Rèn con theo cách "để mặc cho khóc" có ngày ân hận

Có không ít bậc phụ huynh tin rằng, nếu “để mặc cho con khóc” thì đứa trẻ sẽ tự nín, đây cũng là cách để đứa trẻ từ bỏ được thói quen làm nũng, ăn vạ nhưng gần đây đã có trường hợp tím tái, bất tỉnh vì khóc quá lâu phải nhập viện.

Rèn con theo cách

Những trẻ quá nhạy cảm, cơn gào khóc ấy có thể dẫn đến tình trạng tím tái, co giật hay những phản ứng xấu. Ảnh: TL

Suýt mất con vì “để mặc con khóc”

Mới đây, trên mạng xã hội một ông bố đã chia sẻ về trường hợp trẻ khóc hờn tới mức tím tái, co giật phải nhập viện. Theo chia sẻ của người bố, khi anh đang nấu cơm dưới bếp thì con trai chạy vào mách bố rằng bé bị chị trêu. Vừa bận lại muốn dạy con theo cách "để mặc con khóc" nên anh mặc kệ. Bé sau đó vẫn khóc lớn và chỉ ít phút sau có hiện tượng co giật, mặt dần chuyển sang tím ngắt dưới sàn. Gia đình vội vàng đưa bé vào viện.

Cũng như ông bố trên, nhiều bậc cha mẹ hiện cũng có quan điểm trong việc nuôi dạy con mỗi khi con khóc là hãy mặc kệ chúng, “khóc chán rồi nín” chứ không dỗ dành. Đa phần mọi người cho rằng, càng dỗ dành trẻ càng hư, càng khó bảo. Luyện tập như vậy một thời gian, trẻ sẽ quen và không còn quấy khóc nữa.

Thậm chí nhiều mẹ còn tập ngủ cho bé sơ sinh bằng cách để mặc cho con khóc, sau đó con sẽ tự ngủ. Họ coi đó là một cách để dạy con tự lập từ nhỏ, giúp trẻ sau này trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn, cũng như cách để từ bỏ được thói quen làm nũng, ăn vạ.

Tuy nhiên, liệu cách này có thực sự hiệu quả? Chuyên viên tâm lý Lê Khanh, Phòng tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em (TP HCM) cho biết, trẻ khóc có nhiều nguyên nhân. Trẻ khóc thường là để thông báo rằng bé bị đau, bị ngứa, khó chịu, sợ, buồn hoặc là bị bệnh, hay đói, khát, lạnh… đó là những lý do chính đáng.

Còn có những trẻ khóc mè nheo, ăn vạ…“tuyệt chiêu” được nhiều người chia sẻ, hướng dẫn biện pháp đối phó đó là làm ngơ, tỏ ra không quan tâm đến trẻ một cách cương quyết. Song đây chỉ là “chiêu khởi động” cho một loạt các biện pháp sau đó. Nhiều cha mẹ không để ý, cứ bỏ mặc trẻ muốn gào khóc thế nào tùy ý. Kết quả là có những trẻ quá nhạy cảm, cơn gào khóc ấy có thể dẫn đến tình trạng tím tái, co giật hay những phản ứng xấu. Khi đấy, cha mẹ sẽ thành nạn nhân của chính biện pháp của mình.

Với hiện tượng trẻ khóc tới mức tím tái người thậm chí xuất hiện co giật sau, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, đó là bình thường. Hiện tượng này chỉ thoáng qua sau khi ôxy trong máu xuống thấp sẽ kích vào não phải thở, thanh quản của trẻ mở ra trẻ sẽ khóc to và tự thở lại. Trẻ sẽ tự hết co giật và sức khỏe lại trở lại bình thường với những trẻ không có bệnh lý nền như não, tim mạch… Những trẻ có bệnh lý, khi khóc xuất hiện tím tái rất nguy hại cần phải lưu tâm.

Cha mẹ đừng nhầm lẫn giữa việc dạy con tự lập và bỏ mặc con khóc mà bỏ mặc con hoàn toàn. Giáo dục sớm không phải là bỏ mặc mọi nhu cầu của trẻ, bắt trẻ phải học cách tự dỗ nín. Điều này không giúp trẻ phát triển đức tính tự lập, có chính kiến. Việc phớt lờ tiếng khóc của trẻ trong một thời gian dài cũng có thể tác động đến tâm lý của trẻ.

Một nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi các nhà thần kinh học còn cho thấy, trẻ khóc trong thời gian dài vài tiếng đồng hồ sẽ tăng hormone stress như cortisol là loại hormone rất nguy hại đến não bộ của trẻ.

Làm gì khi trẻ gào khóc, ăn vạ?

Chuyên viên tâm lý Lê Khanh cho rằng, việc để mặc cho trẻ khóc do những đòi hỏi vô lý mà mẹ không đáp ứng, nuông chiều là đúng nhưng chưa đủ. Đó chỉ là bước 2 trong một chuỗi các bước phải vận dụng. Theo đó, bước 1: Khi trẻ bắt đầu ăn vạ thì lùi ra; Bước 2: Bỏ mặc một thời gian ngắn; Bước 3: Là đánh lạc hướng để thu hút trẻ vào các hoạt động khác mà trẻ có hứng thú; Bước 4: tác động nhẹ nhàng, vỗ lưng, cho uống nước để trẻ “hạ hỏa”. Chứ không phải cứ để mặc với hy vọng là trẻ khóc chán rồi thì thôi.

Ngược lại, cũng không nên bế dỗ ngay, trừ khi biết chắc là trẻ khóc, kêu vì các nguyên nhân chính đáng như khó chịu vì ốm, lo sợ… Nếu trẻ bị vấp té vì mải chơi, bị đau vì chạy va đầu vào cạnh bàn… cha mẹ không nên tỏ ra hốt hoảng, chạy đến ôm ấp suýt xoa. Bởi chính hành động này sẽ là nguyên do dẫn đến sự bật khóc, thậm chí là gào khóc ngay và luôn, vì trẻ thấy rằng đã thu hút được sự chú ý của mẹ.

Bạn hãy xem phản ứng của trẻ, đôi khi trẻ sẽ tự đứng lên hay xoa đầu mà không có thêm phản ứng gì, nếu như thế thì cứ bỏ qua và trẻ cũng sẽ quên luôn. Nếu trẻ bắt đầu bật khóc, bạn không nên chạy lại để “đánh” cái sàn vì làm trẻ ngã, hay “phạt” cái bàn vì làm trẻ đau. Đó là sự đổ thừa mà trẻ sẽ mau chóng tiếp thu và sẽ áp dụng sau này cho các lỗi lầm của mình.

Theo chuyên gia Lê Khanh, thực ra, việc trẻ gào khóc chỉ để lại một kinh nghiệm cho trẻ là phải gào khóc thì bố mẹ mới quan tâm đến mình và gào khóc càng lớn sự quan tâm sẽ đến càng nhanh. Ngay khi trẻ bắt đầu có sự đòi hỏi, nhõng nhẽo thì chúng ta phải nhẹ nhàng quan tâm và tạo cho trẻ sự vui vẻ nhưng lại có thái độ cương quyết từ chối các yêu cầu. Đồng thời, chuyển hướng ngay sự chú ý của trẻ sang vấn đề khác.

Nếu trẻ cứ nằng nặc đòi hỏi, lúc đó mới bắt đầu tiến hành các biện pháp can thiệp theo từng bước một, không để cho trẻ có cơ hội kéo dài quá lâu tình trạng gào khóc, có khả năng đưa đến những phản ứng quá khích, tiêu cực. Còn với những trẻ hay nhõng nhẽo, thường xuyên ăn vạ thì cần phải quan tâm đến tính cách, năng lực và sở thích của trẻ, để dựa vào đó tiến hành những biện pháp dài hơi hơn để trị liệu cho trẻ bỏ dần thói quen này, không tạo thành tính cách xấu khi trẻ lớn lên.

 

 

Trẻ sơ sinh khóc vật vã, gia đình cần phải lưu tâm

Với trẻ sơ sinh khóc vật vã là một vấn đề khác. Trẻ chưa biết nhõng nhẽo, ăn vạ nhưng hay khóc vật vã, oằn người cần phải xem xét dưới nhiều góc độ từ vấn đề sức khỏe, có thể có bệnh hay khó tiêu…cho đến các rối loạn về tâm lý khiến trẻ lo âu, sợ hãi.

Với trẻ trên một tuổi bắt đầu có khả năng gào khóc để ăn vạ, gọi là gào khóc có chủ đích, có sự dẫn dắt của cảm xúc. Có những trường hợp gào khóc một cách “bất thường” và hay diễn ra dù không có lý do gì chính đáng cần phải quan tâm vì có thể là những biểu lộ của những rối nhiễu tâm lý mà trẻ đang mắc phải.

(Theo Chuyên gia tâm lý Lê Khanh)

Theo GiaDinh