Sống chung với Covid-19, Singapore làm gì để ngăn số ca mắc đang tăng phi mã?

Singapore cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn nguy cơ số ca mắc Covid-19 tăng lên theo cấp số nhân, Bộ Y tế Singapore nhận định ngày 6/9.​

Hành động để ngăn số ca mắc “tăng theo cấp số nhân”

Phát biểu trước báo giới, ông Lawrence Wong, đồng chủ tịch lực lượng tác chiến đa bộ chống Covid-19, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Singapore đánh giá, tỷ lệ lây nhiễm của Covid-19 ở nước này phải được làm chậm lại.

Singapore sẽ nỗ lực thực hiện điều này mà không phải bước vào một giai đoạn cảnh báo tăng cường khác, ông Wong cho hay.

song-chung-voi-covid-19-singapore-lam-gi-de-ngan-so-ca-mac-dang-tang-phi-ma

Mọi người đeo khẩu trang khi ở địa điểm công cộng tại Singapore ngày 7/9/2021. Ảnh: CNA

"Điều khiến chúng tôi lo ngại không chỉ là tổng số ca mắc mà còn là mức độ virus lây lan. Đó là hệ số lây nhiễm cơ bản, hay R. Hiện nay, R là hơn 1. Số ca mắc đang gấp đôi mỗi tuần. Nếu tiếp tục chiều hướng này, điều đó tức là chúng ta sẽ có 1.000 ca mắc hàng ngày trong 2 tuần hoặc có lẽ là 2.000 ca mắc hàng ngày trong 1 tháng".

Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác, khi số ca mắc tăng lên quá mạnh, sẽ có nhiều ca bệnh cần điều trị trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) và nhiều ca tử vong hơn, ông Wong nhận định.

"Đó không chỉ là vấn đề những người cao tuổi chưa được tiêm vaccine. Bởi vì thậm chí cả những người đã được tiêm vaccine, vẫn sẽ có một số lượng nhỏ những người người này trải qua các triệu chứng nghiêm trọng. Do đó, nếu số ca mắc tăng cao, một tỷ lệ nhỏ sẽ biến thành một số lượng đáng kể các ca mắc cần điều trị trong ICU và số ca tử vong".

"Vì thế, chúng ta phải làm chậm tỷ lệ lây nhiễm và đưa R giảm xuống. Chúng tôi sẽ nỗ lực làm vậy mà không cần quay trở lại giai đoạn cảnh báo tăng cường. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiến hành truy vết tiếp xúc quyết liệt và khoanh vùng các ca mắc, chùm ca mắc, cũng như đưa việc xét nghiệm trở nên phổ biến hơn".

Số ca mắc mới trong cộng đồng ở Singapore đã tăng gần gấp đôi lên hơn 1.200 trường hợp trong tuần qua, tăng so với con số 600 của tuần trước đó, Bộ Y tế Singapore cho biết.

Những người chưa được tiêm vaccine vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong vì Covid-19. Trong 28 ngày qua, 6,7% số ca mắc chưa được tiêm vaccine đã trải qua các triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong.

"Nếu sự lây nhiễm tiếp tục theo chiều hướng này, chúng ta sẽ chứng kiến số ca mắc tăng gấp đôi mỗi tuần. Điều đó cũng tức là sẽ có nhiều người rơi vào tình trạng nghiêm trọng hơn", Bộ Y tế Singapore dự báo.

Bộ này cho rằng: "Chúng ta cần hành động nhanh chóng để kiềm chế nguy cơ số ca mắc lây lan theo cấp số nhân. Chúng ta cần tận dụng thời gian để tiêm vaccine cho nhiều người sớm nhất có thể, đặc biệt là người cao tuổi, cũng như triển khai chương trình tiêm vaccine tăng cường cho người từ 60 tuổi trở lên".

Xét nghiệm thường xuyên

Tần số xét nghiệm nhanh bắt buộc sẽ được tăng cường từ 2 tuần/lần sang 1 tuần/lần từ 13/9 tới, ông Wong cho hay.

Việc thúc đẩy xét nghiệm sẽ giúp phát hiện các ca mắc và khoanh vùng nhanh hơn. Điều này có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trước sự lây nhiễm của biến thể Delta.

Hệ thống xét nghiệm hiện đang được thực hiện trong những lĩnh vực có rủi ro cao như dịch vụ thực phẩm, các dịch vụ chăm sóc cá nhân, phòng tập gym...

Hệ thống này sẽ được mở rộng tới nhiều môi trường khác có "sự tiếp xúc cộng đồng thường xuyên", Bộ Y tế Singapore cho hay. Theo đó, việc xét nghiệm sẽ được tăng cường với các nhân viên làm việc ở các cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị cũng như các nhân viên vận chuyển hàng hóa.

Chính phủ Singapore sẽ trợ giá cho chi phí của tất cả các xét nghiệm theo hệ thống giám sát tăng cường với cả người đã tiêm vaccine và người chưa tiêm vaccine tới cuối năm 2021.

Kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) sẽ được phân bổ tới các công ty không nằm trong đối tượng bắt buộc xét nghiệm hàng ngày để họ có thể quyết định việc xét nghiệm hàng tuần với nhân viên trong 2 tháng tới. Mỗi công ty sẽ nhận được 8 kit xét nghiệm cho mỗi nhân viên làm việc tại văn phòng hàng tuần.

Tất cả các công ty sẽ thực hiện việc xét nghiệm hàng tuần với các nhân viên của họ tại văn phòng và việc xét nghiệm này có thể do các cá nhân tự tiến hành tại nhà hoặc ở nơi làm việc. Các chủ công ty sẽ đưa ra một quy trình nhằm đảm bảo việc xét nghiệm được tiến hành đúng cách và báo cáo kết quả cho các cơ quan tương ứng của chính phủ.

"Chúng tôi hy vọng việc phân phối kit ART tới hộ gia đình và các công ty sẽ giúp truyền tải văn hóa trách nhiệm trong việc tự xét nghiệm thường xuyên. Điều này sẽ trở thành một công cụ quan trọng cho cuộc sống bình thường mới để chúng ta có thể hạn chế tác động của đại dịch Covid-19 mà không phải áp đặt các cảnh báo tăng cường".

Cảnh báo y tế công cộng

Chính phủ Singapore cũng sẽ gửi Cảnh báo Rủi ro Sức khỏe và Báo động Rủi ro Sức khỏe tới mọi người khi một chùm ca mắc được xác định để cách ly những trường hợp tiếp xúc gần.

Hệ thống này sẽ "bao quát một mạng lưới rộng khắp" liên quan đến các ca mắc và xác định chùm ca mắc nhanh chóng, Bộ Y tế Singapore cho hay, đồng thời cho biết thêm, khi có nhiều ca mắc trong cộng đồng, sẽ có nhiều người nhận được những cảnh báo và báo động như vậy.

Những người nhận được Cảnh báo Rủi ro Sức khỏe sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm PCR và tự cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính từ lần xét nghiệm đầu tiên. Sau đó, họ sẽ tiếp tục thực hiện các xét nghiệm nhanh kháng nguyên và sau đó là xét nghiệm PCR vào ngày thứ 14.

Những người nhận được Báo động Rủi ro Sức khỏe không phải là đối tượng thực hiện các biện pháp trên nhưng "được khuyến khích mạnh mẽ" thực hiện xét nghiệm PCR sớm nhất có thể. Những người nhận được cả 2 cảnh báo này sẽ giảm tiếp xúc xã hội trong 14 ngày.

"Với tất cả những biện pháp trên, chúng tôi hy vọng có thể làm chậm sự lây nhiễm mà không cần quay lại báo động tăng cường hoặc phong tỏa... những phương án cuối cùng mà chúng tôi cố hết sức để tránh phải sử dụng chúng", ông Wong cho hay.

"Dù vậy, chúng ta không thể loại bỏ chúng hoàn toàn".

Bộ trưởng Tài chính Singapore cũng nhận định: "Những gì chúng tôi đang làm là cố hết sức để không phải áp dụng các biện pháp thắt chặt nhưng vẫn có thể làm chậm sự lây nhiễm hết mức có thể thông qua truy vết tiếp xúc quyết liệt hơn, xét nghiệm rộng rãi hơn và cuối cùng là qua việc mọi người thực hiện trách nhiệm xã hội của mình”.

Điều này là "sự phản ánh một giai đoạn mới của chúng ta" khi độ phủ vaccine và sự bảo vệ đã cao hơn nhiều. Đó là lý do tại sao Singapore không phải quay lại thắt chặt các biện pháp hạn chế, ông Wong đánh giá.

"Dù vậy, giả sử bất chấp những nỗ lực của chúng ta, số ca bệnh nặng cần thở oxy và điều trị ICU tăng mạnh, chúng ta có lẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài thắt chặt toàn bộ các biện pháp, vì thế chúng ta không loại bỏ phương án này"./.

Theo Vov