Rượu ngâm chuột "bao tử": thuốc tiên?

Chuột "pinky" (chuột "bao tử") là thức ăn của nhiều thú cưng, nhưng gần đây được quảng cáo là nguyên liệu đặc biệt cho món... "rượu chuột" bổ dưỡng.

Trong vai một khách hàng hiếu kỳ với thức uống lạ, chúng tôi được nhân viên của cửa hàng chuyên cung cấp chuột “pinky” tại Cầu Giấy (Hà Nội) hướng dẫn, chỉ cần 100 con chuột “pinky” và một lít rượu là có ngay “tiên dược” đặc biệt tốt cho cơ thể mệt mỏi, gầy yếu cần bồi bổ để tăng cường sức khỏe. “Trong các loại động vật thì chuột có tỷ lệ đạm cao nhất, chuột non vừa sinh ra lại càng bổ và sạch hơn nên được sử dụng như một bài thuốc trong Đông y”, anh này khẳng định.

Thấy chúng tôi ngại chuột mang nhiều dịch bệnh, anh này trấn an: “Chuột “pinky” không phải chuột đồng hay chuột cống mà là chuột bạch, được nuôi để dùng làm thí nghiệm nên không lo nhiễm khuẩn. Loại chuột con này hoàn toàn sống bằng sữa mẹ nên lại càng không bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài”.

Chuột “pinky” có kích thước chỉ bằng ngón tay cái, còn đỏ hỏn. “Vì màu da này mà chúng có cái tên “Tây” là chuột “pinky”, anh nhân viên giải thích thêm. Thông thường, chuột “pinky” được “xuất chuồng” trong tuần đầu sinh ra, do tách mẹ nên chỉ sống được thêm hai-ba ngày. Nếu không bán hết, nhiều cửa hàng sẽ đông lạnh để bán làm thức ăn cho động vật. Muốn làm món rượu chuột, theo hướng dẫn của nhiều chủ hàng thì phải cần chuột còn tươi sống.

Giá mỗi con chuột “pinky” từ 5.000 - 6.000đ. Trên nhiều diễn đàn, món “rượu chuột” được đồn thổi là thức uống số 1 giúp nam giới tăng cường sinh lý, thậm chí bồi bổ cả cho các bà mẹ mang thai… dù hương vị chẳng khác gì… xăng thô.

ruou-ngam-chuot-bao-tu-thuoc-tien
Chuột "pinky" được đem ngâm rượu

TS-BS Phạm Bá Tuyến - Phó giám đốc BV Y học cổ truyền (Bộ Công an) cho biết, “rượu chuột” không phải là món mới lạ gì. Không chỉ Việt Nam, cư dân nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc… đều ăn thịt chuột vì loài vật này có lượng mỡ ít và độ đạm cao. Trong Đông y, những sách cổ của các danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đều ghi rõ, thịt chuột tính ngọt và âm, có tác dụng làm lành vết thương và liền xương gãy.

“Tuy nhiên, việc ăn thịt chuột tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì chúng mang nhiều mầm bệnh như dịch hạch, phó thương hàn, virus Hanta… ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người”, BS Tuyến nhấn mạnh.

Chuột “bao tử” cũng không phải là nguyên liệu lạ trong Đông y, điển hình là món “sâm thử” đã được Từ Hy Thái Hậu (nhà Thanh, Trung Quốc) sử dụng để bồi bổ sức khỏe. Chuột được nuôi bằng nhân sâm và nhiều loại chất bổ khác, gọi là đời F1. Cho F1 sinh sản, người ta tiếp tục nuôi F2 trong môi trường bổ dưỡng như trên, đến thế hệ chuột thứ 3 sinh ra mới được sử dụng làm thức ăn.

Từ Hy Thái Hậu còn thả chuột vào bát nhân sâm, để chuột uống sâm rồi mới ăn. “Sách vở không nói về việc chuột “bao tử” có tác dụng làm tăng cường sinh lý cho phái mạnh, chỉ xem là một món ăn bổ dưỡng. Thật ra, các chất bổ ở đây chính là từ nhân sâm, chuột “bao tử” chỉ như một công cụ để chuyển hóa, cho cơ thể con người dễ hấp thu hơn”, BS Tuyến phân tích.

Chuột là loại động vật chứa đầy nguy cơ với sức khỏe con người nên việc dùng chuột “bao tử” để bồi bổ là rất vô lý, vì chúng không khác gì nhiều động vật khác nhưng lại không đủ an toàn. Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ chuột chủ yếu qua đường nước tiểu và chứa trong gan, nội tạng, nên dù chưa bị nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài, chuột vẫn có thể mắc từ chuột mẹ. Cũng đừng cho rằng chuột bạch là loại an toàn, không có nguy cơ truyền bệnh cho con người. Không chỉ phủ nhận tác dụng của chuột “bao tử”, BS Tuyến còn nhấn mạnh, mọi thông tin cho rượu chuột là thuốc bổ, thuốc tăng cường sinh lý… đều không có căn cứ.

“Trước đây, từng rộ lên phong trào rượu ngâm cây bao báp, rượu ngâm mật bò tót… nhằm cải thiện sinh lực nhưng thực tế đều không có tác dụng. Bản thân rượu đã là chất độc hại, ảnh hưởng tới gan, thận. Nếu người sử dụng cứ chạy theo phong trào thì không những không được bồi bổ mà còn có tác dụng ngược”.

Phùng Ước

PGS-TS Nguyễn Hữu Đức - Trường ĐH Y Dược TP.HCM, bức xúc: “Không có chuyện rượu chuột là bài thuốc đối với những người có nhu cầu bồi bổ, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Quảng cáo như vậy là… tầm bậy, nguy hiểm cho sức khỏe con người”. 

Theo Phunuonline