Ra đường an tâm hơn vì quy định mới

Từ khi Nghị định 100 đi vào cuộc sống, người tham gia giao thông cảm thấy an tâm hơn khi ra đường. Tuy nhiên, khi ly rượu là đầu câu chuyện thì việc cần làm bây giờ là nâng cao và thay đổi thói quen của người dân.

ra-duong-an-tam-hon-vi-quy-dinh-moi

Lực lượng chức năng TP Hà Nội ra quân xử lý các trường hợp có nồng độ cồn trong khí thở khi tham gia giao thông. Ảnh: Bảo Loan

Nghị định 100 quyết quét sạch "ma men" sau tay lái

Một trong những điểm nhấn của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, đường bộ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 là xử phạt với người điều khiển phương tiện giao thông (xe đạp, xe thô sơ, xe máy, ô tô…) khi phát hiện nồng độ cồn trong khí thở.

Từ khi Nghị định 100 đi vào cuộc sống, hầu hết những người tham gia giao thông đều cảm thấy an toàn, an tâm hơn khi ra đường. Tuy nhiên, không ít "dân nhậu" vẫn tỏ ra bất ngờ, lúng túng khi chỉ uống một vài chén rượu cũng… bị truất quyền lái xe.

Vừa bước chân ra khỏi quán ăn, anh N.T.H (35 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe và thổi nồng độ cồn tại ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội). Mặc dù chỉ uống một ít rượu nhưng nồng độ cồn bị phát hiện là 0,055mg/lít khí thở, anh H chịu mức xử phạt 2,5 triệu đồng, tước bằng lái xe 11 tháng.

Anh H cho biết: "Tôi có giải thích là tuân thủ rất nghiêm chỉnh luật giao thông nhưng khi biết lực lượng chức năng thực hiện kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn, tôi không thể không tuân thủ. Bởi ngay khi xuống xe, tôi được nghe kỹ hơn về chế tài xử phạt. Đôi khi, một ly rượu chưa đủ say cũng có nguy cơ mất trắng tiền trong túi. Tuy nhiên, tôi ủng hộ vì vừa hạn chế tai nạn giao thông do bia rượu, vừa tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Xử lý đúng, sẽ có một khoản ngân sách không hề nhỏ cho nhà nước".

Vừa bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe tại đoạn Nguyễn Chí Thanh – Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Hà Nội), ông Trần Văn Hào (62 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Tôi bị dừng xe chỉ yêu cầu thổi nồng độ cồn, rất may là không phát hiện nồng độ cồn trong khí thở. Quy định mới rất khắt khe, đủ sức răn đe vì đánh thẳng vào túi tiền người dân. Có như vậy, người điều khiển phương tiện mới yên tâm khi ra đường".

Anh Nguyễn Trường Lưu (32 tuổi, ở La Khê, Hà Đông) cũng tương tự. Mặc dù đã biết đến Nghị định 100 nhưng khi bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng phương tiện khi đang di chuyển trên tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương (Hà Nội), anh Lưu vẫn không khỏi bất ngờ. Anh Lưu cho biết: "Do đang vội đi xử lý việc cá nhân nên tôi không kịp đội mũ bảo hiểm. Khi bị lực lượng yêu cầu dừng xe, tôi nghĩ sẽ chịu mức xử phạt với hành vi không đội mũ bảo hiểm nhưng rất bất ngờ là khi dừng xe, lực lượng chức năng lại yêu cầu tôi thổi nồng độ cồn".

"Rất may đây là lần đầu vi phạm và không phát hiện nồng độ cồn nên tôi nhận mức phạt cảnh báo. Tuy nhiên, khi nghe lực lượng chức năng nói là chỉ cần một giọt rượu cũng có thể bị truất quyền lái xe, tôi thực sự lo lắng bởi Tết Nguyên đán đang đến rất gần mà cánh đàn ông chúng tôi vẫn thường quan niệm, "ly rượu là đầu câu chuyện". Bia rượu đã trở thành "văn hóa" của không ít người Việt. Sẽ hơi khó khăn để thay đổi thói quen này nhưng tôi ủng hộ quy định mới. Có như vậy, chúng tôi mới an tâm khi ra đường", anh Lưu cho hay.

Việc cần làm trước mắt là thay đổi "văn hóa rượu bia" người dân

ra-duong-an-tam-hon-vi-quy-dinh-moi

Nồng độ cồn phát hiện trong khí thở của một tài xế.

Theo Cục CSGT (Bộ Công an), chỉ tính riêng hai ngày là 1- 2/1, trên địa bàn cả nước đã có 615 trường hợp vi phạm nông độ cồn. Tổng số tiền phạt đã thu là hơn 800 triệu đồng. Tại Hà Nội, từ ngày 1 - 5/1, lực lượng CSGT đã xử lý 84 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 4 xe ô tô và 80 xe máy.

Theo CSGT TP Hà Nội, trong tổng số 84 trường hợp này thì có 18 trường hợp bị lập biên bản xử phạt ở khung cao nhất, gồm 4 lái xe ô tô, 13 xe máy và 1 xe máy điện. Ngoài ra, có 2 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nộng độ cồn.

Ngày 6/1, trao đổi với PV, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, từ xưa đến nay, việc uống rượu đã trở thành văn hóa của người Việt Nam. Đây là một nét đẹp về ẩm thực. Nhiều người dân quan niệm rằng, "ly rượu, miếng trầu là đầu câu chuyện" nên việc phải "xóa xổ" nét văn hóa vốn có bấy lâu thì chắc chắn là rất khó. Tuy nhiên, Nghị định 100 nâng mức xử phạt các hành vi có nồng độ cồn trong khí thở với người tham gia giao thông, đường bộ buộc người dân phải thay đổi thói quen và nâng cao ý thức của người dùng bia rượu.

Ông Bùi Danh Liên cho biết: "Việc lực lượng chức năng ra quân kết hợp tuyên truyền chỉ là phần ngọn của vấn đề. Nhận thức của người dân, từ nhận thức đến hành động của người dân mới là phần tâm của vấn đề. Để thay đổi được vấn đề, tức là thói quen dùng bia rượu của người dân, tiến tới một xã hội an toàn, văn minh thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và không thể trì hoãn.

Lực lượng chức năng cần kết hợp với chính quyền địa phương, cảnh sát giao thông cần hành động quyết liệt để đưa quy định của luật vào cuộc sống. Để trước hết là định hướng cho người dân trong việc dùng bia, rượu hợp lý, lành mạnh, đúng nơi, đúng chỗ, có chừng mực. Nếu uống bia, rượu thì phải nhờ sự hỗ trợ, đảm bảo không vi phạm luật. Vì vậy, vì một xã hội văn minh và an toàn, rất cần sự thay đổi từ gốc tức là thay đổi từ nhận thức của mỗi người, để loại bỏ thói quen xấu trong sử dụng rượu, bia và đảm bảo đúng tinh thần của Nghị định 100/2019/NĐ-CP".

Theo Cục CSGT, quy định mới cấm triệt để sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông và nâng mức xử phạt đối với các hành vi đã rất đồng bộ, kịp thời trước tình hình trật tự ATGT đang rất phức tạp như hiện nay. Các mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn cao hơn rất nhiều so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất (trên 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở): Mức phạt dành cho ô tô từ 30- 40 triệu đồng, tước GPLX 22 – 24 tháng. Xe máy phạt từ 6 – 8 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng.

Nồng độ cồn vượt quá 50-80 mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/lít khí thở: Xe ô tô sẽ bị phạt từ 16-18 triệu đồng, tước GPLX 16 - 18 tháng. Tài xế xe máy bị phạt từ 4 - 5 triệu đồng.

Nồng độ cồn >50 miligam/100 mililít máu hoặc >0,25 miligam/1lít khí thở: Tài xế ô tô sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng, tước GPLX 2-4 tháng; tài xế xe máy bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng.

Người điều khiển xe đạp, xe đạp điện chịu mức phạt 80-100.000 đồng nếu nồng độ cồn > 50 miligam/100ml máu, >0,25 miligam/1l khí thở.

Phạt tiền từ 200-300.000 đồng khi <50-80 miligam/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt từ 400.000- 600.000 đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Theo GiaDinh