Ô tô bị bó cứng phanh cần bảo dưỡng sớm để tránh tai nạn nguy hiểm

Xe ô tô bị bó cứng phanh là lỗi vô cùng nguy hiểm đối với tính mạng của tài xế nếu không được xử lý kịp thời.

Mới đây trên mạng xã hội lan truyền một video chia sẻ hình ảnh chiếc xe Toyota Camry màu đen mang biển số 93 (tỉnh Bình Phước) đi trên đường trong tình trạng bánh sau bị khóa cứng. Dù lốp sau xẹp hẳn xuống, mài mòn ra đường, cháy bốc khói mà dường như lái xe không hề hay biết vẫn điều khiển xe di chuyển bình thường.

Trong trường hợp này, có thể là phanh bị bó do tài xế quên hạ phanh tay hoặc nguyên nhân khách quan nào đó, ví dụ đi trời mưa rồi đỗ lâu ngày. Thực tế, theo các chuyên gia về ô tô hiện tượng bó phanh xe ô tô khi đang lưu thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng người lái cũng như những người tham gia giao thông xung quanh và có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. 

o-to-bi-bo-cung-phanh-can-bao-duong-som-de-tranh-tai-nan-nguy-hiem

 Hình ảnh chiếc xe ô tô bị bó cứng phanh vẫn chạy trên đường. Ảnh: Tiktok/Huyhuy8899

Má phanh mòn quá mức

Đầu tiên phải kể đến đó là má phanh mòn quá mức cho phép, dẫn đến đĩa phanh bị mòn làm nó mỏng hơn độ dày tiêu chuẩn cho phép. Lỗi này thường là do người dùng lười kiểm tra bảo dưỡng thay thế.

Khi má phanh quá mòn, đĩa phanh mỏng sẽ khiến cho pít tông phanh bị đẩy quá giới hạn, khó thu về được dẫn đến hiện tượng bó chặt vào trống hoặc đĩa phanh tạo ra bó phanh. Lúc này tài xế cần tháo bánh xe, tháo cụm phanh lấy tua vít đẩy pít tông về vị trí cũ, sau đó mang đến trung tâm sửa chữa.

Ắc suốt phanh bị gỉ sét

Ắc suốt phanh có vấn đề bắt nguồn từ việc gioăng cao su bọc ngoài bị rách, thủng. Trong quá trình hoạt động, ắc suốt phanh sẽ bị gỉ sét, hoen mòn. Khi phanh, piston phanh sẽ tác động một lực lớn lên ắc suốt phanh, tuy nhiên, vì bị gỉ sét nên ắc suốt phanh không thể quay về vị trí ban đầu, dẫn đến tình trạng bó phanh. Cách tốt nhất hãy tháo ắc suốt ra vệ sinh, tra dầu mỡ để bôi trơn. Đồng thời kiểm tra lại piston phanh cũng như má phanh và đĩa phanh. Nếu ắc suốt, gioăng cao su bị hư hỏng cần thay thế mới ngay các chi tiết này.

Đĩa phanh bị biến dạng

Tác động bên ngoài cũng là nguyên nhân thường thấy với hiện tượng bó phanh, nếu xe đi bị va chạm nhiều khiến đĩa phanh bị biến dạng, quay không đều, đảo… lúc này má phanh sẽ bị ghì chặt gây bó phanh. Với nguyên nhân này cần đem xe đi kiểm tra sửa chữa tránh nguy hiểm.

Bàn đạp phanh nhỏ

Việc sửa chữa thiếu kinh nghiệm cũng làm cho xe dễ bị bó phanh nếu như thợ sửa chữa điều chỉnh biên độ bàn đạp phanh quá nhỏ, khi sử dụng má phanh liên tục bị tì vào trống hoặc đĩa phanh gây ra hiện tượng bó phanh. Cách tốt nhất là nên lựa chọn gara lớn có uy tín để có thể xử lý triệt để sự cố này, bởi nếu để lâu sẽ khiến má và đĩa phanh bị hao mòn.

Má phanh nở do lọt nước

Trong quá trình rửa xe hoặc lái xe ô tô trời mưa, nước có thể lọt vào hệ thống phanh, gây ra các hiện tượng như má phanh nở, bàn đạp phanh nhỏ nên khi phanh sẽ cảm thấy phanh bị bó cứng. Cách xử lý tốt nhất trong tình huống này là chuyển về số lùi đối với xe số sàn (hoặc số P đối với xe số tự động) rồi lại số tiến, cho đến khi phanh tự nhả..

Theo VietQ