Quy định tuyển sinh 2019 ở một số trường ĐH: Thấp, gầy, béo mất cơ hội làm sinh viên

Lại có thêm một trường đào tạo đại học đưa tiêu chí chiều cao, cân nặng vào xét tuyển. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này nếu không dựa trên đặc thù nghề nghiệp sẽ là cứng nhắc, làm mất đi cơ hội bình đẳng về học tập, nghề nghiệp giữa các thí sinh.

quy-dinh-tuyen-sinh-2019-o-mot-so-truong-dh-thap-gay-beo-mat-co-hoi-lam-sinh-vien

Tuyển sinh đại học 2019, một số trường áp dụng tiêu chí chiều cao, cân nặng trong tuyển sinh gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa: Q.Anh

Không tuyển thí sinh nữ nặng trên 60kg

Theo Công văn 97/TANDTC-HVTA về hướng dẫn công tác sơ tuyển vào Học viện Tòa án năm 2019, có quy định: Đối với nữ phải cao từ 1,55m trở lên, cân nặng trong khoảng từ 48kg đến 60kg. Đối với nam, phải cao từ 1m60 trở lên, cân nặng từ 48kg đến 80kg. Ngoài ra, thí sinh không được mắc dị hình, khuyết tật, nói ngọng. Nhân thân của thí sinh như: Cha, mẹ, anh chị em ruột hoặc vợ/chồng chưa từng vi phạm pháp luật hình sự đến mức bị kết án (trừ lĩnh vực giao thông). Ngoài ra, các thí sinh phải đáp ứng điều kiện không quá 22 tuổi. Học viện chỉ tuyển những thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 hoặc nguyện vọng 2.

Sau khi thông tin tuyển sinh của Học viện Tòa án được công bố đã nhận được sự quan tâm nhiều của dư luận xã hội, đặc biệt là các thí sinh năm nay. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu chẳng may gầy quá hay béo quá, lùn thì sẽ không có cơ hội vào các trường yêu thích cho dù nỗ lực học đến mấy. Trước đó, Trường ĐH Sư phạm TP HCM cũng khiến dư luận xôn xao khi đưa ra dự kiến tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2019 với điều kiện xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên là: Nam phải cao từ 1,55m trở lên; nữ phải cao từ 1,50m trở lên. Sau đó, trường đã nhanh chóng rút lại dự định này.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, quy định của Học viện Tòa án mục đích nhằm hướng tới một nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên, có sức khỏe, bản lĩnh đạo đức mà còn có hình thức đẹp, đồng đều khi ra trường... Tuy nhiên, có một số nội dung cần phải xem lại cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan hiện nay đều quy định quyền bình đẳng của mọi công dân trong lĩnh vực học tập và làm việc...

“Em cũng chưa biết có dự thi vào Học viện Tòa án hay không, nhưng em thấy trường đề ra tiêu chuẩn “lạ” như vậy khiến nhiều thí sinh béo như em cảm giác bị kỳ thị, phân biệt giữa các thí sinh và làm tổn thương ai đó nếu đi sơ tuyển bị loại và mọi người chê bai. Vì em thấy, các bạn học cùng em không phải bạn nào cũng cao, người “chuẩn” được, có bạn béo, bạn gầy, bạn thấp, bạn cao. Chỉ vì béo hay thấp mà không vào được ngành nghề và trường yêu thích cũng sẽ dễ chọn sai nghề. Nếu như trường nào cũng làm như thế, các bạn gầy, béo, lùn, dị tật, khuyết tật sẽ không có cơ hội vào đại học?”, Thu Hằng, đang học lớp 12 tại Hà Nội chia sẻ.

Chiều cao, cân nặng có thể thay đổi theo thời gian

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, chiều cao, cân nặng của con người có thể thay đổi theo thời gian. Quy định về tiêu chuẩn với sinh viên năm thứ nhất, nam cao 1,60m, nặng tới 80kg và nữ cao 1,55m mà nặng tới 60kg vẫn đủ điều kiện dự tuyển thì những người có hình thể như vậy chưa chắc đã khỏe mạnh, cũng không xinh đẹp. Ngoài ra không giới hạn chiều cao, có những em rất cao mà chỉ có 46kg và 48kg thì cũng không phải là người đẹp, có sức khỏe. Đưa ra những quy định về chiều cao, cân nặng, lý lịch trong một cơ sở đào tạo luật như vậy là không hợp lý.

Học viện Tòa án hiện nay do Tòa án Nhân dân tối cao quản lý, tuy nhiên trường này không phải là trường chỉ đào tạo cán bộ cho ngành Tòa án. Nói cách khác, không phải mọi sinh viên ở trường này đều ra trường để làm thẩm phán, cán bộ tòa án. Những quy định về chiều cao, cân nặng, tiêu chuẩn đạo đức cụ thể nên quy định hoặc khuyến khích đối với đối tượng làm việc trong ngành Tòa án như thẩm phán, cán bộ tòa án. Bởi vậy, nên quy định cứng như vậy thì sẽ cản trở quyền học tập của các công dân và không thu hút được nhân tài.

Dù đồng tình với việc áp dụng tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng sẽ giúp tuyển chọn nguồn nhân lực về sau này về mặt hình thức hơn, những thí sinh đủ các tiêu chuẩn khắt khe sẽ có lợi thế hơn so với những người không có. Tuy nhiên, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT nêu ví dụ, trước đây có trường dự kiến áp dụng tiêu chuẩn chiều cao cho giáo viên cũng là cần thiết, vì giảng viên hay giáo viên bậc THPT bé quá sẽ “lọt thỏm” giữa học sinh. Tuy nhiên, những quy định này có phần cứng nhắc, vì cũng sẽ có những bậc học khác là không cần thiết.

“Mỗi trường được tự chủ trong tuyển sinh và tuyển chọn theo đặc thù nghề nghiệp, song cần cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng, nhất là triển khai đại trà chung. Nên chỉ áp dụng ở ngành đào tạo cần yếu tố ví dụ như sức khỏe, chiều cao, năng khiếu… sau khi có đánh giá chung và yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp đặt ra. Còn với những nghành đào tạo khác không cần thiết vẫn phải linh hoạt để lựa chọn, tạo điều kiện cho các thí sinh, nhất là những em có tâm huyết, muốn cống hiến với nghề nghiệp yêu thích”, PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Theo Công văn 97/TANDTC-HVTA về hướng dẫn công tác sơ tuyển vào Học viện Tòa án năm 2019, có quy định: Đối với nữ phải cao từ 1,55m trở lên, cân nặng trong khoảng từ 48kg đến 60kg. Đối với nam, phải cao từ 1m60 trở lên, cân nặng từ 48kg đến 80kg. Thí sinh không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính. Về gia đình, cha, mẹ, anh chị em ruột hoặc vợ/chồng chưa từng vi phạm pháp luật hình sự đến mức bị kết án (trừ vi phạm hình sự lĩnh vực giao thông).

Theo GiaDinh