Nuốt vướng, nuốt khó tưởng viêm họng sơ sơ, hóa ra mắc bệnh đáng sợ



Không chỉ những người suy giảm miễn dịch mà ngay cả những người khỏe mạnh cũng dễ mắc nấm thực quản. Điều đáng lo ngại, biểu hiện bệnh nghèo nàn mà phần lớn các trường hợp vào viện trong tình trạng bệnh đã nặng.

Đa phần người bệnh phát hiện khi đã nặng

Anh Nguyễn Thanh Mạnh (ở Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây mỗi khi ăn mặc dù anh nhai rất kỹ và nuốt từ từ nhưng vẫn có cảm giác nghẹn ở cổ. Không chỉ nuốt vướng mà còn đau. Ban đầu anh nghĩ mình bị viêm họng vì những ngày nắng nóng uống nhiều nước đá. Phần lại vì công việc bận nên anh càng chủ quan hơn. Một lần khạc ra máu, thấy vậy anh đi nội soi. Qua kiểm tra, bác sỹ cho biết anh bị nấm thực quản, việc chữa trị của anh sẽ phải kéo dài do tình trạng đã nặng.

BS Vũ Thị Vựng - Viện Nghiên cứu và đào tạo Tiêu hóa Gan mật cho biết, không chỉ là trường hợp như anh Mạnh mà rất nhiều người khi đến khám viêm thực quản do nấm hầu như chủ quan với những biểu hiện bệnh. Một số người có triệu chứng khá rõ như nuốt khó, nuốt đau nhưng cũng có trường hợp không có một biểu hiện gì rõ ràng.

Cũng bởi triệu chứng mơ hồ nên họ không biết điều trị và ngày càng gia tăng nấm. Số khác lại điều trị sai bệnh do nhầm lẫn với viêm họng. Khi đến viện nội soi đường tiêu hóa trên thì mới phát hiện ra viêm thực quản do nấm. Nhiều trường hợp vào đã ở trong giai đoạn nặng, điều trị khó khăn hơn.

Nấm thực quản do nhiều loại nấm gây lên, tuy nhiên phần lớn các ca bệnh đều phát hiện sự có mặt của một loại nấm có tên Candida, chủ yếu là nấm Candida albicans, các chủng khác có thể gặp. Những người bị suy giảm miễn dịch như HIV, đang điều trị ung thư, bị bệnh tiểu đường, suy thận mạn, phụ nữ có thai… dễ bị nấm thực quản. Tuy nhiên, người khỏe mạnh cũng có nguy cơ như những người ưa dùng đồ ngọt, nước uống có ga, nhất là những người hay uống rượu nhiều.

Theo BS Vũ Thị Vựng, nấm thực quản là bệnh lý có những biểu hiện lâm sàng nghèo nàn, dễ khiến người bệnh lầm với các bệnh lý tiêu hóa khác. Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh có thể chỉ thấy ngứa họng. Khi đã nhìn rõ mảng bám trong niêm mạc miệng là bệnh nấm thực quản đã ở giai đoạn nặng. Trong những trường hợp nặng này, người bệnh sẽ thấy khó nuốt, nuốt đau, đau ngực… nhất là khi ăn những thức ăn nóng, cay. Bệnh được chẩn đoán dựa vào nội soi đường tiêu hóa thấy những mảng trắng ở thực quản và sự hiện diện của nấm trên những mảng trắng này.

Nhiều người lo ngại nấm thực quản sẽ lây từ người này sang người khác. Về nguyên tắc, nấm thực quản không lây lan sang người khác nhưng trong bản thân của người bệnh có thể lây. Nấm thực quản trên miệng nếu không chữa trị tốt sẽ trào xuống thực quản, có nhiều trường hợp xuống cả dạ dày, trực tràng. Khi đã nấm cả đường tiêu hóa, điều trị là rất khó khăn, cần nhiều đợt dai dẳng. Bị nấm toàn thân tỷ lệ tử vong cao.

Điều trị nấm thực quản

BS Vũ Thị Vựng cho biết, trước đây để điều trị nấm thực quản do Candida thường dùng Fluconazole- thuốc kháng nấm toàn thân liều cao ngày đầu tiên, theo sau liều 100-200mg/ngày và dùng từ 14-30 ngày cho đến khi hết nấm. Hạn chế của Fluconazole gây ảnh hưởng chức năng gan.

Ngoài ra có thể dùng Nystatin là thuốc điều trị nấm tại chỗ và không bị hấp thu qua da hay niêm mạc, hầu như không độc và không gây mẫn cảm. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ nhạy của Nystatin với nấm Candida ở miệng là 100% và Nystatin được khuyến cáo dùng cho trẻ sơ sinh bị nấm khi dùng Fluconazol không đáp ứng.

Theo BS.CK2. Trần Ngọc Lưu Phương (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), nấm thực quản trên thế giới cũng như tại nước ta đủ phương tiện, thuốc để uống, xử lý. Bệnh chỉ cần điều trị bằng đường uống. Với một số trường hợp nấm bị kháng, điều trị sẽ phức tạp hơn và kết quả có thể đạt kết quả trên 90% hết nấm. Tuy nhiên có những trường hợp điều trị hết rồi vẫn có thể bị nhiễm lại do hệ thống miễn dịch không được cải thiện. Điều quan trọng là cần có sức đề kháng thật tốt ngăn chận nấm phát triển. Bệnh chủ yếu là do các vi khuẩn nấm candida có sẵn trong cơ thể lợi dụng sức đề kháng của chúng ta suy giảm đã tấn công và gây bệnh.

Các chuyên gia nhấn mạnh, chế độ ăn uống kém dinh dưỡng, nhiều đường cũng góp phần tăng nguy cơ nhiễm nấm. Do đó cần hạn chế ăn, uống thực phẩm có nhiều đường. Không nên kiêng cữ quá mức mà ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu chất đạm, tinh bột, protein, chất xơ… nhằm tăng cường sức đề kháng.

Đặc biệt hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Khi bị bệnh nên ăn những thực phẩm có tác dụng ức chế sự phát triển nấm như tỏi, quả hạnh nhân, sữa chua…

Cách phòng ngừa nấm thực quản

Nấm là một bệnh lý cơ hội thường chỉ xảy ra khi có sự suy giảm miễn dịch hoặc sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút. Để hạn chế bệnh lý do nấm gây ra cần:

- Tập luyện thể thao, tránh rượu bia, thuốc lá để nâng cao sức đề kháng của cơ thể

- Phòng ngừa bệnh HIV, lao.

- Tình dục an toàn.

- Dùng thuốc đúng chỉ định, không tự mua thuốc nhất là thuốc đông y không rõ nguồn gốc cũng gây ra nấm thực quản rất nguy hại.

- Không tự ý dùng kháng sinh, các loại thuốc gây suy giảm miễn dịch cho cơ thể như corticoid.

- Ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Theo GiaDinh