Phí cách ly 14 ngày tại Việt Nam: 22,5 - 88 triệu đồng, có thể ở khách sạn 5 sao?

Theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ tổ chức cách ly có thu phí với người nhập cảnh từ ngày 1-9. Quá trình thực hiện ra sao?

phi-cach-ly-14-ngay-tai-viet-nam-22-5-88-trieu-dong-co-the-o-khach-san-5-sao

Nhân viên khử khuẩn khu vực để đồ ăn cho người cách ly sau khi dùng xong tại một resort ở Cần Giờ trong đợt dịch vào tháng 3-2020 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chiều 31-8, đề cập đến chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức cách ly có thu phí với người nhập cảnh, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các đơn vị phải xây dựng phương án cách ly rất cụ thể, rõ trách nhiệm từng khâu. Sau khi xây dựng xong phương án cách ly, rõ trách nhiệm từng đơn vị, phải trình UBND TP xem xét, chỉ đạo.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân

Dự và phát biểu tại cuộc họp, ông Đào Đức Toàn, phó bí thư Thành ủy Hà Nội, nhấn mạnh trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về cách ly có thu phí với người nhập cảnh, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân và người nước ngoài vào Việt Nam.

Trong thực hiện, ông Toàn yêu cầu thực hiện nghiêm về quy định cách ly, trong đó các đơn vị trong tổ chức thực hiện cách ly phải quản lý nghiêm với người phải cách ly.

"Đặc biệt, không vì mở rộng và thực hiện cách ly có thu phí mà xem nhẹ công tác quản lý cách ly" - ông Toàn nói.

Theo thông báo ngày 31-8, hiện có trên 1.100 người đang cách ly tập trung tại bệnh viện, hơn 16.000 người cách ly tập trung tại cơ sở khác. Nếu tính cả mùa dịch, số người cách ly tập trung lên tới hàng trăm ngàn người.

Tự nguyện, có thể cách ly ở khách sạn 5 sao

Sáu ngày nữa con trai chị T.T.H., là một sinh viên 20 tuổi đang du học ở Úc, sẽ về Việt Nam theo chuyến bay mà nhà trường thuê nguyên chuyến cho sinh viên Việt Nam về nước.

Chị H. cho biết để chuẩn bị cho con trai, chị đã tìm hiểu rất kỹ, được biết khi con chị về nước, chính sách cách ly sẽ thay đổi theo hướng thu phí với những người nhập cảnh. Con chị và hơn 200 sinh viên đi cùng chuyến bay sẽ được cách ly tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, với chi phí trên 84,7 triệu đồng.

Theo biểu phí công bố trên website của Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, phí cách ly cho sinh viên đi trên chuyến bay này (tại khách sạn 4 sao ở Hạ Long) dao động từ 22,5 - 87,7 triệu đồng cho 14 ngày cách ly.

Trong đó, mức phí cao nhất dành cho loại phòng khách sạn cao cấp bao gồm cả phòng ngủ và phòng làm việc, các dịch vụ kèm theo là ba bữa ăn/ngày, chi phí vận chuyển, phí phục vụ, thuế, dịch vụ Internet, nước súc miệng, trà và cà phê miễn phí. Tức là khách cách ly mong muốn dịch vụ cao cấp mức như thế nào đều được phục vụ tận răng.

Chị H. cho biết con chị đã học online gần 1 năm nay, kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện và mong muốn được về nước, vì vậy gia đình sẵn sàng trả tiền vé máy bay (1.350 USD) cho loại vé phổ thông, cùng với chi phí cách ly tự nguyện mà chị dự định sẽ chọn loại phòng đơn tiêu chuẩn với mức giá trên 33 triệu đồng/người.

Phí cách ly tập trung: còn phải chờ

Ngày 1-9 bắt đầu thực hiện thu phí cách ly với người nhập cảnh, nhưng ngày 31-8 Bộ Y tế và Bộ Tài chính vẫn chưa công bố được mức giá trần, bảng giá mà khách sạn kể trên công khai là mới áp dụng ở phạm vi nhỏ. Ở phạm vi lớn hơn thì cần một biểu giá thống nhất. Biểu giá ấy thì cần phải đợi.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền - giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ngày 1-9 Sở Y tế, Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát năng lực của các khách sạn tham gia dịch vụ cách ly tập trung, để xem năng lực của khách sạn, số lượng người cách ly mà khách sạn có thể đáp ứng, việc vận chuyển hành khách từ sân bay về do đơn vị nào thực hiện và giám sát ra sao...

Ông Hiền cho biết Hà Nội có một số cơ sở cách ly dành cho người nước ngoài, tới đây sẽ chuyển sang dịch vụ này. Tuy nhiên số lượng và cách thức thực hiện vẫn phải đợi sau ngày 1-9, khi các cơ quan chức năng hoàn tất rà soát và đánh giá, trong đó có khâu đánh giá khách sạn đó có an toàn hay không nếu cho làm dịch vụ cách ly tập trung.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết từ 31-8 trở về trước, toàn bộ phí cách ly tập trung (ngoại trừ người nước ngoài lựa chọn cách ly tại khách sạn) đều do ngân sách chi trả, bao gồm tiền ăn 100.000 đồng/ngày, tiền đồ dùng (bàn chải răng, khăn mặt, kem chải răng…), tiền ở và cả Internet.

Với quy định mới mà Thủ tướng vừa thông báo sẽ thu phí cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh từ 1-9, những dịch vụ miễn phí này sẽ bắt đầu chuyển sang thu phí ở một số nơi.

Lan Anh - Xuân Long

Theo Tuổi trẻ

----

Xem thêm:

Thu phí cách ly người nhập cảnh từ 1-9, nhanh mở đường bay thương mại với Nhật, Hàn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý ngay việc mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao. Trước hết, thực hiện chuyến bay lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.

thu-phi-cach-ly-nguoi-nhap-canh-tu-1-9-nhanh-mo-duong-bay-thuong-mai-voi-nhat-han

Thủ tướng đề nghị xử lý ngay việc mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Nhật Bản - Ảnh: Chinhphu.vn

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 27-8.

Theo đó, bằng công tác phòng chống dịch với nhiều giải pháp, giãn cách xã hội ở phạm vi phù hợp, đến nay dịch bệnh đã được kiểm soát tốt trên phạm vi quốc gia. 

Tuy nhiên trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy đầu tư công, xuất nhập khẩu, sản xuất không để đình trệ, đứt gãy hoạt động kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan và đề cao trách nhiệm của chủ tịch tỉnh, chủ động linh hoạt quyết định các vấn đề.

Trong đó, cùng với tổ chức các chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, cần tạo thuận lợi đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh; có phương án đảm bảo an toàn và cách ly phù hợp, rà soát thủ tục, giảm bớt khâu trung gian, thời gian. 

Thủ tướng đồng ý cho các nhân sự cấp cao của doanh nghiệp Hàn Quốc được nhập cảnh, thực hiện công tác ngắn ngày cũng như các nhà đầu tư có nhu cầu.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc xử lý ngay vấn đề mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao... trước hết thực hiện chuyến bay lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đồng ý mở rộng thực hiện cách ly các cơ sở lưu trú có thu phí, giám sát chặt chẽ. Từ ngày 1-9 sẽ thu phí với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả các nơi cách ly, chi phí khám chữa bệnh do ngân sách nhà nước chi trả.

Đối với việc hỗ trợ an sinh xã hội, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ giai đoạn 2 đảm bảo thuận lợi, chặt chẽ; địa phương có hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, người nghèo, đối tượng trợ giúp xã hội bị ảnh hưởng.

Nhấn mạnh dịch bệnh vẫn thường trực và sẽ còn các ca mắc trong cộng đồng, Thủ tướng yêu cầu chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp như tiếp tục các biện pháp như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, hạn chế tụ tập đông người, có chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm.

Chủ động kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh tại phòng khám, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp; xuất hiện ca bệnh phải kích hoạt ngay quy trình phòng chống dịch, khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh.

Theo đó, các chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chủ động linh hoạt áp dụng các biện pháp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Không áp dụng việc dừng, đình chỉ hoạt động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi không cần thiết, hạn chế mức thấp nhất tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội, đời sống người dân. Cần quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh tại biên giới, không để nhập cảnh trái phép, không đúng đối tượng; trường hợp phát hiện điều tra, khởi tố theo đúng quy định.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn an toàn

Bộ Y tế được giao khẩn trương cập nhật, hoàn thiện và ban hành ngay hướng dẫn an toàn trong bệnh viện, trường học, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng; phòng chống dịch trong cơ sở y tế, phòng ngừa lây nhiễm, tăng kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, xét nghiệm sớm trường hợp nghi ngờ; tăng tốc nghiên cứu vắc xin, hợp tác quốc tế, giải mã gen COVID-19, lưu ý tới ca tái nhiễm và khả năng miễn dịch...

Thủ tướng nhấn mạnh Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chú ý giải quyết ngay vướng mắc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

"Hơn ai hết, trong giai đoạn này Ban chỉ đạo cần thấu triệt "mục tiêu kép" của Chính phủ, không để dịch bệnh lây lan cũng không để đứt gẫy hoạt động kinh tế" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngọc An

Theo Tuổi trẻ