Nhật bất ngờ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, chi gần 1.000 tỉ USD ứng phó COVID-19

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chiều 7.4 đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại thủ đô Tokyo và 6 khu vực khác nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan trong bối cảnh quốc gia này đã ghi nhận số ca nhiễm coronavirus tăng mạnh trong những ngày qua.

Nhật tuyên bố tình trạng khẩn cấp, chi gần 1.000 tỉ USD ứng phó COVID-19 :: Một thế giới - Thông tin trong tầm tay

"Tôi quyết định rằng tình huống ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và nền kinh tế đã xảy ra. Tôi đang tuyên bố tình trạng khẩn cấp", ông Abe tuyên bố trước Quốc hội Nhật.

Tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8.4 đến 6.5 và được áp dụng cho Tokyo, Osaka và 5 tỉnh gồm Chiba, Kanagawa, Saitama, Hyogo và Fukuoka, các địa phương chiếm khoảng 44% dân số Nhật Bản.

Thủ tướng Abe nói rằng, tình trạng khẩn cấp này sẽ không đi kèm với các lệnh phong toả chặt chẽ tại các quốc gia khác trên thế giới, song sẽ cho các thống đốc địa phương có quyền yêu cầu người dân ở trong nhà và các doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn đà lây lan của dịch.

“Điều quan trọng nhất bây giờ là mỗi người dân thay đổi hành động của mình. Nếu mỗi người trong chúng ta có thể giảm ít nhất 70% tiếp xúc với người khác, và lý tưởng nhất là 80%, chúng ta sẽ có thể thấy số ca nhiễm tại Nhật Bản đạt đỉnh trong hai tuần tới”, Thủ tướng Abe nhấn mạnh.

Theo lệnh khẩn cấp, những cơ sở như trường học, phúc lợi xã hội, nhà hát, tụ điểm ca nhạc, sân vận động được khuyến cáo hạn chế tập trung đông người hoặc đóng cửa. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế cơ bản tại các địa phương sẽ không bị ảnh hưởng, hệ thống giao thông công cộng và các siêu thị tiếp tục mở cửa.

Thủ tướng Abe cho biết, các dịch vụ như bưu điện, các cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu, ngân hàng và các cây rút tiền ATM tiếp tục được hoạt động.Bộ trưởng Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản Taku Eto cũng kêu gọi người dân tránh đổ xô tích trữ thực phẩm.

“Chúng tôi khuyến cáo mọi người chỉ mua những thứ thiết yếu khi cần thiết bởi vì chính phủ sẽ đảm bảo nguồn cung thực phẩm", ông Eto cho hay.

Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế khẩn cấp trị giá 108.200 tỉ yen (990 tỉ USD), tương đương 20% sản lượng kinh tế của Nhật, để đối phó với dịch COVID-19 cũng như để bù đắp thiệt hại của dịch bệnh đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Trong gói hỗ trợ này, chính phủ Nhật tuyên bố đại dịch COVID-19 là “khủng hoảng lớn nhất” mà kinh tế thế giới phải đối mặt kể từ Thế chiến II. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhiều lần khẳng định tình hình ở Nhật Bản không đến mức phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp hay cần phong toả Tokyo.

Ông nói rằng những biện pháp quyết liệt đó sẽ gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế, vốn đang chịu nhiều tổn thất do hậu quả của đại dịch COVID-19 và việc trì hoãn Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.

(Ảnh minh họa)

Trước bối cảnh các ca nhiễm liên tục tăng tại nhiều địa phương ở Nhật Bản, trong đó thủ đô Tokyo đã ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước với 1.116 trường hợp, đã khiến chính phủ Nhật Bản phải cân nhắc đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn.

Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm trong hội đồng cố vấn chính phủ cũng ngày càng bày tỏ lo ngại về bùng phát truyền nhiễm ở Nhật Bản khi có nhiều ca bệnh không thể truy được nguồn gốc lây bệnh.

Nhật Bản trước đó đã thắt chặt hạn chế đi lại, như cấm toàn bộ khách nước ngoài đến từ hơn 70 quốc gia, gồm Mỹ, Anh và phần lớn châu Âu. Quốc gia này cũng tăng cường kiểm tra y tế tại sân bay và yêu cầu tất cả du khách đến đây phải tự cách ly trong 14 ngày, dù việc thực hiện tự cách ly không bị giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, vẫn có những lo lắng dấy lên từ cả trong lẫn ngoài nước, rằng những cảnh báo nghiêm trọng hơn của chính phủ về sự nguy hiểm của coronavirus có thể đến với người dân quá muộn. Các chuyên gia lo sợ rằng khi dịch bệnh lây lan nhanh tại quốc gia có dân số già như Nhật Bản, cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Tokyo Ozaki Haruo phát biểu trong cuộc họp báo tối 6.4 rằng, việc tăng nhanh số ca mắc COVID-19 không chỉ gây ra tình trạng thiếu giường bệnh mà sẽ châm ngòi cho tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Theo ông Ozaki, khi tình trạng này diễn ra, đội ngũ nhân viên y tế không thể chăm sóc những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Bên cạnh đó, Tokyo đã xét nghiệm chưa đến 4.000 người trong 13,5 triệu dân của thành phố.

Và chỉ gần 45.000 người đã được xét nghiệm trong dân số 125 triệu của Nhật Bản, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Đây là những tỷ lệ rất nhỏ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, Hàn Quốc, quốc gia có dân số nhỏ hơn nhiều so với Nhật, nhưng đã xét nghiệm hơn 440.000 người.

Chuyên gia về kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, ông Kentaro Iwata cảnh báo rằng, giai đoạn bắt đầu dẫn đến thời điểm bùng phát mạnh ở Tây Ban Nha, Pháp, Ý, TP New York cũng thực sự đang giống như tình hình của Tokyo bây giờ.

“Nhật Bản cần dũng cảm để thay đổi, khi chúng ta biết chúng ta đang đi sai đường. Nếu không, chúng ta có thể thấy một New York tiếp theo ở Tokyo”, ông Iwata cho hay.

Hoàng Vũ (theo Reuters)

Theo Motthegioi

---

* Xem thêm:

Phát hiện 2 lỗ hổng lớn về phòng, chống COVID-19, chủ tịch Hà Nội họp khẩn

Chiến lược “bất thành văn” giúp Nhật Bản ngăn chặn thành công Covid-19

+ Mặc Covid-19, hàng nghìn người Nhật đi ngắm hoa anh đào nở

---