Nhiều mục tiêu quan trọng về chính sách bảo hiểm thất nghiệp được đề ra trong thời gian tới

Sau 10 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Ngày 23/5/2018, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đặt ra mục tiêu cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (trong đó bao gồm bảo hiểm thất nghiệp) để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.

- Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

- Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Giai đoạn đến năm 2031: Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

nhieu-muc-tieu-quan-trong-ve-chinh-sach-bao-hiem-that-nghiep-duoc-de-ra-trong-thoi-gian-toi

Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: TL

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên cũng như để đạt hiệu quả việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:

Một là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm vào năm 2021- 2022 theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật việc làm.

Hai là, hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp:

- Hệ thống thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện, chủ động phát huy giá trị cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm; gắn kết giữa giải quyết các chế độ cùng với việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện. Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh phù hợp các chức năng nhiệm vụ ngành lao động – thương binh và xã hội và ngành bảo hiểm xã hội trong việc thu, chi, tiếp nhận giải quyết, quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

- Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn và hỗ trợ việc làm, vì đây là hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất. Nghiên cứu, xem xét xây dựng mô hình chuẩn của trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện tốt các nhiệm vụ tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung cấp lao động và dạy nghề...

- Hoàn thiện và thực hiện thống nhất các quy trình về nghiệp vụ dịch vụ việc làm để hỗ trợ cho người thất nghiệp, bao gồm: quy trình thu thập, xử lý, cung cấp, dự báo thông tin thị trường lao động; quy trình giới thiệu, cung ứng lao động; quy trình hỗ trợ, tư vấn cho người lao động và người sử dụng lao động; quy trình hỗ trợ người sử dụng lao động nhằm tránh sa thải, cắt giảm hoặc thu hút thêm lao động.

- Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm, bố trí hợp lý số lượng chi nhánh, văn phòng đại diện trên từng địa bàn để đảm bảo hệ thống tinh gọn, hiệu quả.

- Kiện toàn tổ chức bộ máy các trung tâm dịch vụ việc làm trên cơ sở phân loại mức độ phát triển thị trường lao động, đảm bảo tổ chức bộ máy đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

nhieu-muc-tieu-quan-trong-ve-chinh-sach-bao-hiem-that-nghiep-duoc-de-ra-trong-thoi-gian-toi

Sau 10 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Ảnh: H.Chi

Ba là, nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp

- Tổ chức đánh giá, phân loại chất lượng nhân sự để xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ cho nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm nghiệp vụ bảo hiểm thất nghiệp và các kỹ năng cần thiết khác.

- Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn bảo đảm tất cả nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp được tuyển dụng dựa trên năng lực và kỹ năng phù hợp với việc triển khai chính sách thị trường lao động tích cực. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển dụng và sử dụng nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

- Xây dựng nội dung chương trình và tổ chức đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng theo hình thức tập trung và trực tuyến. Nhân sự cần được tập huấn nghiệp vụ thường xuyên, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách, quy trình thực hiện.

- Chuẩn hóa đội ngũ nhân sự làm công tác dịch vụ việc làm thông qua sát hạch và cấp chứng nhận được hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm.

- Tiếp tục cải cách chế độ, chính sách sử dụng, thu hút, đãi ngộ, khen thưởng gắn với hiệu quả công việc nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch quyền lợi phải gắn với trách nhiệm và sự cống hiến, tạo động lực cho nhân sự thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Bốn là, nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp nhằm rà soát, phát hiện những vấn đề phát sinh để hoàn thiện chính sách, pháp luật; đồng thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp: hình thành cơ sở dữ liệu về thu, chi, quản lý đối tượng tham gia và hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở Trung ương, tiến tới điện tử hóa quá trình thu, chi bảo hiểm thất nghiệp theo chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán của Chính phủ; hoàn thiện, nâng cấp phần mềm bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện chia sẻ, kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo hiểm xã hội, kế hoạch đầu tư, thuế, tài chính, đơn vị sử dụng lao động và người lao động trong việc quản lý, thu thập, tổng hợp, lưu trữ, cung cấp thông tin thị trường lao động, giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Bảy là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp; Tiếp tục hiện đại hóa quản lý bảo hiểm thất nghiệp, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện.

Tám là, tăng cường hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật về mô hình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp để xây dựng mô hình tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở thông lệ quốc tế và tiêu chuẩn tại các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo GiaDinh