Những ai thích mua 'hộ chiếu vàng' của Cyprus, vì sao?

Tài liệu từ bài điều tra của Đài Al-Jazeera (Qatar) cho thấy chỉ trong hai năm, khoảng 1.000 người giàu có ở Nga đã mua 'hộ chiếu vàng' để trở thành công dân Cyprus.

nhung-ai-thich-mua-ho-chieu-vang-cua-cyprus-vi-sao

Limassol, thành phố lớn thứ hai ở Cyprus, có tấm bảng viết bằng tiếng Nga để chữ "Limassolgrad" - Ảnh: Al-Jazeera

Tại quốc đảo Cộng hòa Cyprus, người nước ngoài có thể sở hữu hộ chiếu nước này thông qua một chương trình đầu tư lấy hộ chiếu.

Bài điều tra của Al-Jazeera vừa qua cho biết đài này đã thu thập hơn 1.400 tài liệu rò rỉ, gọi là "The Cyprus Papers" (Hồ sơ Cyprus, cách gọi tương tự "Hồ sơ Panama" từng nổi lên vài năm nay).

Theo đó, Cyprus Papers thu thập được 1.471 đơn đăng ký đầu tư nhập tịch, có tên của 2.544 người đã nhận được hộ chiếu Cyprus trong giai đoạn từ cuối năm 2017 tới cuối năm 2019.

Theo tài liệu do Al-Jazeera thu thập, gần một nửa các đơn đăng ký đầu tư nhập tịch xuất phát từ Nga. Đây được hiểu là cách giới tinh hoa chính trị, doanh nhân, tỉ phú và cả tội phạm, tìm cách có được một hộ chiếu tại Cyprus.

Điều quan trọng là điều này đồng nghĩa những người có quốc tịch Cyprus sẽ coi như trở thành công dân Liên minh châu Âu (EU), do Cyprus là thành viên EU từ năm 2004.

Việc trở thành công dân EU được hiểu sẽ giúp người mua hộ chiếu thuận tiện hơn trong di chuyển tự do, làm việc và sử dụng dịch vụ ngân hàng tại EU.

Để có được hộ chiếu Cyprus, người có nhu cầu sẽ đóng khoảng 2,5 triệu USD và hầu hết dạng đầu tư này sẽ đổ vào lĩnh vực bất động sản.

Theo ghi nhận của Al-Jazeera, người Nga là nhóm "khách hàng" đông đảo và quan trọng nhất. Việc nhìn thấy những tấm bảng mời chào đầu tư viết bằng tiếng Nga tại sân bay Larcana ở Cyprus đã phần nào phản ánh điều này.

Tài liệu cho thấy nhiều người Nga nộp đơn xin hộ chiếu Cyprus thuộc nhóm kiếm tiền nhờ các mối quan hệ chính trị, kinh tế với chính quyền Nga. Một số còn còn giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước và những người này được gọi là PEPs (tạm dịch: nhân vật chính trị bị lộ diện).

Trong số những người Nga được cấp hộ chiếu Cyprus trong tài liệu của Al-Jazeera có cựu thứ trưởng Igor Reva, cựu thành viên Quốc hội Nga Vadim Moshkovich, chủ cũ công ty con của công ty đường sắt nhà nước Vitaly Evdokimenko. Ngoài ra, còn có ông Vladimir Khristenko, xuất thân từ một gia đình có mối quan hệ chính trị và mẹ kế của ông hiện là phó thủ tướng Nga.

Theo nhận xét của ông Nigel Gould-Davies, một chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu chiến lược quan hệ quốc tế (trụ sở ở Anh), những nhân vật có quan hệ chính trị tại Nga muốn lấy quốc tịch đảo Cyprus vì nơi này không có quy định ngặt nghèo, không có một số quy định pháp luật nghiêm như ở Nga, đồng thời quy trình xét duyệt đơn giản giúp họ có thể dễ dàng dùng tiền mua quốc tịch.

Tính tới nay, trong số 1.000 người Nga mua quốc tịch Cyprus có những người thuộc hàng giàu nhất nước Nga. Al-Jazeera cho biết họ xác minh được ít nhất 9 trùm tài phiệt với tài sản hơn 1 tỉ USD mỗi người.

Thực tế từ năm ngoái, một số quy định mới ở Cyprus đã không cho phép bán hộ chiếu cho PEPs, nhưng không thu hồi hộ chiếu đối với những người đã mua trước đó.

Việc Cyprus siết chặt quy định hơn phần nào là kết quả từ việc xuất hiện ngày càng nhiều các ý kiến chỉ trích của EU. Một phần, chương trình đầu tư đổi quốc tịch ở EU đã bị xem là cửa hậu cho nhiều người vào EU. Một phần, mối quan hệ giữa Nga và EU đã căng thẳng từ năm 2014, thời điểm diễn ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea.

Còn đối với Cyprus, chương trình đầu tư quốc tịch này là một trong những giải pháp khắc phục nền kinh tế sa sút của nước này. Từ năm 2013, Cyprus đã thu 8 tỉ USD từ chương trình này.

Nhật Đăng 

Theo Al-Jazeera/Tuổi trẻ

---

Xem thêm:

Đại biểu Quốc hội được phép có hai quốc tịch không?

Đây là một trong số những thắc mắc của bạn đọc gửi đến tòa soạn gần đây. Tuổi Trẻ Online dẫn một số quy định và ý kiến chuyên gia về vấn đề này.

dai-bieu-quoc-hoi-duoc-phep-co-hai-quoc-tich-khong

Hộ chiếu là một trong những loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của công dân - Ảnh: T.L.

Công dân Việt Nam vẫn có thêm quốc tịch khác

Hiến pháp quy định công dân nước CHXHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Nguyên tắc quốc tịch (được quy định tại điều 4 Luật quốc tịch Việt Nam) công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật quốc tịch (ngày 24-6-2014) cho phép công dân được mang 2 quốc tịch trong những trường hợp sau: được Chủ tịch nước cho phép; xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam…

Tuy nhiên luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng trên thực tế rất nhiều công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch khác. Nguyên nhân của tình trạng này rơi vào các trường hợp sau:

Trẻ em có cha/mẹ là công dân Việt Nam, sinh ra và được khai sinh ở Việt Nam. Tuy nhiên, trẻ em đó đồng thời được cha/mẹ là người quốc tịch khác nhập tịch theo quốc gia cha/ mẹ. Như vậy, trẻ em đó là công dân có 2 quốc tịch.

Công dân Việt Nam được vợ/chồng là người quốc tịch khác bảo lãnh, đáp ứng một số điều kiện nhập tịch của quốc gia vợ/chồng thì sau đó có thêm quốc tịch của quốc gia đó.

Một số quốc gia thực hiện chính sách thu hút đầu tư cho phép, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) nhập quốc tịch nếu đáp ứng một số điều kiện về quy mô đầu tư, ngành nghề đầu tư.

Công dân Việt Nam có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học, giảng dạy, âm nhạc... được nước sở tại tạo điều kiện nhập tịch.

Như vậy, trên thực tế có rất nhiều trường hợp công dân Việt Nam có đồng thời quốc tịch của quốc gia khác mà quốc gia đó không bắt buộc công dân này phải thôi quốc tịch Việt Nam.

Tiêu chuẩn về quốc tịch của đại biểu Quốc hội

Theo quy định Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015, đại biểu Quốc hội phải là công dân Việt Nam, đủ 21 tuổi trở lên, có quyền ứng cử, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua hiệp thương nhân dân đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, có đủ số phiếu cần thiết để trở thành đại biểu Quốc hội và được Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội xác định đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội.

Luật tổ chức Quốc hội hiện hành quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội (điều 22) gồm 5 tiêu chuẩn như: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm…

Còn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội (từ ngày 1-1-2021 mới có hiệu lực) bổ sung vào một tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là "Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam" (khoản 1a, điều 22).

Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa luật Đại học Kinh tế - luật, Đại học quốc gia TP.HCM, cho rằng nếu chiếu theo quy định pháp luật hiện hành thì đại biểu Quốc hội có đồng thời một quốc tịch khác là không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, việc này là không được, cần phải điều chỉnh. Lý do đơn giản nhất nếu xét theo tiêu chuẩn thì đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, quyền lợi của nhân dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc.

Nếu đại biểu Quốc hội cũng đồng thời là công dân quốc gia khác thì e rằng không đáp ứng được tiêu chuẩn trung thành, chỉ đấu tranh cho quyền lợi của người dân Việt Nam.

Vì vậy, sau một số vụ việc đại biểu Quốc hội có hai quốc tịch trước đây thì Quốc hội đã xem xét bổ sung thêm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội là "Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam".

"Đồng thời Luật quy định cho Quốc hội và cử tri có quyền bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội nếu thấy đại biểu đó không còn xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân" - thạc sĩ Lưu Đức Quang nói.

Thái An

Theo Tuổi trẻ