Sau Tết đừng tiếc những thực phẩm này vì có thể gây hại sức khỏe

Sau Tết nhiều gia đình vẫn còn dư khá nhiều thực phẩm nhưng không lỡ ném bỏ vì lãng phí nhưng một số thực phẩm sẽ dễ bị hỏng có thể gây hại sức khỏe.

Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết trên báo VnExpress, nhiều người dự trữ thực phẩm ngày Tết nhưng không biết cách bảo quản nên dễ bị hư hỏng như nấm mốc. Trong đó, nguy hiểm nhất là độc tố Aflatoxin trong nấm Aspergillus flavus có thể gây ung thư gan và xơ gan.

Cũng theo bác sĩ Lâm, một khi thực phẩm đã có dấu hiệu nấm mốc phải vứt bỏ, không nên tiếp tục sử dụng. Các loại nấm mốc, vi khuẩn này sẽ không chết dù nấu kỹ. Cạo hay rửa bằng nước có thể không còn nhìn thấy vết nấm mốc nhưng độc tố đã ngấm sâu vào bên trong thực phẩm. Phơi dưới ánh nắng mặt trời cũng không thể loại bỏ hết, chúng chỉ có tác dụng hút bớt độ ẩm và làm khô thực phẩm. 

Theo đó, những thực phẩm dễ bị nấm mốc, hư hỏng nhất sau Tết dưới đây người tiêu dùng nên ném bỏ:

Bánh chưng bị mốc sinh ra độc tố gây hại cho gan

Khi ăn bánh chưng bị mốc dễ bị nhiễm độc tố aflatoxin gây ung thư gan, dạ dày. Độc tố này không thể loại bỏ được bằng nhiệt độ và có thể tích lũy trong cơ thể. Ngoài ra, ăn bánh chưng bị mốc còn gây ngộ độc, nhất là trẻ em.

Sau Tết nhiều thực phẩm dễ bị hư hỏng nên bỏ vì có thể gây hại sức khỏe

Sau Tết nhiều thực phẩm dễ bị hư hỏng nên bỏ vì có thể gây hại sức khỏe 

Mứt Tết hết hạn sử dụng dễ bị nấm mốc tấn công

Mứt Tết là một trong những thực phẩm có hạn sử dụng tương đối ngắn. Việc bóc gói và để ngoài không khí quá lâu cũng khiến chúng dễ bị mốc, hỏng. Tiêu thụ những thực phẩm bị mốc hay quá hạn sử dụng sẽ nguy hại cho sức khỏe. 

Dưa cà muối để quá lâu dễ bị chua và hỏng

Trước Tết nhiều gia đình thường muối dưa, muối cà hay hành củ để ăn chống ngấy. Tuy nhiên, thời tiết nóng như năm này sẽ khiến chúng dễ bị chua và hỏng. Dưa để lên men lâu hay bị chua quá sẽ làm giảm các vi khuẩn có lợi. Thay vào đó, chúng cũng có thể sản sinh ra một số chất gây hại cho cơ thể khi nạp vào. Bởi vậy, bạn nên tuyệt đối tránh ăn những loại dưa, cà đã muối lâu hay bị khú.

Rau, củ, quả để lâu ngày sinh ra nhiều độc tố

Ngày Tết, đa số các gia đình thường lưu cữu các loại rau vào tủ lạnh để ăn trong những ngày Tết nhưng việc bảo quản không đúng cách hoặc quá lâu sẽ khiến cho thực phẩm dễ bị hỏng do thối, mốc và sinh ra nhiều độc tố. Sau tết nhiều rau, củ bị mọc mầm cần loại bỏ như tỏi, khoai tây. Nguyên nhân mọc mầm của hành tỏi thường là do bị ẩm.

Đồ ăn dư thừa dễ nhiễm khuẩn

Thực phẩm dư thừa nên để vào hộp đậy kín cho vào ngăn mát tủ lạnh. Món ăn chín đặt ở ngăn phía trên, đồ sống ở ngăn dưới. Không nên sử dụng thức ăn dư thừa nếu để trong tủ lạnh quá ba ngày.

Thức ăn hâm nhiều lần làm mất các vi lượng, khoáng chất, tăng hàm lượng muối, tăng nguy cơ biến chất của đạm, nên hạn chế sử dụng. Khi ăn chỉ múc ra một lượng nhỏ vừa đủ dùng, không đổ thực phẩm thừa trở lại nồi.

Một số lưu ý khi bảo quản thực phẩm thừa sau Tết

Nên phân loại, đặt các thực phẩm vào các khu vực riêng một cách khoa học như: trứng, pho mát, sữa... các thực phẩm nhẹ vào ngăn trên cùng, ngăn tiếp theo hãy đặt thực phẩm đã qua chế biến như bánh chưng, thịt kho, mắm các loại...

Với rau củ quả, bạn cho vào bao, bọc kín và đặt vào ngăn kế tiếp...

Nên ăn các loại thực phẩm đã mua trước, tuyệt đối tránh đông lạnh các thực phẩm sau khi đã giã đông.

Tủ lạnh được sử dụng để lưu trữ thực phẩm cũng là nơi tích tụ lượng vi khuẩn cực cao. Cần vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để tránh sự phát triển của các loại vi khuẩn, hạn chế sự hư hỏng của thực phẩm.

Theo VietQ