Những thông tin bạn phải biết sau vụ chó becgie cắn chết người đàn ông ở Hà Nội



Được biết cả nhà nạn nhân và nhà chủ của chó Becgie đều nuôi chó dữ. Vụ việc này vốn tiềm ẩn nguy hiểm từ lâu khi con ngõ này có nhiều nhà nuôi chó dữ, lại có thói quen thả rông không rọ mõm.

Sự việc đã xảy ra mấy ngày qua nhưng những hộ dân sinh sống tại ngõ 358 phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội vẫn chưa hết sợ hãi trước việc ông Nguyễn Văn Th. (SN 1969, trú tại địa chỉ trên) bị chó nhà nuôi cắn tử vong.

Những thông tin bạn phải biết sau vụ chó becgie cắn chết người đàn ông ở Hà Nội

Khu hồ giữa ngõ 358 Bùi Xương Trạch là nơi nhiều người hay thả chó để đi vệ sinh và cho chó tắm.

Trên Thời đại, một số người dân tại đây cho biết, vào sáng sớm 19/8, ông H. (em rể ông Th.) đi tập thể dục và có dắt theo con chó malinois (hay còn gọi là chó becgie Bỉ) khoảng 2 năm tuổi đi cùng. Khi anh H. đi tập thể dục về đến gần cửa nhà vào lúc 5h45p cùng ngày thì con chó becgie cắn nhau với một con chó nhỏ khác.

Lúc này, ông Th. đang ngồi trước cửa nhà đã cầm cây nạng gỗ chống chân đuổi hai con chó. Sau đó, con chó Becgie bất ngờ giật tuột dây xích từ tay ông H. và lao vào cắn ông Th. Bị con chó tấn công bất ngờ, ông Th. ngã đập đầu xuống đất và bị cắn trúng cổ.

Ngay sau đó, ông H. đã kéo con chó ra ngoài và cùng với gia đình đưa ông Th. đi viện. Đến hôm sau (20/8), khi các bác sĩ truyền máu cho ông Th. thì máu không lên não được. Sau đó, gia đình đưa đi chụp chiếu thì các bác sĩ xác định ông Th. bị tụ máu não.

Theo những người hàng xóm, cách đây mấy năm, ông Th. bị tai nạn và bị mất một chân nên mọi di chuyển phải dùng bằng nạng gỗ.

Được biết, nhà ông H. và ông Th. nhà ở cạnh nhau. Nhà ông H. nuôi một con chó ngoại nặng chừng 50kg, nhà ông Th. cũng có một con chó lai nặng chừng hơn 2 yến. Trước giờ hai con chó cũng đã đôi lần cắn nhau, mỗi lần con này đi qua nhà con kia thì chúng tỏ thái độ gầm gừ.

Tại địa phương này, vụ việc kinh hoàng khiến nhiều người hàng xóm vẫn chưa hết sợ hãi. Những sợ hãi của họ bấy lâu nay đã trở thành sự thật. Một phụ nữ sống cạnh nhà ông Th. cho biết, trong ngõ có nhiều chó ngoại to lớn và hung dữ, vẫn hay được thả rông, không rọ mõm. Mỗi lần thấy các "hung thần" này nghênh ngang ngoài đường mọi người đều khiếp đảm, nhất là khi chúng xuất hiện gần chỗ bọn trẻ con vui chơi.

Một phụ nữ khác cho biết mình không dám đi con đường gần để về nhà mà phải đi vòng xa hơn. "Gần hồ là nơi người ta thường thả chó để đi vệ sinh và tắm. Lâu nay tôi không dám đi ngang qua chỗ đấy, cũng cấm bọn nhỏ ra hồ chơi. Mỗi lần đón con đi học về tôi đều đi vòng cho an toàn", người phụ nữ nói.

Ông Nguyễn Văn Bình, tổ trưởng tổ dân phố cho biết: "Trong ngõ có nhiều hộ gia đình nuôi chó dữ, cũng đã nhiều lần xảy ra tình trạng chó tấn công người, tuy nhiên đây là lần nghiêm trọng nhất.

Vừa rồi phường đã phát thông báo cho các gia đình nuôi chó với nội dung phải kiểm dịch, tiêm phòng đầy đủ. Phường cũng yêu cầu các gia đình nuôi chó phải có dây xích, rọ mõm mỗi khi dắt chó đi dạo. Trước tình trạng một số người bị chó tấn công, từ đầu tháng 7/2018, phường đã tổ chức một đội bắt nhốt chó thả rông, tuy nhiên thực trạng này vẫn tiếp diễn.

Sáng sớm có rất nhiều gia đình thả chó ra cái ao đầu ngõ để cho chó vệ sinh và tắm, đáng nói đây cũng là nơi trẻ em vui chơi và người già tập thể dục. Ông Th. bị chó tấn công cũng là thời điểm sáng sớm như vậy.

Được biết sau khi vụ việc xảy ra, 2 gia đình đã quyết định chuyển hết chó đi nơi khác và không nuôi chó nữa.

Trường hợp nào người nuôi chó phải chịu trách nhiệm hình sự?

Trong trường hợp nuôi “thú cưng”, khi cho “thú cưng” ra đường, người nuôi thú cưng phải rọ mõm và có biện pháp giám sát vật nuôi của minh. Nếu không, sẽ bị xử phạt vi phạm thành chính theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15/9/2017. Theo đó, với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng.

Nghị định 90 cũng nêu rõ, trường hợp chủ nuôi chó không tiêm phòng bệnh dại cũng chịu mức phạt tương tự từ 600 - 800 nghìn đồng.

Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì tùy theo mức độ thiệt hại mà chủ nuôi chó sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Nếu chó cắn chết người, chủ sở hữu chó có thể chịu trách nhiệm hình sự:

- Đầu tiên, nếu người chủ sở hữu chó nhận thức rõ về sự nguy hiểm của chó nuôi, mong muốn hậu quả chết người xảy ra và thực tế hậu quả chết người đã xảy ra thì người này có thể chịu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người”.

- Thứ hai, người chủ sở hữu chó nhận thức rõ về sự nguy hiểm của chó nuôi, mong muốn hậu quả gây thương tích cho người bị cắn xảy ra; dù không mong muốn hậu quả chết người nhưng thực tế gây hậu quả chết người đã xảy ra thì phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích”.

- Thứ ba, người chủ sở hữu không mong muốn có hậu quả xảy ra nhưng do sơ suất trong việc quản lý, nuôi thả chó gây ra hậu quả chết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người”.

Chó becgie Bỉ là giống thế nào?

Những thông tin bạn phải biết sau vụ chó becgie cắn chết người đàn ông ở Hà Nội
Becgie Bỉ được đánh giá là giống chó thông minh nhưng hung dữ. Hình minh họa

Ngay khi vụ việc xảy ra, nhiều người đã lầm tưởng ông Th bị chó Pitbull cắn chết. Ngày 23/8, Công an phường Khương Trung cho biết, người đàn ông chết vì bị chó becgie Bỉ cắn vào cổ chứ không phải chó Pitbull.

Trên Wikimedia, Malinois là một giống chó thuộc nhóm chó chăn cừu Bỉ có ngoại hình khá giống chó chăn cừu Đức nhưng khác biệt với cái mõm đen do đó còn được gọi là Béc-giê mõm đen. Chúng nằm trong các giống chó chăn cừu Bỉ gồm các giống Groenendael, Tervueren và Lakenois. Đây là dòng chó cỡ trung trở lên, thường được gộp chung vào chó chăn cừu Bỉ.

Chúng có khả năng thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ và canh gác, tìm kiếm và cứu hộ, thậm chí dẫn đường cho người khiếm thị. Nhờ có bản năng mạnh mẽ khi thực hiện các nhiệm vụ an ninh như truy tìm tội phạm và cứu thương, phát hiện chất nổ, chất gây cháy (trong các vụ hỏa hoạn) và ma túy, chó Malinois thường được sử dụng trong truy tìm tội phạm, ma túy và phát hiện bom mìn và là một trong những giống chó nghiệp vụ ngày càng phổ biến.

Chó becgie bỉ con (chó Malinois) được thuần hóa và sử dụng nuôi ở Việt Nam vào những năm 1980. Chúng được mua để làm cảnh, làm canh gác, bảo vệ.

Bất kỳ một chú chó nào, kể cả được nuôi dưỡng từ nhỏ, cũng có thể trở nên hung dữ, đặc biệt là các giống chó lai như: chó becgie Bỉ (chó Malinois). Khi nuôi nhốt trong một thời gian dài, tâm tính bị ức chế, chó sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Đây là giống chó ưa hoạt động nên khi nhốt một nơi càng trở nên nguy hiểm.

Khi muốn được an toàn trước những loài chó dữ thì bạn cần hạn chế những trường hợp này xảy ra:

- Không chạy khi đối diện với chú chó becgie Bỉ (chó Malinois). Nếu chạy chỉ làm tính hung dữ của nó tăng cao.

- Tránh nhìn trực tiếp vào mắt của chó. Vì đây sẽ ảnh hưởng đến tâm lý.

- Không nên quát nạt, mà bạn hãy nói nhẹ nhàng để chấn an tâm lý của chó, giúp chúng hạn chế bản năng hung dữ vốn có của mình.

- Nếu bị cắn thì hãy cuộn tròn người lại như quả bóng, dùng tay để bảo vệ đầu và cổ của mình, sau đó đến cơ sở y tế để khám.

- Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì chúng thường thích chơi gần chó. Điều quan trọng là không để các em chơi đùa gần các con chó hung dữ. Nếu hàng xóm nuôi chó, bạn cần giám sát chặt chẽ con của mình.

Dạy bảo trẻ em cách cư xử tôn trọng và bình tĩnh khi gần chó là điều rất quan trọng, chẳng hạn không được phép trêu chọc chó, kéo tai hay đuôi nó. Chạy quanh hay gào thét cũng có thể khiến các con vật sợ hãi hoặc quá khích thái quá.

Theo GiaDinh