Phụ nữ nào cũng muốn ngực đẹp, nhưng những người này đừng nghĩ đến nâng ngực

Mới cai sữa con chưa lâu, một phụ nữ ở Lạng Sơn đã quyết định đi phẫu thuật nâng ngực. Biến chứng sau nâng ngực khiến một bên ngực của chị méo mó sưng to trên 1000cc dịch. Theo các chuyên gia không phải trường hợp nào cũng nâng ngực được, trường hợp sau cần hết sức thận trọng.

Ngực như muốn nổ tung vì biến chứng

Sau sinh hai bé ngực chị T, 30 tuổi ở Lạng Sơn chảy, teo lép. Dù mới cai sữa được 6 tháng, đầu ngực vẫn còn chưa thật hết sữa chị đã đi phẫu thuật nâng ngực tại một thẩm mĩ viện. Nâng ngực được khoảng 2 tuần, ngực trái của chị bỗng sưng to, tình trạng sưng ngày càng tăng mới đi kiểm tra.

Theo các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình (BV Việt Đức) khi vào viện khám, bên ngực trái của chị sưng to căng tròn như quả bóng bay với thể tích khoảng 3-4 lần bên đối diện, chu vi ước đến trên 50cm. Ngực phải kích thước bình thường nhưng méo mó và cứng chắc hơn nhiều.

phu-nu-nao-cung-muon-nguc-dep-nhung-nhung-nguoi-nay-dung-nghi-den-nang-nguc

Ca biến chứng vì nâng ngực sau khi vừa cai sữa. Ảnh BVVD

Các bác sĩ chẩn đoán tình trạng của chị là tràn dịch muộn quanh bao túi ngực trên bệnh nhân có bao xơ co thắt. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được lấy bỏ túi ngực, rút hết dịch cùng toàn bộ lớp bao xơ dầy đã xâm lấn vào thành ngực trước tim và bảo tồn tối đa phần tuyến vú còn lại cho bệnh nhân.

Lượng dịch được hút ra với hơn 10 xy lanh đầy tràn khoảng 600 cc, cộng với cả 300 cc túi ngực và khoảng 200 cc ngực bệnh nhân có từ trước, tổng thể tích ngực của bệnh nhân trước khi phẫu thuật lên đến trên 1.000 cc.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trường hợp tràn dịch muộn sau đặt túi ngực như trường hợp trên là một biến chứng tương đối hiếm gặp. Tuy nhiên, ở bệnh viện Việt Đức mỗi năm cũng ghi nhận 2 – 3 ca. Tiết dịch khoang muộn thường được ghi nhận chỉ một bên, bên kia bình thường sẽ không cần thiết phẫu thuật khiến cho bệnh nhân thêm lo lắng. Nếu bệnh nhân không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhiều biến chứng.

Trên thực tế, tai nạn từ các ca phẫu thuật vòng một xảy ra không phải ít. Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, BV Xanh Pôn, Hà Nội, có 3 nguyên nhân dẫn tới các tai biến khi tạo hình ngực là: Phẫu thuật ở nơi không có điều kiện an toàn về vô trùng, trang thiết bị không đảm bảo; chất liệu nguồn gốc không rõ ràng, kém gây dễ vỡ; thứ 3 do là kỹ thuật viên không có chuyên môn.

Ai dễ gặp dễ biến chứng khi nâng ngực?

Bình thường trước khi thực hiện cuộc phẫu thuật nào cũng cần phải tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện như gan thận, hô hấp, tim mạch… Nhưng không phải ai cũng nâng ngực được. Theo TS Nguyễn Huy Thọ, Phó chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Hà Nội, những người mắc bệnh chuyển hóa, đái đường, tim mạch, máu khó đông… không nên nâng ngực. 

Còn nếu những ai mang bệnh lý tim mạch, huyết áp cao, khi sử dụng thuốc tê, thuốc mê dễ gặp biến chứng hậu phẫu. Do đó, trước khi nâng ngực cần trao đổi cặn kẽ với bác sĩ bệnh sử và cả tiền sử dùng thuốc để tránh sốc phản vệ cũng như các biến chứng nguy hiểm.

phu-nu-nao-cung-muon-nguc-dep-nhung-nhung-nguoi-nay-dung-nghi-den-nang-nguc

Nâng ngực không phải ai cũng nên làm. Ảnh minh họa

PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà cho rằng, một số loại túi ngực, nhất là các túi vỏ nhám to (Macro Textured Implant) hoặc được bao phủ một lớp như bọt Polyurethane bên ngoài có thể gây hiện tượng kích thích cơ thể. Nếu chỉ định sai hoặc thực hiện phẫu thuật không đảm bảo dễ làm tăng tỷ lệ bao xơ, tụ dịch muộn.

Nếu bệnh nhân đầu ngực vẫn còn một ít sữa hoặc một ít dịch trong vẫn mổ đường quầng và không cẩn thận vô trùng trong mổ, vi khuẩn sẽ theo vào vết mổ có thể làm tổ ở các hang hốc trên vỏ túi, rồi kích thích cơ thể hình thành một lớp màng sinh học Biofilm. Từ đó có thể hình thành bao xơ, kích thích cơ thể phản ứng sinh ra các tế bào lạ cũng như ra gây ra hiện tượng kích ứng và tràn dịch rất lớn.

Để tránh những biến chứng không đáng có khi làm đẹp vòng 1, các chuyên gia Tạo hình Thẩm mỹ thế giới khuyến cáo, chị em cần tìm đến các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mĩ, uy tín.

Khi có các biểu hiện bất thường, ví dụ một bên ngực sưng to hơn gấp nhiều lần so với bên đối diện hoặc ngực trở nên cứng, chắc, méo mó, sờ thấy u cục dưới da cần đến khám tư vấn tại các trung tâm có các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, có đầy đủ trang thiết bị máy móc siêu âm, cộng hưởng từ độ phân giải cao, giải phẫu bệnh để được chẩn đoán sớm, xử lý kịp thời.

Sau biến chứng phẫu thuật nâng ngực khắc phục, chị em mới có thể tiến hành làm lại ngực. Nhưng thực hiện nâng ngực lần thứ hai chỉ nên thực hiện sau ít nhất 6 tháng. Các mô còn viêm, vết thương vẫn sưng tuyệt đối không làm lại ngực. Lúc này rất dễ dẫn tới việc bị co rút, nguy cơ nhiễm trùng cao.

Theo GiaDinh