Rợn tóc gáy với thuốc đông y trôi nổi

TP - Thuốc đông dược lậu, kém chất lượng có thể khiến người bệnh bị tổn thương gan, nhiễm độc, thậm chí tử vong... đang len lỏi vào các bệnh viện công.

Thuốc đông dược tràn lan tại xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội).

Tràn lan đông dược lậu

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hầu như tuần nào cũng có trường hợp ngộ độc thuốc đông y nhập viện. Khi đến Trung tâm, mức độ nhiễm độc của bệnh nhân thường rất nặng: tổn thương gan, viêm gan do nhiễm độc, suy thận vô niệu,... đa phần phải tiến hành lọc máu. 

Đơn cử, bệnh nhân Trương Văn H, 60 tuổi, quê ở Bắc Ninh, bị bệnh tăng huyết áp, sử dụng đông dược cho mát và bổ. Sau hơn 1 năm sử dụng, ông H. phải nhập viện trong tình trạng suy tim rất nặng. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, tháng nào khoa cũng nhận 2-3 bệnh nhân ngộ độc thuốc đông -nam dược. Nhiều trường hợp sử dụng thuốc kéo dài khiến thuốc ngấm dẫn đến suy gan nặng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Bùi Văn Khôi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội cho biết, bệnh viện luôn có 2 công ty cung cấp dược liệu, để đảm bảo nguồn hàng đầy đủ, chất lượng, giá tốt nhất. Tất cả hàng đông dược khi nhập vào đều phải có chứng nhận C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hoá) và C/Q (chứng nhận chất lượng tiêu chuẩn). Đối với thị trường đông dược hiện nay, BS Khôi nhận định: Có tới gần một nửa là hàng giả, hàng kém chất lượng. Nếu không phải trong nghề thì khó có thể phân biệt được thật giả.

Sau khi Tiền Phong phản ánh tình trạng “bát nháo” trên thị trường thuốc đông dược trong bài: “Thả nổi chợ đầu mối đông dược Ninh Hiệp”, cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển, tàng trữ đông dược nhập lậu. Gần nhất ngày 25/4, Đội Quản lý thị trường số 8, Chi Cục QLTT Hà Nội phát hiện gần 300kg thuốc đông y không giấy tờ tại tổ 8, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. 

Trước đó ngày 23/4, Đội QLTT số 4 đã phát hiện xe tải vận chuyển hơn 100 bao tải lớn tương đương khoảng 6 tấn rễ, vỏ cây, trong đó có các loại nguyên liệu thuốc bắc như: Ngọc trúc, đại hoàng, đỗ trọng, tam thất… Chủ số hàng khai nhận, nguyên liệu thuốc bắc mua từ Trung Quốc với giá 5.000 đồng/kg, sau đó thuê vận chuyển về Hà Nội để bán lại kiếm lời. Tuy vậy, đó chỉ là những con số rất nhỏ vi phạm phát hiện được.

Xử lý nghiêm

Thời gian qua, người bệnh cả nước đã bị “sốc” trước thông tin một công ty bị phát hiện hàng loạt sai phạm trong sản xuất, cung ứng dược liệu đông y cho hàng loạt bệnh viện Y học cổ truyền ở các tỉnh thành. Cụ thể, Liên doanh Hòa Phú - Thiên Ân Dược đã trúng gói thầu Mua dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền năm 2013 (gói thí điểm) thuộc Dự án Thuốc y tế năm 2013 của 26 bệnh viện, gồm: Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM (BVYHCT), Viện Y Dược học dân tộc, 10 bệnh viện đa khoa thành phố, 14 bệnh viện đa khoa quận, huyện.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế về tình hình vi phạm về chất lượng đối với công tác quản lý, sử dụng dược liệu tại các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, qua kiểm tra một số bệnh viện do cơ sở Hòa Phú cung cấp thì năm 2013: 25/31 mẫu không đảm bảo chất lượng (tỷ lệ 80,6%); năm 2014: 15/29 mẫu không đảm bảo (tỷ lệ 51,7%); năm 2015: 16/27 mẫu được lấy không đạt chất lượng (tỷ lệ 59,3%). Đoàn kiểm tra còn phát hiện Cty Hoà Phú có hành vi sử dụng giấy tờ giả để chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Không chỉ dừng lại ở đó, Cty Hòa Phú còn mượn danh Cty TNHH Thiên Ân Dược (một trong những đơn vị cấp phép nhập khẩu thuốc lớn) để liên danh dự thầu. Trao đổi với phóng viên, đại diện Cty Thiên Ân Dược bức xúc: Chúng tôi chỉ cung cấp hàng cho Cty Hòa Phú một lần vào năm 2013. Khi được Cục Quản lý dược thông báo về những khuất tất trong giao dịch của Hoà Phú, chúng tôi đã ngừng mọi hoạt động mua bán với công ty này.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền cho biết, đơn vị chỉ có chức năng phát hiện và thông báo với các Sở Y tế địa phương, việc xử lý phải do Sở Y tế địa phương thực hiện. Lãnh đạo Cục cũng nêu quan điểm: Phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp cố tình vi phạm trong việc giả nguồn gốc, kinh doanh dược liệu không đảm bảo chất lượng, để đảm bảo người dân được tiếp cận với đông dược “sạch”.  

Theo TP