Rác thải từ khẩu trang y tế nguy hại khôn lường cho sức khỏe và môi trường thế nào?

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì việc sử dụng khẩu trang y tế là biện pháp hữu hiệu nhưng hiện vấn đề đang nan giải chính là rác thải từ sản phẩm này.

Nan giải rác thải khẩu trang y tế 

Khẩu trang y tế được coi là một trong những biện pháp ngăn ngừa hiệu quả đối với các căn bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay. Tuy nhiên, với việc chỉ sử dụng một lần thì loại rác thải này đang có nguy cơ gây hại đến cuộc sống lâu dài của người dân.

Nếu như trước đây loại vật tư này chủ yếu sản xuất để phục vụ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế thì từ khi xảy ra dịch Covid-19, đa số người dân đã sử dụng khẩu trang nói chung, khẩu trang y tế nói riêng để phòng dịch. Theo đó, số lượng rác thải y tế nói chung, khẩu trang y tế nói riêng thải ra môi trường lớn hơn gấp nhiều lần so với trước khi bùng phát dịch.

Với thói quen không phân loại rác, khẩu trang y tế được người dân sử dụng hiện vẫn được xả lẫn trong rác thải sinh hoạt hoặc vứt bừa bãi trong môi trường tự nhiên.

rac-thai-tu-khau-trang-y-te-nguy-hai-khon-luong-cho-suc-khoe-va-moi-truong-the-nao

 Rác thải từ khẩu trang y tế đang là vấn đề nan giải. Ảnh: Sức Khỏe và Đời Sống

Mặc dù, Chính phủ, Bộ Y tế đã có các văn bản pháp luật để xử phạt các hành vi xả rác ra môi trường nói chung, xả thải khẩu trang y tế không đúng nơi quy định nói riêng, thế nhưng, trên thực tế việc thực thi luật hầu như chưa được thực hiện.

Ghi nhận tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Những chiếc khẩu trang y tế sau khi sử dụng, do người dân thiếu ý thức vứt bừa bãi ở khắp nơi từ lòng đường, hè phố, công viên, chợ..., trở thành loại chất thải được xếp vào hàng nguy hại, có thể làm lây lan dịch bệnh.

Theo lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An, việc xử phạt đối với trường hợp vứt khẩu trang không đúng nơi quy định đến thời điểm này chưa làm được. Cái khó khăn ở đây là quá trình người dân sử dụng khẩu trang rồi vứt nên không giám sát được cho nên để xử phạt được là vấn đề khó. 

Ngay tại các khu vực, điểm cách ly phòng chống COVID-19 tập trung với những trường hợp là F1, việc xử lý khẩu trang y tế nói riêng, rác thải y tế nói chung vẫn đang có sự khác biệt. Điển hình như ở huyện Diễn Châu, nơi có hơn 70 F1, gần 300 F2 đang thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại nhà.

Hiện ở điểm cách ly tập trung F1 thì xử lý rác thải y tế theo hình thức thu gom rồi đốt; đối với các trường hợp cách ly tại nhà thì rác thải y tế vẫn để lẫn với rác thải sinh hoạt. Trong bối cảnh hiện nay thì đây cũng là nguy cơ khiến dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát, lây lan.

Ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, đối với các điểm là khu cách ly, hiện tại đã thành lập các tổ thực hiện công việc xử lý rác thải. Hàng ngày thực hiện thu gom, phân loại và xử lý tại chỗ. Đối với rác thải y tế sau khi thu gom sẽ xử lý bằng cách đốt, còn rác thải sinh hoạt bình thường sẽ thực hiện chôn lấp và phun hóa chất khử khuẩn để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Để đảm bảo vệ sinh phòng dịch, mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Y tế Nghệ An cũng đã ban hành công văn chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị thực hiện việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 tại các khu vực, điểm cách ly, trong đó có xử lý khẩu trang y tế.

Rác thải khẩu trang y tế ảnh hưởng tới môi trường thế nào?

Do tính chất của khẩu trang y tế là chỉ dùng một lần rồi bỏ nên trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm triệu chiếc khẩu trang bị thải loại. Điều này lại gây vấn nạn về rác thải khẩu trang gây ô nhiễm môi trường.

Theo một cuộc điều tra gần đây của tổ chức bảo vệ môi trường Oceans Asia, tại vùng đảo Lantau của Hong Kong vốn ít có du khách đến thăm, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 70 chiếc khẩu trang vứt bỏ trên đoạn bãi biển có chiều dài chưa đầy 100 mét.

Điều này rất nguy hiểm cho các loài động vật biển, nếu khẩu trang bị trôi xuống biển, các loài cá heo, rùa biển sẽ nuốt phải vì ngỡ là thức ăn. Khẩu trang sẽ làm tắc đường hô hấp hoặc tiêu hóa và làm chúng chết vì ngạt thở hoặc đói. Trong khi đó khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền nên rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. 

Trung Quốc và cả thế giới đang đối mặt với lượng rác thải khẩu trang y tế khổng lồ. Ở Trung Quốc, những người dân đang sinh sống ở các vùng đã có ca nhiễm virus COVID-19, chính quyền bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường. Do đó, có ít nhất hàng chục triệu chiếc khẩu trang dùng một lần đã bị thải bỏ mỗi ngày tại nước này.

Các loại khẩu trang y tế hiện nay không có khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm. Sau khi dùng một lần và bỏ đi, chính các khẩu trang thải bỏ này lại là nơi phát sinh nguồn bệnh vì các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong lớp sợi của khẩu trang.

Khẩu trang đã dùng cho người nhiễm bệnh và lực lượng y tế được một số nước xếp vào loại rác thải y tế độc hại phải được đốt bỏ chứ không đưa ra bãi rác.

Hiện nay, vấn đề dịch bệnh đang lây lan khắp thế giới đang là mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia, nên chưa có tổ chức nào tiến hành khảo sát xem đã có bao nhiêu chiếc khẩu trang y tế đã bị thải bỏ từ khi xảy ra dịch bệnh.

Trọng lượng bình quân của một chiếc khẩu trang y tế 3 lớp khoảng 30g, nếu dựa trên ước tính khiêm tốn mỗi ngày có 100 triệu chiếc khẩu trang y tế 3 lớp thải bỏ thì mỗi ngày có 300 tấn rác thải loại này (9.000 tấn/tháng), một con số không nhỏ chút nào và lại mang đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, người nào xả rác thải (bao gồm cả khẩu trang y tế đã qua sử dụng) không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên 7 triệu đồng nếu vứt rác thải y tế ở nơi công cộng hoặc vào hệ thống thoát nước và cống rãnh của đô thị.

Theo VietQ