Pháo nổ tự chế - Vui đâu chưa thấy, nát da thịt lúc nào không hay

Pháo nổ tự chế là trò chơi được rất nhiều thanh niên lựa chọn trong dịp Tết nhưng những mối nguy hiểm của nó thì không phải ai cũng biết.

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" là đặc trưng của ngày Tết trước đây. Tuy nhiên, xã hội phát triển những phong tục trong quá khứ đã được lược bớt để phù hợp với thực trạng xã hội cũng như bảo vệ tính mạng của mọi người. Nhưng, không phải sự thay đổi nào cũng được công nhận và thực hiện theo ngay, điển hình là việc đốt pháo ngày Tết. 

Báo Dân trí dẫn thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân Đỗ Văn T (25 tuổi, Hải Phòng) chuyển đến viện vì tai nạn do pháo nổ tự chế.  Theo người nhà kể lại khoảng 18 giờ, ngày 29/01/2019, bệnh nhân đang tự chế pháo nổ tại nhà thì phát nổ, sau tiếng nổ lớn, bệnh nhân bị cụt 2 bàn tay, vết thương vùng hàm mặt, chảy nhiều máu, được sơ cứu và chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108 trong tình trạng cụt 2 bàn tay, gẫy hở xương hàm dưới, chấn thương ngực kín, dập nhu mô thuỳ trên hai phổi, bỏng rộng vùng ngực, nhiều vết thương nhỏ ở 2 chân.

​Nạn nhân đã được mổ cấp cứu cắt cụt để ngỏ 1/3 giữa cẳng tay phải, cắt lọc cơ dập nát cẳng tay trái, kết xương hàm dưới, sau mổ phải điều trị tiếp tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện. Hiên tại, tình trạng bệnh nhân đã giữ được tính mạng, tuy nhiên sẽ để lại di chứng nặng nề, là nỗi buồn to lớn đối với gia đình và xã hội.

phao-no-tu-che-vui-dau-chua-thay-nat-da-thit-luc-nao-khong-hay

Tự chế tạo pháo là sai phép và rất nguy hiểm

Bác sĩ Ngô Tuấn Hưng, Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia cho biết trên báo VnExpress, bệnh viện liên tiếp cấp cứu nhiều bệnh nhân bỏng do thuốc pháo. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bỏng do tự chế tạo thuốc pháo theo hướng dẫn trên mạng.

Theo bác sĩ Hưng: "Hiểm họa do chơi pháo tự chế đã được cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng đến nay tai nạn vẫn không giảm".

Bệnh nhân chủ yếu ở tuổi vị thành niên, bị bỏng do hóa chất bùng lên trong quá trình chế tạo. Trường hợp nặng nhất là thanh niên 17 tuổi (Hà Tĩnh) nhập Viện Bỏng Quốc gia ngày 8/1. Bệnh nhân đã trộn lưu huỳnh và KClO3 (một chất oxy hóa mạnh tác dụng được với nhiều phi kim và kim loại) theo hướng dẫn trên mạng, sau đó dùng lửa để thử sản phẩm. Không may thuốc nổ bùng lên gây bỏng 42% ở mặt, cổ, ngực và hai tay. 

Liên quan tới pháo nổ tự chế, các chuyên gia hóa học cho biết, pháo nổ là sản phẩm chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ.

Cũng theo các chuyên gia hóa học, trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh, người đốt thường phải tiếp xúc rất gần nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực.... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp.

Bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Bỏng ở hai tay và bàn tay sẽ bị sẹo co kéo.

Do đó, bác sĩ Hưng khuyến cáo, vết thương do tai nạn khi tự chế pháo nổ rất nguy hiểm bởi sức công phá lớn. Vì thế, gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.

Theo VietQ