Nguy cơ "rước bệnh" từ mỹ phẩm cho trẻ em

Với tâm lý mẹ có gì con có nấy, nhiều bà mẹ trẻ đã “trang bị” cho con nguyên cả bộ mỹ phẩm từ nước hoa, phấn má, son môi, sữa dưỡng thể... mà vô tình “rước bệnh” cho trẻ.

Bệnh vì quá... thơm 

Chị Nguyễn Trà My (30 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) rất cưng chiều cô con gái đầu lòng 3 tuổi của mình. Hễ có dịp dạo shop là chị “tậu” luôn cho con từ quần áo, giày dép đến nước hoa, sữa dưỡng... Chị bảo: “Ai gặp cũng khen con bé xinh, lúc nào cũng thơm phức, sạch sẽ làm mình cũng vui lây”.

Thế nhưng, mới đây chị hết hồn khi phát hiện con bị sốt, nổi mẩn đỏ, lan khắp người. Vội đem con đến bệnh viện da liễu, chị mới vỡ lẽ nguyên nhân chính là do các loại nước hoa, son phấn chị bôi lên khắp người đứa trẻ. “Rất may phát hiện và điều trị kịp thời, lỡ có gì tôi ân hận suốt đời” – chị My ân hận khi nhìn đứa con sốt li bì nằm trên giường bệnh.

Nguy cơ
 Mỹ phẩm dành cho trẻ em được bày bán tràn lan.

Cũng “nghiện” làm đẹp cho con, chị Đàm Thị Liên (Q.1, TP.HCM) khá cẩn thận khi chọn các loại mỹ phẩm trẻ em có thương hiệu, được chiết xuất từ thiên nhiên hoặc có dòng chữ “không chứa cồn" (without alcohol). Những dòng mỹ phẩm cao cấp này thường có giá cả triệu đồng cho mỗi sản phẩm. Nhưng con càng đẹp, càng thơm thì sức khỏe của bé càng yếu. Bé thường ho, sổ mũi, nổi mụn vùng mặt... Đưa đi khám, bác sĩ phát hiện bé bị viêm da dị ứng cùng với viêm phế quản kéo dài. Sau rất nhiều nguyên nhân, bác sĩ kết luận là do mỹ phẩm. Chị Liên thở dài: “Tưởng rằng đầu tư mỹ phẩm hàng hiệu cho con thì an toàn, ai ngờ... tiền mất tật mang”!.

Khảo sát tại các cửa hàng, tiệm thuốc tây, siêu thị chuyên về các sản phẩm dành cho trẻ em, chúng tôi dễ dàng tìm mua mỹ phẩm cho trẻ từ 0 – 10 tuổi được đặt trong tủ kính riêng, thiết kế cầu kỳ, bắt mắt. 

Tại Kids Plaza (Lê Hồng Phong, Q.10) có bán loại nước hoa tên Chicco, nhập khẩu từ Ý, dung tích 100ml, giá 265.000đ/chai. Nhân viên ở đây giới thiệu, loại này rất an toàn cho bé vì chứa hương tự nhiên, không hóa chất, nhiều người mua. Đây là loại nước hoa được bán phổ biến ở rất nhiều cửa hàng khác, một số nơi bán với giá 245.000đ/chai.

Trên mạng, các mặt hàng mỹ phẩm trẻ em được rao bán khá nhiều, đa dạng chủng loại là các sản phẩm thuộc các thương hiệu trong nước hoặc hàng xách tay từ nước ngoài. Những thương hiệu được giới thiệu nhiều nhất là Rassal Rabbit, Kaloo, Chicco, Budchen, Morozko, Hello Kitty. Giá các loại sản phẩm này từ vài chục ngàn, có khi lên tới cả triệu đồng/sản phẩm. 

Cửa hàng trên mạng Tuti Care còn có bán các loại son dưỡng môi giá từ 70.000đ - 131.000đ/tuýp; gần chục loại kem dưỡng da từ 115.000đ - 465.000đ; kem chống nắng có giá từ 135.000đ - 235.000đ; và cả muối tắm cho bé. Tất cả đều được giới thiệu là hàng nhập ngoại từ Nhật Bản, Nga, Đức, Ý hoặc Pháp.
Mặc dù nhiều cửa hàng giới thiệu sản phẩm là hàng xách tay từ nước ngoài, song thực chất nhiều loại hàng này được mua tại các chợ mỹ phẩm như chợ Tân Bình, chợ Bình Tây… 

Qua tìm hiểu của phóng viên tại các chợ bán sỉ, các loại mỹ phẩm dành cho trẻ em được bày bán tràn lan. Trên nhãn của các sản phẩm này đều là những sản phẩm của các thương hiệu lớn song giá của các sản phẩm này chỉ bằng 1/3 so với giá bán trong shop. Rất nhiều người mua sỉ các mặt hàng mỹ phẩm trẻ em này về gắn nhãn hàng xách tay bán trong shop với giá cao gấp 3 - 4 lần tại chợ.

Lợi bất cập hại

Theo Ths.Bs Ngô Minh Vinh – giảng viên trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch TP HCM, hiện nay nhiều bà mẹ lạm dụng mỹ phẩm trong việc chăm sóc con cái từ sữa tắm, phấn rôm cho tới kem dưỡng, son, phấn…

Điều này có thể không tốt đối với trẻ, nếu sử dụng mỹ phẩm không đúng sẽ gây ra những tác hại khôn lường. Một số mỹ phẩm mặc dù được quảng cáo là sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên, tuy nhiên trong các loại mỹ phẩm vẫn có một số thành phần hóa học như chất bảo quản, hương liệu, dầu khoáng…

Trẻ em da rất nhạy cảm và mỏng, nếu sử dụng mỹ phẩm từ quá sớm, những chất hóa học này thẩm thấu rất nhanh vào da bé, có thể gây dị ứng, viêm da, lão hóa da, trầm trọng hơn là ung thư da.

Nguy cơ
Trẻ dễ mắc bệnh khi được sử dụng mỹ phẩm quá sớm.

Trường hợp da bị viêm, mặc dù được điều trị, nhưng một số bé bị tăng sắc tố sau viêm (sẹo thâm). Những vùng da đó sẽ trở nên sậm màu hơn và mất thời gian rất lâu để có thể sáng trở lại.

Nguy hiểm hơn, khi bị viêm da tiếp xúc, nếu không ngưng dùng mỹ phẩm, bé ngứa, gãi nhiều lần thì có nguy cơ bị bệnh chàm tiếp xúc (da khô, đỏ, dày sừng, tróc vảy) dễ bội nhiễm vi trùng. Ngoài ra, đối với loại nước hoa xịt, trẻ cũng có nguy cơ bị dị ứng mũi hoặc lên cơn hen suyễn ở trẻ có cơ địa dị ứng

Bên cạnh đó, trong mỹ phẩm còn có các thành phần cấm lưu hành như kim loại nặng hoặc phthalate là những tạp chất dễ xuất hiện trong thành phần định hương.

Tùy loại kim loại sẽ có những tác động xấu cụ thể đến sức khỏe, nhưng riêng phthalate sẽ gây ức chế hormone sinh dục, rối loạn nội tiết khiến trẻ bị dậy thì sớm hoặc vô sinh về sau.

Đối với hàng kém chất lượng, giá rẻ, nguồn gốc bất minh, rất nhiều khả năng thành phần dung môi sẽ bị lẫn các tạp chất như methanol, aldehyde... có thể gây kích thích, tổn thương đường hô hấp khi hít vào; về lâu dài sẽ có nhiều nguy cơ gây ung thư các cơ quan hô hấp như xoang mũi.

"Các phụ huynh nên biết rằng mồ hôi của trẻ em chủ yếu là thành phần nước chứ không có chất bã nhờn như người lớn. Theo đó, dù đổ mồ hôi rất nhiều nhưng cơ thể trẻ không bị hôi như người lớn (vì vi khuẩn không hoạt động).

Mặt khác, mỗi đứa trẻ thường đã có mùi thơm rất riêng của trẻ con. Thế nên, chỉ cần tắm rửa sạch sẽ, cho bé mặc trang phục thoáng mát, lau mồ hôi cho trẻ chứ đừng lạm dụng nước hoa" - BS Vinh khuyên. 

Theo Uyên Phương (KTĐT)