Rằm tháng 7: Đồ ăn chay, đồ phong thủy ‘cháy hàng’

Trước ngày Rằm tháng 7, nhiều cửa hàng phục vụ đồ ăn chay tại nhà phải từ chối đặt hàng của khách do quá tải. Cùng với đó, những cửa hàng bán đồ phong thủy cũng được

Nhiều cửa hàng chay từ chối khách đặt cỗ do quá tải

Rằm tháng 7 có ý nghĩa rất quan trọng trong Phật giáo. Đây là ngày Lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ, là dịp để xá tội vong nhân. Vì vậy, nhiều gia đình thường thay vì cúng cỗ mặn như nhiều ngày Rằm khác trong năm như Rằm tháng Giêng, Rằm Trung thu… mà thực hiện việc cúng cỗ chay. So với làm cỗ mặn, việc làm một mâm cỗ chay thường đòi hỏi mất rất nhiều thời gian.

Vậy nên, thay vì việc làm cỗ, các gia đình thường đặt trước từ các cơ sở chuyên làm đồ chay, nhà hàng. Tuy nhiên, năm nay, Rằm tháng 7 rơi vào dịp đầu tuần sau kì nghỉ lễ. Thế nên, nhiều gia đình không kịp chuẩn bị đồ, thời gian làm cỗ chay.

Chính vì vậy, đây có thể là một phần nguyên nhân khiến cho thị trường đặt cỗ chay quá tải. Nhiều nhà hàng, cơ sở làm cỗ chay cho biết, họ đã phải từ chối khách đặt từ ngày 10 Âm lịch.

Rằm tháng 7: Đồ ăn chay, đồ phong thủy ‘cháy hàng’

 Nhiều nhà hàng làm cỗ chay đang tất bật với những đơn hàng để trả khách cúng Rằm tháng 7 - Ảnh Lê Mậu Sỹ.

Theo chị Phạm Thị Bình, chủ một cơ sở làm cỗ chay trên đường Định Công Thượng (Hoàng Mai – Hà Nội), Rằm tháng 7 năm nay, nhu cầu đặt cỗ chay của mọi người tăng cao hơn những năm trước.

Dịp này, cơ sở của chị chỉ nhận khách quen và những người được khách quen giới thiệu. Từ ngày 10 Âm lịch, cơ sở nấu cỗ chay của chị đã phải tắt điện thoại hotline để từ chối khách đặt cỗ chay.

“Thường thì gia đình tôi vẫn làm cỗ chay phục vụ mọi người ngày mồng 1 và Rằm hàng tháng. Tôi có hẳn một trang đặt hàng Online trên mạng xã hội. Tuy nhiên, dịp tháng 7 năm nay với lượng khách đặt hiện giờ đã lên hơn 800 mâm cỗ.

Để chuẩn bị hơn 800 mâm cỗ chay này chúng tôi phải mất khoảng rất nhiều thời gian để làm nguyên liệu cho đến khâu chế biến. Vậy nên, cơ sở của tôi đã phải thông báo ngừng nhận đặt hàng từ ngày 10 Âm lịch. Chưa bao giờ con số đặt hàng lại lớn như năm nay.

Cơ sở của chúng tôi huy động nhân viên làm việc suốt cả những ngày nghỉ lễ. Bởi khách hàng bắt đầu cúng Rằm từ ngày 13 Âm lịch. Thế nên, chúng tôi phải chuẩn bị cỗ để trả khách. Làm đồ chay mất nhiều thời gian hơn làm cỗ mặn”, chị Bình cho biết.

Theo chị Bình thì các món ăn chay chủ yếu được làm từ các loại đậu, đỗ, bột mì, các loại nấm và rau củ quả. Một số đồ phụ gia như nước mắm chay, rong biển khá là đắt đỏ và phải đặt trước nhiều ngày mới có.

Giá một mâm cỗ chay đầy đủ dao động khoảng 1 triệu – 1,5 triệu đồng. Bình thường, mọi người chỉ đặt cỗ chay giá từ 300 – 500 đồng/mâm với những món truyền thống như xôi, giò chay, thịt gà chay, rau củ quả luộc, canh chay, các loại bánh để cúng gia tiên.

Rằm tháng 7: Đồ ăn chay, đồ phong thủy ‘cháy hàng’

Nguyên liệu làm đồ ăn chay chủ yếu từ nấm, đậu và các loại rau củ ... - Ảnh Lê Mậu Sỹ. 

Còn tại Nhà hàng chay An Yên, ngoài những món ăn chay truyền thống thì nhà hàng có thêm các món chay theo phong cách từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Giá thành của những món ăn chay này khá đắt đỏ, từ 200.000 – 500.000 đồng/món.

“Khách hàng mà nhà hàng chúng tôi hướng đến dịp này là thực khách ngoại quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đang sinh sống tại Việt Nam.

Hầu hết các món ăn chay chúng tôi làm đềm mang đậm hương vị của mỗi nước để những người xa quê làm việc tại Việt Nam cũng cảm nhận được không khí và hương vị Lễ Vu Lan nơi mình sinh ra.

Với chiến lược Marketing quảng bá từ đầu tháng 7 Âm lịch, hiện tại, lượng khách đặt bàn ăn tại nhà hàng vào ngày Rằm đã hết chỗ. Khách đặt cỗ giao tận nhà tăng hơn 8 lần so với những ngày mồng 1, Rằm các tháng trước.

Do nguồn nguyên liệu có những món ăn phải nhập từ nước ngoài nên nhà hàng chúng tôi đã từ chối nhận khách từ ngày 12 Âm lịch”, Anh Lý Phi Hùng, Phó giám đốc nhà hàng cho biết.

Vật phẩm phong thủy “đắt như tôm tươi”

Tháng 7 Âm lịch không chỉ là tháng Vu Lan báo hiếu mà dân gian còn gọi là tháng cô hồn, tháng của người âm. Vậy nên, các cửa hàng phong thủy cũng được dịp hút khách nhờ bán các vật phẩm trừ tà như vòng tay bằng dâu tằm, đá phong thủy, cây phong thủy …

Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, chủ một cửa hàng phong thủy tại phố Huế (Hà Nội) thì vật phẩm phong thủy bán chạy nhất trong tháng 7 Âm chính là vòng dâu tằm. Đặc biệt, loại vòng dâu tằm dành cho các em bé được hầu hết các bố mẹ mua cho con đeo để trừ tà. Nhất là các em bé từ sơ sinh đến 8 tuổi.

“Mỗi ngày, cửa hàng của tôi cũng bán được hơn 200 chiếc vòng đeo tay bằng cây dâu tằm. Giá mỗi chiếc vòng khoảng 200.000 đồng tùy loại. Bên cạnh đó, các loại đá phong thủy theo mệnh, theo 12 con giáp cũng là mặt hàng bán chạy. Nhờ tháng cô hồn mà doanh thu từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 đã cao gần gấp 2 lần so với những tháng trước đó”, anh Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, anh Dũng cho biết thêm, cuối năm cũng là dịp các doanh nghiệp thường mua vật phẩm phong thủy để mang ý nghĩa may mắn. Vậy nên, các vật phẩm phong thủy như tỳ hưu, cóc ngậm tiền, thuyền buồm, đàn ngựa … cũng bán rất chạy. Giá của mỗi vật phẩm phong thủy này không hề rẻ, thấp nhất cũng từ 1 triệu/vật phẩm tùy kích thước.

Tại nhiều cửa hàng phong thủy trên phố Xã Đàn nhiều mặt hàng phong thủy còn rơi vào tình trạng “cháy hàng” do lượng khác đặt, mua khá lớn.

Rằm tháng 7: Đồ ăn chay, đồ phong thủy ‘cháy hàng’

Vòng dâu tằm là một trong những mặt hàng bán rất chạy trong tháng cô hồn - Ảnh Mạnh Dũng. 

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Huy Hoàng, vật phẩm phong thủy có ý nghĩa rất quan trọng trong mỗi doanh nghiệp. Cuối năm, đây là dịp mà các doanh nghiệp bắt đầu thu hồi thành quả sau một năm đầu tư, làm ăn.

Các vật phẩm phong thủy mang ý nghĩa tài lộc, giữ tiền như cóc ngậm tiền, đồng tiền hoa mai hay tì hưu là những vật phẩm phong thủy mà các doanh nghiệp nên mua để trong két sắt.

“Nếu các doanh nhân muốn con đường làm ăn thuận lợi và thăng tiến thì nên mua vật phẩm phong thủy là thuyền buồm, đàn ngựa, cây sáo… để trên bàn làm việc”, chuyên gia Hoàng tư vấn.

Hoàng Dương

Theo VietQ