Nợ nghìn tỷ, cổ phiếu chưa bằng cốc trà đá, đại gia thủy sản miền Tây phải bán thêm tài sản

Giá cổ phiếu của thủy sản Hùng Vương giảm phiên thứ 12 liên tiếp, rơi về mức “thảm” chưa từng có chỉ hơn 3 nghìn đồng/cp.

Chỉ trong vòng 1 tháng, cổ phiếu HVG của Công ty Cổ phần Hùng Vương đã mất hơn 50% giá trị, từ mốc 8 nghìn đồng xuống chưa còn 4 nghìn đồng/cp.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch sáng nay 10/5, giá cố phiếu HVG tiếp tục đà giảm của 11 phiên trước, rơi về mốc 3,95 nghìn đồng/cp, chưa bằng cốc trà đá. Trước đó, vào ngày 11/4/2019, giá cổ phiếu HVG đứng ở mốc 8 nghìn đồng.

no-nghin-ty-co-phieu-chua-bang-coc-tra-da-dai-gia-thuy-san-mien-tay-phai-ban-them-tai-san

 Ông Dương Ngọc Minh (bên phải) - Chủ tịch HĐQT Thủy sản Hùng Vương.

Cổ phiếu HVG giảm sâu trong bối cảnh công ty này đang đối mặt với dư nợ vay gần 3.000 tỷ, lỗ luỹ kế 398 tỷ đồng.

Hiện, Hùng Vương đang nợ ngắn hạn ngân hàng 2.969 tỷ đồng, vay nhiều nhất tại BIDV với hơn 1.935 tỷ đồng, kế tiếp là Vietcombank với 602 tỷ, HDBank 169,5 tỷ cùng một số khoản vay ngắn hạn tại các nhà băng khác. Trong đó, nợ đến hạn trả của doanh nghiệp hơn 54,5 tỷ đồng.

Luỹ kế 2 quý (1/10/2018-31/3/2019), Hùng Vương ghi nhận doanh thu 2.647 tỷ, giảm một nửa so với mức 4.992 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng mức lợi nhuận gộp 311 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu xuất khẩu 2 quý đầu năm của công ty giảm 2,5 lần, chỉ còn vỏn vẹn 887 triệu đồng. Tương tự, doanh thu nội địa giảm 60% về 1.769 tỷ đồng.

Trước tình hình này, HVG vừa phát đi thông báo thoái toàn bộ vốn cổ phần tại Hùng Vương Sông Đốc. Tổng lượng thoái vốn là 31,13 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 51%. Được biết, Hùng Vương Sông Đốc có trụ sở chính tại tỉnh Cà Mau, hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến bột cá biển.

Theo đó, tính đến thời điểm 31/3/2019, HVG còn 9 công ty con trực tiếp và 1 công ty con sở hữu gián tiếp. Được biết, việc bán dần tài sản và đơn vị sở hữu là bước đi "cầm chừng" của HVG xuyên suốt năm 2018, trong bối cảnh xin giãn nợ từ phía ngân hàng.

Theo VietQ