyên nhân rất có thể cơ thể bạn đang gặp vấn đề.

Đau xương. Đây là một trong những dấu hiệu khi ung thư phổi đã di căn. Thông thường, lưng và hông là hai vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Yếu cơ. Ở bệnh nhân ung thư phổi, yếu cơ thường gặp ở hông, cánh tay, vai và cẳng chân. Tình trạng này khiến việc thực hiện các họat động thường nhật trở nên khó khăn hơn.

Theo GiaDinhVietNam