Rau sống, rau thủy sinh: 'Kẻ tiếp tay' cho bệnh sán lá gan lớn

Người bị nhiễm bệnh sán lá gan thường có thói quen ăn sống các loại rau thủy sinh, đồ chưa nấu chín hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán. Từ đó sán đi vào cơ thể theo đường tiêu hóa và khu trú thường là ở gan tạo nên các ổ áp-xe gan.

Bệnh nhân V.Đ.K (37 tuổi, ở Hà Nội) bị gout cấp đang uống thuốc điều trị nên đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC kiểm tra sức khỏe định kỳ. Quá trình kiểm tra thấy một vài chỉ số bất thường, nhưng bằng kinh nghiệm dày dặn của chuyên gia truyền nhiễm có trên 40 năm kinh nghiệm, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Chuyên khoa Gan mật đã giúp bệnh nhân bất ngờ phát hiện trong người nhiễm ký sinh trùng này, trong khi không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào.

Theo lời kể, bệnh nhân V.Đ.K có ăn rau sống vài lần nhưng ăn ít, bệnh nhân không đau mạn sườn phải và không sốt. Với triệu chứng rất nghèo nàn đó, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC kiểm tra khỏe định kỳ bệnh goute. Do hình ảnh siêu âm tình cờ phát hiện tổn thương gan ở phân thùy VIII do sán lá gan và kết quả xét nghiệm có bất thường gồm: Kết quả tổng phân tích máu có công thức bạch cầu: Tỷ lệ % bạch cầu ái toan 51%, tức tăng rất cao (bình thường từ 2-11%). Xét nghiệm máu tìm sán lá gan lớn theo phương pháp ELISA cho kết quả kháng thể IgG: dương tính.

rau-song-rau-thuy-sinh-ke-tiep-tay-cho-benh-san-la-gan-lon

 PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, Chuyên khoa Gan mật, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Chia sẻ ý nghĩa xét nghiệm tìm sán lá gan lớn, PGS Ngọc nhấn mạnh: Xét nghiệm tìm sán lá gan bằng phản ứng ELISA tuy đơn giản, nhưng cho kết quả chính xác. Bởi vì khi sán xâm nhập nhu mô gan chúng tiết ra nhiều kháng nguyên nhất, 2 tuần sau bắt đầu xuất hiện kháng thể (IgG và IgE), nếu thực hiện phản ứng ELISA sẽ dương tính.

Từ kết quả chẩn đoán mắc bệnh sán lá gan lớn, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa MEDLATEC đã có những biện pháp can thiệp kịp thời, góp phần rút ngắn thời gian và mang lại hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

PGS Ngọc cho biết người bị nhiễm bệnh sán thường có thói quen ăn sống các loại rau thủy sinh (rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong...), ăn các đồ chưa nấu chính như gỏi, tiết canh, hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán. Từ đó, sán đi vào cơ thể theo đường tiêu hóa và khu trú thường là ở gan tạo nên các ổ áp-xe gan.

Với thói quen ăn đồ tái, ăn kèm rau sống của người dân Việt Nam đã làm gia tăng số người nhiễm sán lá gan lớn. Vì vậy, để phòng bệnh, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc khuyến cáo những biện pháp ngăn ngừa nhiễm sán lá gan. Cụ thể, không ăn cá chưa nấu chín như: gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín dưới mọi hình thức nào; không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không ăn gan sống. Vệ sinh phòng bệnh: ăn chín, uống chín, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước. Định kỳ tẩy giun sán 6 tháng 1 lần.

Theo VietQ