Rùng mình, sởn gai vì cứ ra ngõ gặp... con nghiện đói thuốc: Muốn đi cai nghiện cũng khó!

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM không đưa được một người nghiện ma túy nào vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Vì theo quy định hành chính mới, chỉ tòa án mới được ra phán quyết này. Và cũng phải phải qua nhiều cơ quan chức năng phối hợp... 

Rùng mình, sởn gai vì cứ ra ngõ gặp... con nghiện đói thuốc: Muốn đi cai nghiện cũng khó

Học viên tại TT Điều dưỡng và Cai nghiện Thanh Đa

Luật cứ thay đổi rối rắm khiến việc xử lý các đối tượng nghiện ma túy phức tạp hơn. Con nghiện không bị chế tài, nhởn nhơ ngoài xã hội gây nguy hiểm, lo lắng cho người dân.

Lên cơn, gây tai họa

Đầu tháng 4/2014, Tô Minh Nhật Hải (33 tuổi, trú P.4, Q.10) lên cơn nghiện, đòi ra khỏi nhà nhưng mẹ ruột là bà Phạm Thị Hòa (63 tuổi) chốt cửa can ngăn không cho ra. 

Sau một lúc cự cãi, Hải vơ lấy con dao truy sát mẹ. Anh trai Hải đang trên lầu vội chạy xuống lao vật lộn với em. Dù bị thương bà Hòa cố chạy tới can ngăn hai con và bị Hải đâm dao khiến tử vong. 

Theo gia đình, bình thường, Hải rất hiền lành nhưng khi lên cơn nghiện là chửi bới, la mắng và đe dọa hành hung người trong gia đình nếu không cho tiền.

Trước đó không lâu, con nghiện Nguyễn Quang Mạnh đột nhập chung cư Nguyễn Kim, gây thương tích cho chị Lê Thị Hồng Liên, cướp 400 nghìn đồng. Mạnh tiếp tục dùng dao nạy cửa, đột nhập vào một hộ khác để trộm. 

Chị Lê Mỹ Nguyệt (SN 1997) phát hiện, tri hô nên bị Mạnh đâm vào ngực chị, khiến lưỡi dao bị gãy. Sau đó, Mạnh chạy vào bếp lấy một con dao khác đâm tới tấp vào người chị Nguyệt khiến nạn nhân gục chết tại chỗ.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ trọng án gây hậu quả đau lòng do con nghiện gây ra khiến việc quản lý đang trở thành vấn đề bức bách. 
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Thanh Đa TPHCM phân tích: Việc cai nghiện không nên thực hiện tại nhà vì người nghiện thường dễ có những hành vi hung hăng bộc phát khi lên cơn thiếu thuốc. 

Cai nghiện không chỉ đơn thuần là cắt cơn mà còn phải phục hồi nhận thức, hành vi, nhân cách, giải quyết những chấn thương tâm lý, mâu thuẫn nội tâm thông qua các biện pháp và đòi hỏi phải có một liệu pháp tổng hợp, xuyên suốt, khép kín, kịp thời. 

Vì vậy việc cai nghiện ở nhà rất khó đánh giá hiệu quả, rất khó ngăn chặn tái nghiện. Đặc biệt nguy hiểm là khi người nghiện lên cơn, không có phương pháp khoa học, bản thân người nghiện không kiềm chế được hành vi sẽ trở thành một mối nguy hại cho xã hội.

Rùng mình, sởn gai vì cứ ra ngõ gặp... con nghiện đói thuốc: Muốn đi cai nghiện cũng khó

Con nghiên cướp giật bị bắt ở TP.HCM. Ảnh: TL

“Tình thực ở nhà rất khó cắt được cơn nghiện. Làm phiền lụy nhiều người lắm. Nhưng muốn đi cai nghiện bây giờ không dễ”- anh Nguyễn Hữu Tr., một người sử dụng ma túy có thâm niên ở P.6, Q.8 nói. 

Anh Tr. sử dụng ma túy đã 5 năm nay. Nhiều nỗ lực và có sự động viên lớn của gia đình nhưng không thể nào dứt bỏ hẳn. Hoàn cảnh gia đình quá nghèo, không thể đi cai nghiện tự túc. 

“Nhiều lúc nghĩ chỉ còn cách bị công an bắt trong lúc chích ma túy để được đi cai nghiện” - anh trải lòng.

Con nghiện nhở nhơ vì luật rối rắm

Tại xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, một địa bàn ma túy trọng điểm của TP.HCM. Việc con nghiện nhan nhản sử dụng ma túy công khai tại các tụ điểm công cộng khiến người dân bất an từng ngày. 

Theo Cục phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐTBXH, hiện nay cả nước chỉ có 180.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Con số này là quá ít so với số lượng con nghiện thực tế.

Trung tá Nguyễn Hữu Tài, trưởng công an xã Bà Điểm than thở: “Trước đây công an bắt quả tang con nghiện có quyền đưa thẳng vào trung tâm cai nghiện. Bây giờ quy định khác đi, con nghiện nhờn luật”. 

Ông cho biết, trước đây mỗi năm công an trực tiếp đưa khoảng 30 đối tượng vào trại cai nghiện. Từ đầu năm đến nay, không đưa được người nào.

Ông Trần Lê Huy, Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Hóc Môn thì khẳng định, cả huyện cũng chưa đưa được trường hợp nào vào trại cai nghiện bắt buộc. 

“Ngay cả toàn thành phố cũng chưa đưa được trường hợp nào đi cai nghiện bắt buộc” - ông Huy nói. Thậm chí, tình trạng chung đang phổ biến trên khắp cả nước. 

Nguyên nhân chính là do nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, áp dụng từ ngày 15.2. 

Cụ thể, khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, công an cấp xã lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ rồi gửi phòng LĐ-TB&XH cùng cấp. Phòng LĐ-TB&XH phải bút lục và gửi hồ sơ cho TAND cấp huyện. Tòa án mới được ra quyết định đưa người đi cai nghiện.

Tổng cộng có đến 4 khâu thủ tục mới ra được một quyết định. Trong khi cán bộ các ngành còn rất bối rối vì nghị định thiếu hướng dẫn cụ thể thì việc phối hợp liên ngành gần như bỏ không. 

Hậu quả là luật đã có thời hiệu nhưng hơn 6 tháng qua không có tính thực tế. Trong khi các cơ quan ban ngành mãi đau đầu nghiên cứu thì con nghiện nhởn nhơ gây họa cho xã hội.

“Xử lý con nghiện theo kiểu hành chính rắc rối như vậy là không cần thiết. Càng chậm trễ thì càng gây tác hại cho xã hội” - ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP.HCM bức xúc. Theo ông Quân, đối với đối tượng nghiện ma túy, cần xử lý hình sự trước thay vì theo thủ tục nhiêu khê như hiện nay.

Kiến Giang (MTG)