Những cơ hội vàng bị bỏ qua trong tháng 'cô hồn'

Ngay đầu tháng 7 Âm lịch những người kinh doanh đồ mộc, xe hơi, nhà đất đã than ế ẩm. Nhiều người cho biết, từ mùng 1 (Âm lịch) đến nay, gần như không có vị khách nào ghé thăm gian hàng.

nhung-co-hoi-vang-bi-bo-qua-trong-thang-co-hon

Các cơ sở sản xuất hàng mã tung hàng phục vụ tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Bảo Loan

Kiêng kỵ mua xe, sắm đồ mộc

Đến Đông Thượng - làng nghề mộc nổi tiếng với những sản phẩm đồ gỗ ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang), chúng tôi khá ngạc nhiên bởi sự trầm mặc, vắng bóng khách hàng. Ông Vũ Văn Thành (SN 1952, ở làng Đông Thượng) than thở: "Bước vào tháng 7 Âm lịch, năm nào những người làm nghề như chúng tôi cũng xác định ế dài dù chất lượng sản phẩm, giá thành không chê được. Quan niệm dân gian từ xưa khiến những người làm nghề như chúng tôi thật sự bận lòng. Không biết xui từ đâu hay chỉ do quan niệm lạc hậu đưa đến".

"Tôi không thể bán được hàng vào tháng 7 Âm lịch, nhất là mặt hàng giường và nôi, cũi dành cho trẻ nhỏ, vì quan niệm mua cũi trong tháng này trẻ dễ quấy khóc, giường ngủ bất an. Có điều vớt vát, tháng này là tháng Vu lan báo hiếu nên thỉnh thoảng chúng tôi có bán được ít đồ thờ. Nhưng các sản phẩm khác thì tuyệt nhiên không có khách hỏi thăm", ông Thành cho biết.

Cũng giống các cửa hàng bán đồ mộc, các hãng bán xe hơi cũng rơi vào tình trạng ế ẩm ngay từ những ngày đầu tháng 7 Âm lịch. Anh Nguyễn Văn Lam, nhân viên kinh doanh một hãng xe trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) cho biết: "Cứ đến tháng 7 Âm lịch, gần như nhân viên marketing xác định mình "đói". Vì bán xe ăn theo doanh số, nên không bán được đương nhiên thu nhập của họ giảm. Nếu có khách thì cũng chỉ đến tham khảo các dòng xe thôi chứ rất ít người "xuống tiền" dù chính sách bán hàng trong tháng 7 Âm lịch khá tốt".

"Quan niệm mua xe trong tháng 7 Âm lịch đi không may mắn, mất an toàn là rất vô lý. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách mình sử dụng xe chứ không phải do quan niệm lạc hậu về kiêng kỵ kia gây nên", anh Lam thể hiện sự thất vọng.

Cũng mang quan điểm kiêng kỵ mua sắm những món đồ lớn trong tháng 7 Âm lịch, ông Vũ Văn Phiên (54 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Tôi "khát" xe ô tô, bây giờ mới dồn đủ tiền nhưng kiến quyết không mua vào tháng 7 Âm lịch bởi quan niệm tháng "cô hồn" mua xe đi không an toàn".

"Tôi đang băn khoăn về việc mua xe mới hay là xe cũ. Bởi tài chính của gia đình dùng cho việc mua một chiếc xe mới vẫn chưa đủ, nếu mua mới thì tôi phải đi vay mượn thêm hoặc vay ngân hàng. Trong lúc cân nhắc thì tôi nhận được điện thoại tư vấn từ nhân viên bán xe là tháng 7 Âm lịch, các hãng xe có ưu đãi rất tốt về giá. Thú thực, khi nghe có ưu đãi như vậy bản thân tôi rất mừng nhưng sau khi chia sẻ với vợ về ý định mua xe tháng "cô hồn" thì vợ tôi lại gạt đi. Vì bà ấy khẳng định, nếu cố tình mua xe trong tháng này thì dễ gặp vận đen.

Trước sau gì cũng phải mua, nhưng cứ kiêng cho lành. Trong khi đang vừa bước vào tháng 7 Âm lịch nên tôi sẽ có thời gian tham khảo các loại xe từ cũ đến mới. Nếu mua xe cũ cũng tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ, nhưng mua xe giá thấp quá cũng dễ gặp tủi ro về mặt kỹ thuật và pháp lý như từng vướng lao lý hoặc từng gây tai nạn chẳng hạn. Vì vậy, tôi sẽ phải cân nhắc, lựa chọn kỹ càng", ông Phiên cho hay.

Đồ điện tử, gia dụng cháy hàng cuối tháng "cô hồn" (?)

nhung-co-hoi-vang-bi-bo-qua-trong-thang-co-hon

Showroom ô tô vắng khách trong tháng 7 Âm lịch.

Trái ngược với ông Thành "ái ngại" khi nhắc đến câu chuyện bán hàng trong tháng "cô hồn" thì tháng này lại là thời điểm bán được nhiều sản phẩm mặt hàng điện tử, điện lạnh. Doanh thu cũng vì thế mà đạt mức ngoài mong đợi. Trong đó, có cửa hàng điện máy của gia đình chị Vũ Thị Thủy (27 tuổi, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) là ví dụ.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, chị Thủy cho biết: "Cửa hàng tôi chỉ phân phối hàng của hãng. Nếu hàng hoá có lỗi hay có vấn đề gì thì chúng tôi báo hãng để giải quyết. Năm 2018, đúng vào tháng 7 Âm lịch mà người ta gọi là tháng "cô hồn", các đại lý nhỏ lấy hàng từ cửa hàng tôi đều báo tiêu thụ hàng chậm, thậm chí có đại lý gần như không bán được hàng. Trong đó có mặt hàng điều hoà, tivi và tủ lạnh. Khi đó, cửa hàng tôi phải lập doanh số báo về hãng là không doanh thu và đề nghị không áp định mức. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là từ nửa cuối tháng đó, mặt hàng tivi lại bán chạy nhất trong năm".

Chị Thủy cho biết thêm: "Có những địa điểm bán hàng điện tử chỉ đắt khách vào thời điểm cuối năm nhưng điều trái ngược đó lại diễn ra tại cửa hàng của gia đình tôi. Người ta sẽ nghĩ chờ tháng "cô hồn" để giảm giá nhưng đã là hàng của hãng thì gần như không có giảm giá. Hơn nữa, tâm lý khách hàng nhiều khi nghĩ, hàng giảm giá "của rẻ là của ôi". Tôi thấy, vào thời điểm tháng 7 Âm lịch, các hãng tăng cường truyền thông và có quà tặng kèm sản phẩm khi mua hàng đắt tiền.

Ví dụ như mua tivi được tặng bộ cốc uống bia, mua tủ lạnh được tặng lò vi sóng, mua máy giặt được tặng khăn tắm… Năm nay, như dự đoán, dù tháng 7 Âm mới đến vài ngày mà hàng điện tử điện lạnh nhà tôi gần như ế ẩm. Đó cũng là điều dễ hiểu và tôi mong nửa cuối tháng này sẽ có điều kỳ diệu với tất cả các ngành hàng".

Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, các mặt hàng phục vụ cúng, lễ như hoa, quả, hàng mã… cũng đắt khách từ khi bắt đầu chạm ngưỡng tháng 7 Âm lịch. Vì thế, những địa điểm sản xuất hàng mã như làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) lại tất bật để sớm cho ra lò những “mẻ” vàng mã với đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng để… phục vụ “người âm”.

Theo GiaDinh