Nhụy hoa nghệ tây quảng cáo như 'thần dược': Chất lượng thực sự ra sao?

Sau khi Công ty Saffron Việt Nam bị phạt vì quảng cáo nhụy hoa nghệ tây như thuốc có công dụng điều trị bệnh, câu chuyện về chất lượng thực sự của loại sản phẩm này càng khiến người tiêu dùng nghi ngờ.

Như Chất lượng Việt Nam từng phản ánh, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền 50 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Saffron Việt Nam có địa chỉ số 66-68 Trần Xuân Soạn, Phường Ngô Thị Nhậm, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. 

Cụ thể, hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Saffron Việt Nam là quảng cáo thực phẩm nhụy hoa nghệ tây (Saffron) trên website http://www.saffron.vn có nội dung nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

nhuy-hoa-nghe-tay-quang-cao-nhu-than-duoc-chat-luong-thuc-su-ra-sao

 Sản phẩm Saffron Turmeric Honey từng được quảng cáo có công dụng ngăn chặn sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư. Hình ảnh từ trang website của Công ty CP Saffron Việt Nam địa chỉ 61 Nguỵ Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội

Theo phản ánh của người tiêu dùng, hiện nay các thương nhân bán sản phẩm nhụy hoa nghệ tây quảng cáo công dụng, công năng của sản phẩm rất thần thánh, như sản phẩm có khả năng giảm cân, trị mụn, làm đẹp. Đặc biệt, sản phẩm còn được quảng cáo là ngăn chặn sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư; ngăn chặn sự phát triển của bệnh xơ vữa động mạch và tình trạng nghẽn mạch máu...

Trong khi theo tìm hiểu của Phóng viên Chất lượng Việt Nam, các sản phẩm Saffron - nhụy hoa nghệ tây chỉ là dạng thực phẩm thường, được nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó thường thấy là nhập từ Iran. Sản phẩm ở dạng nguyên liệu, dùng để pha nước uống như nước chè của Việt Nam hoặc ngâm mật ong, nấu với các thực phẩm khác.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Còn theo Tuổi trẻ Thủ đô, với giá thành cao (khoảng 450 triệu/kg, nên sản phẩm thường được chia nhỏ khối ượng để bán từ 1g trở lên. Do đó có thể nói đây là mặt hàng xa xỉ), sản phẩm lạ (từ nguồn gốc, xuất xứ đến cách dùng tính bằng sợi) và nhu cầu của người dân Việt ngày càng tăng thì thị trường Saffron trong nước trăm hoa đua nở, thật giả nhiều khi không phân định rạch ròi dễ khiến người tiêu dùng bị “ăn quả lừa”.

Thực tế khi tìm hiểu về sản phẩm Saffron qua nguồn tin và nhiều tài liệu, Tuổi trẻ Thủ đô cho biết, hành vi làm giả sản phẩm này đã có từ lâu và ngày nay vẫn tiếp diễn. Sự giả mạo lần đầu tiên được ghi nhận vào thời Trung cổ ở châu Âu.

Các phương pháp thường thấy bao gồm trộn lẫn với các tạp chất như củ cải đường, sợi xơ quả lựu, sợi lụa nhuộm đỏ, hoặc phần nhị màu vàng không mùi vị của cây nghệ tây. Những phương pháp khác chẳng hạn như nhúng các sợi Saffron vào các chất dính như mật ong hoặc dầu thực vật.

Tuy nhiên, Saffron dạng bột lại dễ bị giả mạo hơn, với các chất độn là bột nghệ, bột ớt hoặc các loại bột khác. Sự giả mạo cũng có thể là việc bán các loại Saffron không nhãn mác, sau khi trộn chung với các loại Saffron khác nhau.

Ở Việt Nam, thời gian gần đây, báo chí cũng nhận được phản ánh của người dân về chất lượng của sản phẩm không như “lời đồn”. Bên cạnh nỗ lực của một số doanh nghiệp trong nước để đưa sản phẩm chính hãng, tốt nhất đến tay người dùng thì cũng có nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng danh tiếng, trà trộn sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng nhằm trục lợi.

Theo đó, Saffron chủ yếu có nguồn gốc từ Iran (một đất nước ở Tây Á); người tiêu dùng dễ mua phải hàng kém chất lượng vì nhiều loại Saffron có thể bị lẫn tạp chất (củ cải đường, sợi xơ quả lựu, sợi lụa nhuộm đỏ, phần nhị màu vàng không mùi vị của cây nghệ tây) hoặc trộn loại không nhãn mác với loại Saffron khác để đánh tráo chất lượng và nâng giá thành sản phẩm...

Khi đi tìm hiểu về tác dụng cũng như chất lượng của sản phẩm Saffron, được biết, tác dụng của nhụy hoa nghệ tây lại phụ thuộc vào cách bảo quản, đóng gói.

Theo các tài liệu và nguồn tin từ nhà kinh doanh, điều đặc biệt của nhụy hoa nghệ tây là hương thơm. Điều này sẽ “tố cáo” việc Saffron có được bảo quản và đóng gói đúng cách hay không? Từ đó có thể suy ra chất lượng của sản phẩm.

Saffron chứa một loại chất tự nhiên gọi là Crocin – là thành phần quan trọng nhất trong nhụy hoa nghệ tây. Hợp chất này nhiều nhất lúc sợi hoa còn tươi, khi được sấy khô chúng biến thành một hợp chất dạng dầu, dễ bay hơi được gọi là Safranal. Đây là thành phần giúp cho Saffron có mùi thơm đặc trưng, không thể lẫn với bất cứ loại thực phẩm nào.

Saffron khô rất nhạy cảm với sự biến đổi độ pH và nhanh chóng bị phân rã hóa học nếu không có sự hiện diện của ánh sáng và các phần tử ô xi hóa.

Chính vì thế, nhụy hoa nghệ tây phải được trữ để nơi khô ráo (độ ẩm khoảng 40%), mát (15-20 độ C), kín sáng và ít tiếp xúc với không khi nhất có thể.

Dụng cụ lấy Saffron phải thật khô ráo và không được lẫn tạp chất. Nên dùng đũa gỗ, không bị bẩn, không bị ướt. Nếu dùng tay thì cũng phải giữ tay thật sạch và thật sự khô.

Thực tế ở Việt Nam, quy trình đóng gói và bảo quản sản phẩm của các đơn vị kinh doanh Saffron đã đúng nguyên tắc hay chưa lại là một câu hỏi khác cần được trả lời.

Theo VietQ