Sau Tết Trung thu- nhập lậu đồ chơi trẻ em vẫn diễn biến phức tạp

Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai vừa phát hiện, xử lý trên 700 sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai cho biết, thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Đội QLTT số 1 đã tăng cường kiểm tra và bám sát tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn.

sau-tet-trung-thu-nhap-lau-do-choi-tre-em-van-dien-bien-phuc-tap

Lượng lớn đồ chơi nhập lậu bị thu giữ tại Lào Cai. Ảnh: Cục QLTT Lào Cai 

Qua công tác kiểm tra, Đội QLTT số 1 đã phát hiện lô hàng đồ chơi trẻ em các loại đang được tập kết tại khu vực Tổ 17 đường Hồng Hà, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Qua kiểm đếm lô hàng gồm trên 700 sản phẩm đồ chơi trẻ em các loại do nước ngoài sản xuất, không có tem hợp quy.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là ông Đào Văn Đạt (sinh năm 1995) không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến hàng hóa. Ông Đạt khai nhận mua gom số đồ chơi trẻ em nêu trên từ nhiều nguồn để đem đi bán lại kiếm lời. Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Đánh giá về tình hình nhập lậu trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua, Cục QLTT tỉnh Lào Cai cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai từ đầu năm đến nay có giảm, tuy nhiên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp...

Các đối tượng buôn lậu đã có những thay đổi về phương thức, thủ đoạn để hoạt động buôn lậu, tập kết, vận chuyển trái phép hàng hóa; lợi dụng kinh doanh thương mại điện tử để thực hiện hành vi bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... có chiều hướng, diễn biến phức tạp...

Tại một số địa bàn biên giới, cửa khẩu, các đối tượng sử dụng thủ đoạn như vận chuyển, tập kết hàng hóa tại các kho hàng giáp biên giới, trong khu công nghiệp để cất giấu hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ để đưa vào nội địa tiêu thụ.

Mặt hàng chủ yếu là khẩu trang, giày dép, đồ chơi trẻ em, quần áo, bánh kẹo, thực phẩm (chủ yếu là các sản phẩm từ gia cầm), mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Trong nội địa, việc lợi dụng kinh doanh thương mại điện tử để thực hiện hành vi bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ gia tăng, các đối tượng chuyển hướng kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn mác... qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh, giao hàng nhanh nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.

Do đó, từ nay tới cuối năm, song song với tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa chính ngạch, việc tăng cường các biện pháp, đẩy mạnh phối hợp chống buôn lậu cũng được các lực lượng chức năng trên địa bàn Lào Cai lên kế hoạch, tăng cường phối hợp trong triển khai chống buôn lậu, gian lận thương mại. Trong triển khai công tác, việc giám sát, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ luôn được quan tâm nhằm phát huy tốt nhất năng lực mỗi lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp chống buôn lậu hiệu quả.

Theo VietQ