Nước máy nhiễm độc có thể khiến người dùng bị ung thư

Nhà khoa học Tasha Stoiber cùng đồng nghiệp từ Nhóm Công tác Môi trường Mỹ (EWG) cho biết, nhiều hệ thống nước máy ở California (Mỹ) nhiễm asen cùng các hóa chất có thể gây ung thư.

Để có kết luận trên các nhà khoa học đã phải đánh giá mức độ ô nhiễm của hơn 2.700 hệ thống nước máy ở California. Đây đều là những nguồn cung cấp nước uống chính, phục vụ 98% dân số tiểu bang, theo tin tức trên báo VnExpress. Kết quả cho thấy phần lớn nguồn nước máy đều nhiễm các chất độc hại như asen, crom hóa trị sáu và các nguyên tố phóng xạ như uranium, radium. Trong đó, gần 500 hệ thống nước bị xếp vào nhóm nguy hiểm nhất, cứ 1.000 người uống suốt đời thì một trường hợp bị ung thư. Tổng cộng, khoảng 15.500 người sẽ mắc ung thư vì uống nước máy ô nhiễm suốt đời.

Các tác giả nhận định, 47% ca ung thư bắt nguồn từ nước là do ô nhiễm asen. Ô nhiễm asen trong nước là kết quả của asen tự nhiên hoặc chất thải công nghiệp, nông nghiệp. Dù ở mức thấp, asen vẫn dễ gây ung thư.

nuoc-may-nhiem-doc-co-the-khien-nguoi-dung-bi-ung-thu

 

 Nước máy nhiễm asen vô cùng nguy hiểm.

Theo bà Stoiber, các hệ thống nước nhiễm asen thường là hệ thống nước nhỏ, lấy từ nguồn nước ngầm. So với những hệ thống nước lớn hơn, chúng không được xử lý kỹ càng bằng. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa các hệ thống nước lớn đảm bảo an toàn.

Bên cạnh asen, các sản phẩm phụ của quá trình khử trùng nước gây ra khoảng 30% ca ung thư còn crom hóa trị sáu chịu trách nhiệm khoảng 16% trường hợp mắc bệnh. Cơ quan Bảo vệ Môi trường California từ chối bình luận về kết quả nghiên cứu của EWG.

Bà Stoiber cùng đồng nghiệp thừa nhận công trình vẫn còn những hạn chế. Vì tương tác giữa các hóa chất gây ô nhiễm chưa được hiểu rõ nên dự báo của EWG có thể quá lạc quan hoặc quá bi quan. Theo bà Stoiber, các nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu về ô nhiễm nước để tìm ra biện pháp cải thiện.

Trong lúc chờ đợi các công trình mới cũng như can thiệp từ chính phủ, người dân Mỹ được khuyến cáo lắp đặt các thiết bị lọc đã được chứng nhận nhằm giảm mức độ tiếp xúc với chất ô nhiễm trong nước máy.

VOV đưa tin, asen là một á kim, màu xám bạc hay trắng như thiếc, giòn. Asen có tỷ trọng 5,73 nóng chảy ở 817°C (36atm), thăng hoa ở 715°C. Asen không độc khi nguyên chất, nhưng rất độc ở dạng hợp chất; Asen luôn biến đổi do oxy hóa hoặc lẫn các tạp chất Asen oxy hóa. Asen vô cơ thường ở dạng hóa trị III hoặc V.

Trong tự, trong tự nhiên, asen là thành phần của lớp trầm tích vỏ trái đất nên nó thường có mặt trong các tầng nước ngầm và nước bề mặt tuy chỉ ở hàm lượng thấp khoảng vài μg/l. Tuy nhiên, ở một số khu vực trên thế giới, nước ngầm có hàm lượng asen rất cao do lớp trầm tích có cấu trúc, thành phần hóa học thuận lợi cho việc hòa tan Asen từ đất. Hiện tượng này được phát hiện tại các khu vực đồng bằng châu thổ thấp trũng, xảy ra lụt lội hàng năm, dòng chảy thủy văn chậm, các lớp bồi tích trẻ thiếu oxy thuận lợi cho việc giải phóng asen từ đất ra nước.

Ô nhiễm asen trong nước ngầm (dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu) đã được phát hiện ở nhiều nước trên thế giới: Bangladesh, Chile, Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam…

Trước đó, asen nguyên tố và các hợp chất của asen cũng được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và liên minh châu Âu (EU) công nhận là các chất gây ung thư nhóm 1. Dạng vô cơ của Asen độc hơn dạng hữu cơ của nó, dạng gây độc ảnh hưởng mạnh tới con người là Asen hóa trị III…

Thạch tín là tên gọi thông thường dùng chỉ nguyên tố Asen, nhưng cũng đồng thời dùng chỉ hợp chất oxit của Asen hoá trị III (As2O3). Oxit này màu trắng, dạng bột, tan được trong nước, rất độc. Khi uống phải một lượng thạch tín (As2O3) bằng nửa hạt ngô, người ta có thể chết ngay tức khắc.

Asen có thể xâm nhập cơ thể theo 3 đường: Hô hấp, da và chủ yếu là tiêu hóa. Asen tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh. Nếu bị nhiễm độc từ từ, mỗi ngày một ít, tuỳ theo mức độ bị nhiễm và thể tạng mỗi người, có thể xuất hiện nhiều bệnh như: rụng tóc, buồn nôn, sút cân, ung thư, giảm trí nhớ... Asen làm thay đổi cân bằng hệ thống enzim của cơ thể, nên tác hại của nó đối với phụ nữ và trẻ em là lớn nhất.

Ngoài ra, asen khi thâm nhập hàng ngày vào cơ thể kể cả ở hàm lượng thấp cũng gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe như: gây hoại tử các vết loét ở tay, chân, làm rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân, thậm chí liên quan đến bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư bàng quang, ung thư gan.

Theo VietQ