Phạt học sinh ra sao để tránh vi phạm đạo đức nhà giáo?

Thời gian qua đã xảy ra sự việc trường học, giáo viên đưa ra hình thức phạt học sinh mang tính phản cảm gây bức xúc dư luận.

Thời gian qua đã xảy ra sự việc trường học, giáo viên đưa ra hình thức phạt học sinh mang tính phản cảm gây bức xúc dư luận. Cụ thể như: quay lại cảnh học sinh đọc bản kiểm điểm do xúc phạm nhóm nhạc BTS (Hàn Quốc) trước toàn trường, rồi quay clip đưa lên mạng xã hội; Bắt học sinh quỳ trước lớp; Tát vào mặt nhau… Các hình phạt nói trên đều bị lên án là phản giáo dục, lạm quyền. 

Phạt học sinh ra sao để học sinh nhận thức được khuyết điểm, không tái phạm đó là câu chuyện được nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đưa ra nhiều giải pháp khác nhau.

Tuy nhiên, chiếu theo các quy định hiện nay, không có bất cứ các hình thức nào cho phép nhà trường, giáo viên có hình thức phạt học sinh theo hướng phản cảm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, nhân phẩm của học sinh.

Theo Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 2/4/2019 về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên có quy định, ứng xử của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; yêu thương, trách nhiệm, bao dung; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ người học. Không xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành.

phat-hoc-sinh-ra-sao-de-tranh-vi-pham-dao-duc-nha-giao

Thời gian qua, nhiều học sinh bị phạt với nhiều hình thức nặng nề.

Ứng xử của giáo viên với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.

Còn theo Thông tư 08/TT của Bộ GD&ĐT Hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông, việc thi hành kỉ luật đối với học sinh phổ thông phạm khuyết điểm trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của mình với 5 hình thức, bao gồm:

Khiển trách trước lớp những sinh phạm một trong các khuyết điểm sau: Nghỉ học không xin phép từ 3 buổi trở lên trong 1 tháng; Nói năng thô tục, đánh bạc (chơi số đề) hút thuốc lá…; Quay cóp hoặc gà bài cho bạn trong giờ kiểm tra bài, có thái độ kém văn hoá hoặc hành vi thiếu đạo đức đối với thầy cô giáo, cha mẹ, bạn bè và những người xung quanh...

Khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường những học sinh mắc các lỗi sau: Tái phạm nhiều lần khuyết điểm, sai phạm đã bị khiển trách trước lớp; ăn cắp bút, sách, tiền bạc, đồ dùng tư trang,… của bạn bè, thầy cô giáo, gia đình hoặc của nhân dân nơi mình ở; Gây gổ, đánh nhau với bạn bè và người ngoài nhà trường; Tung dư luận xấu, phao tin đồn nhảm...

Cảnh cáo trước toàn trường những trường hợp: Những học sinh mắc khuyết điểm đã bị khiển trách trước Hội đồng kỉ luật nhà trường mà không chịu sửa chữa, vẫn còn tái phạm. Đã nhiều lần trốn học, trốn lao động hoặc quay cóp gà bài cho bạn trong lúc kiểm tra; ăn cắp hoặc cướp giật ở trong và ngoài trường; có lời nói và hành động vô lễ với thầy cô giáo; đánh nhau có tổ chức...

Đuổi học một tuần lễ những trường hợp sau: những học sinh đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không biết sửa chữa khuyết điểm, có ảnh hưởng xấu tới những học sinh khác; hoặc phạm khuyết điểm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng như: trộm cắp, trấn lột, gây gổ đánh nhau có tổ chức và gây thương tích cho người khác,…

Các trường hợp bị đuổi học 1 năm bao gồm: tham gia các tổ chức trộm cắp, trấn lột, trụy lạc, phản động,… dùng vũ khí, đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác, can án ngoài nhà trường bị công an bắt giữ hoặc mắc sai phạm có tính chất và mức độ tác hại tương đương.

Ngoài hình thức thi hành kỉ luật trên, trong giờ lên lớp, giáo viên bộ môn có thể tạm thời đình chỉ việc học tập và đưa lên để Hiệu trưởng giáo dục những học sinh mắc sai phạm như: nói năng hoặc có thái độ vô lễ đối với thầy cô giáo; gây gổ đánh nhau với bạn bè trong lớp; gây mất trật tự lớp, mặc dù được nhắc nhở,… Các học sinh này được vào lớp tiếp tục học trong tiết học sau.

Theo GiaDinh