“Nhiều thực phẩm ngon của Việt Nam đang bị mang tai tiếng”

“Thực phẩm của Việt Nam rất khác so với các nước, có hương vị độc đáo và rất ngon. Việt Nam có khí hậu đặc biệt nên có thể trồng các loại rau quả và chế biến ra các thực phẩm khác lạ với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng tiếc rằng, không ít sản phẩm này lại đang bị mang tai tiếng về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…”.  

Ông Julian Lawson Hill - Chuyên gia về thương hiệu của Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) đã nói như vậy tại hội thảo "Xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia ngành thực phẩm Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27.10.

Nhiều thực phẩm ngon của Việt Nam đang bị mang tai tiếng

Việt Nam có nhiều thực phẩm ngon, đặc trưng. 

Là người Việt Nam không ai lạ với các sản phẩm miến, bún, bánh phở. Những sản phẩm này thậm chí cũng “nức tiếng” khi xuất khẩu ra nước ngoài và được người tiêu dùng các nước rất ưa chuộng.

Tuy nhiên, thời gian qua do tình trạng người sản xuất dùng một số hóa chất tẩy trắng trong quá trình chế biến hoặc cho thêm chất bảo quản đã khiến cho bún, bánh phở bị “chê” và có phần bị e sợ khi sử dụng.

Những sản phẩm tưởng như đơn giản này hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia cho Việt Nam nếu chúng ta biết bảo vệ và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vị chuyên gia về thương hiệu của CBI này đánh giá.

Tôi rất tiếc khi chúng ta phải ăn các sản phẩm bún, bánh phở khô hoặc phải tự làm mới có thể yên tâm về các sản phẩm này của Việt Nam” - ông Julian Lawson Hill chia sẻ với Dân Việt bên lề hội nghị.

Tương tự, với sản phẩm đậu phụ của Việt Nam, cũng phổ biến và đặc trưng không kém. Đậu phụ là sản phẩm quá rẻ trong bữa cơm của người Việt, lại giàu chất protein, canxi và rất có lợi cho sức khỏe. Song sản phẩm này cũng lại có quá nhiều tai tiếng. Từ việc đậu phụ bị cho là làm từ thạch cao xây dựng cho đến bột chua, thêm chất bảo quản…

Người Việt Nam cần có thói quen bảo vệ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình dù nó rẻ và nhỏ bé nhất thì ngành thực phẩm của Việt Nam mới có thể phát triển mạnh mẽ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Phó chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cũng nêu một thực tế rằng, chè của Việt Nam có hương vị rất đặc trưng, nhiều sản phẩm chè chỉ Việt  Nam mới có, với 80% sản lượng chè sản xuất trong nước xuất khẩu tới 70 quốc gia song giá trị xuất khẩu thu về chỉ vỏn vẹn 300 triệu USD/năm.

Chè của Việt Nam không có thương hiệu nên thường xuyên bị vướng tai tiếng liên quan đến dư lượng kháng sinh. Doanh nghiệp nỗ lực sản xuất, xuất khẩu nhiều năm song chỉ vài lô hàng bị ảnh hưởng dư lượng kháng sinh là lập tức uy tín của cả ngành chè bị giảm sút” - bà Hồng phân tích.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh chính của chè Việt Nam như Sri Lanka, Ấn Độ, Kenya đã bỏ xa chúng ta về khoảng cách bán hàng. Cả 3 đối thủ này, nhất là Sri Lanka rất chú ý xây dựng thương hiệu, chất lượng cho sản phẩm.

Chính phủ Sri Lanka còn xây dựng cả một chiến lược thương hiệu quảng bá chất lượng cho ngành chè. Do vậy, chỉ 5-6 năm trở lại đây thị phần chè của ta ở các nước đã bị Sri Lanka và các nước nêu trên chiếm lĩnh gần hết. “Việt Nam nếu không hỗ trợ mạnh cho việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, chất lượng cho các sản phẩm thì không chỉ chè, mà nhiều nông sản thực phẩm xuất khẩu khác sẽ mất dần thị trường” - bà Hồng khẳng định.

Trên thực tế, có nhiều sản phẩm của Việt Nam đã từng bị đối tác nước ngoài cảnh bảo về vấn đề an toàn thực phẩm như chè, thủy sản, gạo, rau củ, thịt... Không ít sản phẩm bị trả về, doanh nghiệp “tiền mất tật mang”.

Các loại hóa chất phun tưới, ngâm tẩm rau quả, chất cấm và chất tạo nạc trong chăn nuôi có thể dễ dàng mua và sử dụng trong sản xuất và chế biến thực phẩm đã làm người tiêu dùng trong nước hoang mang, sản phẩm xuất khẩu bị nghi ngờ.

Bà Lê Thị Bích Thu - Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với sản phẩm lúa gạo, ở khâu gieo trồng người nông dân vẫn sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên để lại tồn dư trong sản phẩm gây nguy cơ mất an toàn.

Nhiều lúc, gạo của ta thơm, ngon, đảm bảo cũng vẫn bị siết kiểm tra và nghi ngờ về chất lượng. Nhiều sản phẩm chăn nuôi thì nhiễm dư lượng chất cấm…

“Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá Việt Nam có thể trở thành bếp ăn của thế giới nhưng nếu chúng ta cứ sản xuất ra các sản phẩm mà bị tai tiếng như vậy thì trước mắt là uy tín bị giảm sút, lâu dài chính ta tự làm hại ta.

Bởi với nền kinh tế hội nhập, đến lúc nào đó, tình trạng này không cải thiện, người Việt Nam chẳng dám ăn gì mà bán ra nước ngoài thì chẳng ai muốn mua sản phẩm của chúng ta” - bà Thu lưu ý.

Để không bỏ phí những tiềm năng của ngành công nghiệp thực phẩm trong nước cùng các sản phẩm đặc trưng như vậy, ông Julian Lawson Hill cũng khuyên rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược thương hiệu, chất lượng; loại bỏ các dư lượng chất cấm, cấm nhập các dư chất có hại để có các sản phẩm thực phẩm thực sự sạch.

“Việc làm này vừa thúc đẩy xuất khẩu và bổ sung giá trị gia tăng vào sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc từ Việt Nam hoặc chế biến ở Việt Nam, vừa giúp cải thiện niềm tin của người tiêu dùng vào một ngành sản xuất chế biến an toàn, vì người tiêu dùng. Việt Nam cần làm khi chưa quá muộn” - ông Hill nhận định.

Theo Mai Hương (danviet)