Sản xuất hàng hóa dồi dào đủ cung ứng nhu cầu tiêu dùng

Với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng Top đầu thế giới như gạo, nông sản, thủy sản, nên nguồn cung các hàng hóa thực phẩm thiết yếu của Việt Nam dồi dào, đủ cung ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Sản xuất lương thực, thực phẩm dồi dào

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm nay diện tích lúa cả năm ước đạt 7,3 triệu ha, sản lượng thóc năm 2020 đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn, dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn.

Về chăn nuôi, dự kiến năm nay, tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019. Mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến thực hiện năm 2020 ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn thịt các loại, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn, thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn. Nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019. Với lượng tổng cung các loại thịt và thủy sản như trên đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cả nước.  

san-xuat-hang-hoa-doi-dao-du-cung-ung-nhu-cau-tieu-dung

Với nguồn cung dồi dào, có thể khẳng định, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Diện tích rau màu khoảng 980 ngàn ha, sản lượng dự kiến đạt 18,2 triệu tấn. Với lượng tiêu thụ trong nước khoảng 14 triệu tấn thì vẫn dư khoảng 4,2 triệu tấn để xuất khẩu.

Mặt hàng rau quả, diện tích rau sản xuất 960 ngàn ha (tương đương năm 2019), sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn (tăng hơn 100 nghìn tấn so với năm 2019); tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Với nguồn cung như trên, có thể khẳng định, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Cam kết đủ lượng hàng hóa đảm bảo nhu cầu người dân

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tại một số doanh nghiệp thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội, doanh thu 2 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Tháng Hai là thời điểm sau Tết nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân tăng nhất là tại các điểm bán hàng của các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại. Lượng khách hàng đến mua sắm tại các siêu thị tăng hơn so với cùng kỳ, hàng hóa mua sắm chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu (thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, mỳ tôm, rau củ).

Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, hiện các hệ thống phân phối trên địa bàn Thủ đô đã tăng cường dự trữ hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo báo cáo của các doanh nghiệp lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch tăng 30% – 40%, các doanh nghiệp đã có phương án triển khai ngay từ đêm ngày 6/3 và sáng sớm ngày 7/3/2020.

Theo báo cáo nhanh của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần ngày bình thường, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội…; hệ thống siêu thị coopmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30%, huy động tăng các cán bộ đi phục vụ 100%; hệ thống BigC lượng hàng tăng từ 30-40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối...; Hàng hóa từ các nơi đã được chuyển về kho dự trữ và các điểm bán của các doanh nghiệp, hàng hóa trên các quầy kệ được bổ sung liên tục, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng TMĐT để phục nhu cầu nhân dân khi phòng chống dịch.

Trên các ứng dụng bán hàng online, theo báo cáo của Công ty An Việt, hiện nay lượng đặt hàng qua sàn thương mại thực phẩm online (ubofood.com) tăng đột biến, công ty cam kết tăng lượng hàng cung cấp đủ lượng hàng hóa đảm bảo nhu cầu của khách hàng.

Đáng chú ý, tại các chợ, do giá cả thực phẩm sau Tết tại các siêu thị ổn định và thấp hơn tại các chợ, nhu cầu mua sắm giảm nên lượng hàng hóa kinh doanh tại các chợ giảm 50 - 70%, doanh thu giảm 50 - 80% so với thời điểm không có dịch (Chợ Đồng Xuân doanh thu giảm 60-80%, nhiều ki ốt đóng cửa, nguồn hàng về chợ gặp khó khăn).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay các hệ thống bán lẻ đều vắng khách hơn trước do khách hàng ngại đến nơi đông người, thương mại truyền thống (chợ truyền thống) chuyển sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến (bán hàng online, giao hàng tận nơi cho khách hàng), doanh thu từ thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng từ 20 -30%.

Bộ Công Thương khẳng định, chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không có hiện tượng đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đấy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo VietQ