Phạt, truy thu thuế Asanzo hơn 68 tỷ, chuyển hồ sơ sang công an

Sau khi ban hành quyết định xử phạt về thuế với Công ty CP Tập đoàn Asanzo của ông Phạm Văn Tam với tổng số tiền truy thu, phạt, chậm nộp trên 68 tỷ đồng, Cục Thuế TP.HCM đã ký quyết định chuyển hồ sơ cho Công an TP.HCM để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế của doanh nghiệp này.

phat-truy-thu-thue-asanzo-hon-68-ty-chuyen-ho-so-sang-cong-an

Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Asanzo.

Chuyển hồ sơ vi phạm về thuế của Công ty Asanzo cho Cơ quan điều tra

Cục Thuế TP.HCM cho biết, dựa theo các quy định của Bộ Tài chính, Luật xử lý vi phạm hành chính và căn cứ vào Biên bản thanh tra thuế kỳ ngày 7/10/2019 tại Công ty CP Tập đoàn Asanzo do ông Phạm Văn Tam làm Chủ tịch HĐQT, cơ quan này đã ký Quyết định 3731 chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế đối với Công ty CP Tập đoàn Asanzo cho Công an TP.HCM.

Hồ sơ, tài liệu vụ vi phạm được chuyển gồm Kết luận thanh tra số 650 của Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, Quyết định xử lý số 5286 của Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM và nhiều tài liệu, hồ sơ khác.

"Trường hợp cơ quan điều tra khởi tố vụ án, cơ quan điều tra thông báo cho cơ quan thuế để thu hồi quyết định phạt vi phạm hành chính về thuế", Quyết định của Cục Thuế TP.HCM nêu rõ.

phat-truy-thu-thue-asanzo-hon-68-ty-chuyen-ho-so-sang-cong-an

Quyết định của Cục thuế TP.HCM với nội dung chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế đối với Công ty CP Tập đoàn Asanzo cho Công an TP.HCM.

Còn theo kết luận Thanh tra thuế số 650 và các hồ sơ liên quan, Công ty CP Tập đoàn Asanzo do ông Phạm Văn Tam làm Chủ tịch HĐQT đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, về giao dịch liên kết, về bán hàng không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (hóa đơn nội dung không có thực), mua linh kiện rồi thuê gia công lắp ráp nhưng không kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt…

Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo là 68 tỷ đồng. Cụ thể, Asanzo bị xử phạt với tình tiết tăng nặng là sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm nên mức phạt chính là 26,3 tỷ đồng. Mức phạt này bao gồm phạt về hành vi khai sai là 4,9 tỷ đồng, phạt 1,5 lần về hành vi không xuất hóa đơn là 6,3 tỷ đồng, phạt 1,5 lần thuế tiêu thụ đặc biệt là 14,6 tỷ đồng; truy thu thuế với số tiền 40,5 tỷ đồng và số tiền chậm nộp thuế 1,6 tỷ.

Tuy nhiên, cơ quan thuế cho biết, do vi phạm có dấu hiệu hình sự nên sau khi chuyển hồ sơ cho công an khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan thuế sẽ rút lại phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 26,3 tỷ đồng, để đảm bảo một hành vi vi phạm không bị xử phạt 2 lần (vừa hành chính, vừa hình sự).

Số tiền chậm nộp trên tính đến ngày 22/10, nếu Asanzo nộp sau thời gian trên sẽ phải tự tính thêm tiền chậm nộp theo quy định.

Ngoài ra, Asanzo phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong 10 ngày. Với hành vi bán hàng không lập hóa đơn, Asanzo phải lập hóa đơn giao cho người mua theo quy định.

Vì sao Asanzo bị áp dụng tình tiết tăng nặng?

Theo quyết định của Cục thuế TP.HCM, Asanzo đã thực hiện hàng loạt vi phạm trong việc khai thuế và khấu trừ thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân không đúng quy định của pháp luật.

phat-truy-thu-thue-asanzo-hon-68-ty-chuyen-ho-so-sang-cong-an

Quyết định xử phạt Công ty CP Tập đoàn Asanzo của Cục Thuế TP.HCM.

Với giao dịch liên kết, Asanzo cũng không kê khai theo phụ lục kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN theo Nghị định 20/2017.

Đặc biệt, về hóa đơn, Cục thuế TP khẳng định Asanzo đã có vi phạm khi bán hàng, cung cấp dịch vụ mà không xuất hóa đơn, có sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (hóa đơn đầu vào có nội dung được ghi không có thực, hóa đơn ghi mặt hàng điều hòa nhiệt độ nhưng nội dung thực là linh kiện máy điều hòa).

Doanh nghiệp này được xác định đã không ghi chép trong sổ sách kế toán mặt hàng linh kiện điều hòa nhiệt độ mua từ một số doanh nghiệp khác về gia công, sản xuất một phần và lắp ráp thành phẩm là mặt hàng điều hòa nhiệt độ (công suất từ 90.000 BTU trở xuống, có dán tem Asanzo, bao bì ghi nhãn hiệu Asanzo).

Các sản phẩm sau đó được bán cho các doanh nghiệp thuộc hệ thống Asanzo, đồng thời sử dụng hóa đơn đầu vào có nội dung ghi là điều hòa nhiệt độ không đúng với thực tế là linh kiện điều hòa nhiệt độ để hạch toán đầu vào, từ đó không khai thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp.

Đáng lưu ý, Cục thuế TP.HCM đã áp dụng các tình tiết tăng nặng với Asanzo mà không cho áp dụng tình tiết giảm nhẹ vì doanh nghiệp này đã vi phạm hành chính nhiều lần, vi phạm có số lượng hoặc trị giá lớn.

Theo DanViet