Nhiều quy định, chính sách có hiệu lực từ tháng 8/2018

Tăng trợ cấp cho người có công, giáo viên dự bị đại học sẽ có mức lương mới, Ban Thi đua – Khen thưởng có tư cách pháp nhân... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 8

1. Tăng trợ cấp với người có công

Từ 27/8, người có công sẽ được tăng trợ cấp theo Nghị định số 99/2018 của Chính phủ. Theo Nghị định, mức chuẩn để xác định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng từ ngày 01/07/2018 là 1.515.000 đồng (mức cũ 1.417.000 đồng).

Trong đó, tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là 1.515.000 đồng; trợ cấp với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1.270.000 đồng; trợ cấp với bệnh binh từ 1.581.000 đến 3.859.000 đồng (tùy mức suy giảm khả năng lao động)…

2. Nhiều hỗ trợ cho liên kết nông nghiệp

Từ 20/8, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chính thức có hiệu lực. Đối tượng áp dụng Nghị định gồm nông dân, các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp...

Khi liên kết, các đối tượng có thể được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết (tối đa không quá 300 triệu đồng). Nhà nước cũng hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng, bến bãi phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (tổng hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng). Ngoài ra, các đối tượng cũng có thể được hỗ trợ về khuyến nông, đào tạo, tập huấn, giống, vật tư…

Để được nhận hỗ trợ, các bên tham gia liên kết phải đáp ứng điều kiện như phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; có giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… Liên kết phải đảm bảo ổn định trong thời gian cụ thể tùy chu kỳ nuôi trồng.

Người dân, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp có thể được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Nhiều quy định, chính sách có hiệu lực từ tháng 8/2018

Ảnh minh họa.

3.Các điều kiện về kinh doanh khí

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 1/8/2018 trong đó nêu rõ điều kiện kinh doanh khí với thương nhân xuất nhập khẩu khí qua cầu cảng hoặc đường ống ngoài.

Các thương nhân muốn sản xuất, chế biến khí cũng cần đáp ứng các điều kiện như doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; có bồn chứa khí an toàn; đủ điều kiện về phòng - chữa cháy theo quy định…

Với thương nhân kinh doanh mua bán khí qua đường ống, còn phải có đường ống vận chuyển khí và trạm cấp khí đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn, phòng - chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Các thương nhân pha chế khí phải có phòng thử nghiệm chất lượng khí hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 1 năm với tổ chức đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phải đăng ký cơ sở pha chế với Bộ Khoa học và Công nghệ.

4. Ban Thi đua – Khen thưởng có tư cách pháp nhân

Từ 30/8, Quyết định số 29/2018/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (TĐKT TƯ) chính thức có hiệu lực. Theo Quyết định, Ban TĐKT TƯ là là cơ quan tương đương Tổng cục trực thuộc Bộ Nội vụ, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thi đua, khen thưởng.

Ban TĐKT TƯ là cơ quan có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức Ban gồm Vụ Nghiên cứu - Tổng hợp; Vụ Thi đua - Khen thưởng các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương; Vụ Thi đua - Khen thưởng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Vụ Pháp chế - Thanh tra; Tạp chí Thi đua, Khen thưởng; Trung tâm Tin học.

Ban TĐKT TƯ có Trưởng ban và không quá 03 Phó Trưởng ban; Trưởng ban do 1 Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm nhiệm.

5. Xếp lương cho giáo viên dự bị đại học

Từ 1/8, Thông tư số 07/2018 do Bộ Nội vụ ban hành về quy định bổ nhiệm và xếp lương giáo viên dự bị đại học sẽ có hiệu lực. Thông tư này áp dụng với viên chức là giáo viên đang làm công tác giảng dạy tại các trường dự bị đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Thông tư quy định, chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I được áp dụng hệ số lương từ 4,40 đến 6,78; hạng II được áp dụng hệ số lương từ hệ số lương 4,00 đến 6,38; giáo viên hạng III được áp dụng hệ số lương từ 2,34 đến 4,98.

Giáo viên dự bị đại học sẽ có mức lương mới từ 1/8. Ảnh minh họa.

6.  Điều chỉnh trợ cấp với cán bộ xã đã nghỉ việc

Từ 15/8, Thông tư số 08/2018/TT-BNV  sẽ có hiệu lực và hướng dẫn cụ thể việc thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng với cán bộ xã đã nghỉ việc theo các quyết định liên quan trong các năm 1975 và 1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

Theo thông tư, cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã được nhận trợ cấp 1.974.000 đồng/tháng. Cán bộ nguyên là Phó bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã được hưởng 1.910.000 đồng/tháng; các chức danh còn lại hưởng 1.768.000 đồng/tháng.

7. Thêm nhiều hỗ trợ với công chức, viên chức tại Hà Nội

Nghị quyết số 04/2018/NQ - HĐNT có hiệu lực từ 01/8/2018 đến hết ngày 31/12/2020 quy định về việc ban hành nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội. Theo nghị quyết công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin tại Hà Nội sẽ được hỗ trợ 2.780.000 đồng/người/tháng nếu có trình độ đại học trở lên hoặc 2.085.000 đồng/người/tháng nếu có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.

Nghị quyết cũng quy định sẽ chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là 2.000.000 đồng/người. Chi hỗ trợ ban đầu cho gia đình cán bộ hy sinh đang làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT là 5.000.000 đồng/người; chi hoạt động kiểm tra, giám sát về TTATGT là 100.000 đồng/người/ca (04 giờ trở lên); chi bồi dưỡng cán bộ Thanh tra giao thông 1.000.000 đồng/người/tháng; bồi dưỡng thành viên của Ban An toàn giao thông Thành phố 700.000 đồng/người/tháng…

Theo GiaDinhVietNam