Sốt xuất huyết ở trẻ: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

(BaoveNTD) - Sốt xuất huyết lây lan nhanh, nhất là trong mùa mưa, gây ra đại dịch nguy hiểm. Với trẻ em, bệnh càng có nhiều biến chứng khó lường, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.

Sài Gòn đang vào mùa mưa, dịch bệnh sốt xuất huyết đang lan trên diện rộng. Trẻ em với sức đề kháng còn yếu rất dễ bị bệnh vì thế, nên có cách phòng ngừa cũng như nhanh chóng phát hiện ra bệnh ở trẻ để có cách điều trị phù hợp nhất.

Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Loại muỗi vằn này thường ở trong nhà, trong các góc tối tăm và các nơi ẩm thấp, thường hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm.

Nguyên nhân sốt xuất huyết ở trẻ em

Bệnh sốt xuất huyết thường có 2 nguyên nhân chủ yếu thường gây ra bệnh:

- Do siêu vi trùng Dengue gây ra.

- Do muỗi vằn hút máu người mắc bệnh mang đến cho người lành. Đây là nguyên nhất phổ biến và dễ tạo thành dịch nhất.

Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ

Theo sự tư vấn của bác sĩ Trương Hữu Khánh - Bệnh viện Nhi đồng:

- Sốt cao, rất khó hạ, hết thuốc là sốt lại, thường thì sốt không thôi, ít khi kèm ho sổ mũi hay tiêu chảy. Hai ngày đầu thì bác sĩ cũng chỉ theo dõi chứ không thể kết luận được gì.

- Sau 2 ngày thì phải xét nghiệm máu, nhiều khi phải xét nghiệm nhiều lần để chẩn đoán và để theo dõi tình trạng nặng hay nhẹ.

Khi nào đi bệnh viện: dù đã hạ sốt nhưng bé vẫn:

- Ói nhiều, đau bung vùng gan (vùng sườn bên phải), chảy máu cam, ói ra máu, tiêu ra máu.

- Than mệt, tay chân lạnh.

Điều trị tại nhà: Uống nhiều nước, hạn chế vận động, tái khám, theo dõi các dấu hiệu trên để đi bệnh viện ngay.

Không nên: Cắt lễ, truyền dịch khi chưa cần thiết

Phòng ngừa: Đây là điều quan trọng lắm nhưng rất ít được phụ huynh chú ý:

- Diệt muỗi, nếu thấy có muỗi là tìm cho ra lăng quăng ở đâu mà diệt

- Các nơi hay không để ý: hòn non bộ, bình hoa, chén nước chống kiến, các vỏ xe và vật dụng chứa nước quanh nhà. Đừng chủ quan rằng nước ít, hãy đổ bỏ tất cả.

- Lo diệt muỗi lăng quăng thường xuyên đừng chờ có người bệnh rồi mới diệt.

Cha mẹ nên phòng ngừa cho bé trước để giúp bé tránh tình trạng bị muỗi đốt, dẫn đến bị sốt xuất huyết, nên cho bé tiêm ngừa đầy đủ cũng là một cách tốt giúp bé vượt qua mùa dịch an toàn.

Xuân Anh Lê