Sáng 11/5, số người phải cách ly phòng dịch COVID-19 tăng hơn gấp đôi so với hôm qua

Thời điểm 6h ngày 11/5, cả nước có hơn 25.300 người cách ly. Đây là ngày thứ 25 Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng. Thông tin từ Bộ Y tế sáng 11/5.

Sáng 11/5, Bộ Y tế cho biết không ghi nhận ca dương tính COVID-19, đánh dấu ngày thứ 25 không lây nhiễm trong cộng đồng.

Chúng ta vẫn có 288 người nhiễm COVID-19, trong đó 241 người khỏi bệnh/xuất viện. Trong số 288 ca mắc này có 148 ca là người nhập cảnh, được cách ly ngay, số còn lại là người nhiễm trong cộng đồng.

Hiện có 47 bệnh nhân đang điều trị, đa số sức khỏe ổn định, trong đó 6 ca âm tính lần một, 14 ca âm tính lần hai trở lên.

Về số người cách ly, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 25.361. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 373 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác là gần 11.200 người, số còn lại là cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

sang-11-5-so-nguoi-phai-cach-ly-phong-dich-covid-19-tang-hon-gap-doi-so-voi-hom-qua

Biểu đồ về số người cách ly cho thấy thời điểm 12 giờ qua, ghi nhận sự gia tăng. Nguồn: Bộ Y tế

Liên quan đến sức khỏe của bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất hiện nay là bệnh nhân 91, nam phi công người Anh, Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) đã tính toán đến phương án ghép phổi cho bệnh nhân.

Ngày hôm qua (10/5), các chuyên gia đầu ngành cấp cứu, điều trị tích cực, ghép tim phổi và lồng ngực tại nhiều bệnh viện như Việt Đức, Chợ Rẫy, Bạch Mai, Trung ương Huế, Bệnh nhiệt đới TP HCM... đã có buổi hội chẩn trực tuyến để bàn các phương án cứu chữa bệnh nhân này.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, việc hội chẩn là để đánh giá các yếu tố lâm sàng, cận lâm sàng để cứu chữa bệnh nhân. Trong đó bàn bạc đến phương án ghép phổi, tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn nguy kịch nên vẫn phải tính toán rất kỹ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết nếu có chỉ định ghép phổi thì việc cố gắng tìm được người cho cũng là một thách thức rất khó, thời điểm chỉ định của người nhận cũng rất quan trọng. Do đó, hội đồng chuyên môn đã có những bàn bạc, xem xét, đánh giá rất kỹ lưỡng để có phương án tính toán tiếp theo.

"Các biện pháp dù vất vả, tốn kém, thầy thuốc Việt Nam hết lòng cứu chữa, phục vụ người bệnh", PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định.

Hiện các chuyên gia đang nỗ lực hết sức để cứu chữa nhưng để ghép phổi, các chuyên gia cho rằng phải phụ thuộc vào nguồn tạng tương thích, phải tính toán rất kỹ mới tiến hành ghép.

Theo GiaDinh