Sự nguy hiểm từ Whitmore - căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn ăn thịt người

Căn bệnh whitmore hiếm khi lây lan. Bệnh có thể gây nguy cơ tử vong cao ở những người có hệ miễn dịch yếu hoặc những người vốn có bệnh mãn tính.

Whitmore là bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này là thực vật hoại sinh có trong đất ở các vùng nhiệt đới, nhất là đông nam Á và bắc Australia. Con người và loài vật khác bị nhiễm bệnh do phơi nhiễm với vi khuẩn này trong môi trường. Vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể người và động vật khi hít phải bụi hoặc hơi nước nhiễm khuẩn, uống phải nước nhiễm khuẩn, khi tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt thông qua các vết trầy xước.

su-nguy-hiem-tu-whitmore-can-benh-gay-ra-boi-vi-khuan-an-thit-nguoi

 Một bệnh nhân nữ mắc whitmore khá hy hữu, với trình trạng vi khuẩn whitmore “ăn” cánh mũi điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Tháng 8 vừa qua, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai lần đầu tiên tiếp nhận một bệnh nhân nữ mắc whitmore khá hy hữu, với trình trạng vi khuẩn whitmore “ăn” cánh mũi. Bệnh nhân trước đó được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do tụ cầu nhưng tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, cấy máu và mủ ở vết thương cho kết quả dương tính với vi khuẩn whitmore.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, nếu như trước đây, 5-10 năm mới có 20 ca mắc whitmore, thì từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này. Trong đó riêng tháng 8 đã ghi nhận 12 ca whitmore nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân được nhập viện từ chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi báo Sức khỏe & Đời sống, ThS.BSNT Nguyễn Quốc Thái, Phòng Cấp cứu, Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai chia sẻ, bệnh Whitmore có nhiều thể bệnh khác nhau, nhưng nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nhất chính là thể nhiễm trùng máu, thậm chí nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh nhân có tiên lượng xấu, dễ tử vong.

Để phát hiện một người có nhiễm trùng trực khuẩn Whitmore hay không thì bắt buộc phải dùng biện pháp kỹ thuật về mặt vi sinh vật học để phân lập vi khuẩn. Tìm ra được vi khuẩn sẽ là bằng chứng chắc chắn nhất của nhiễm trùng trực khuẩn Whitmore. Thông thường, người ta sẽ nuôi cấy máu để xem vi khuẩn Whitmore có mọc lên trong mẫu máu đấy hay không. Hoặc cũng có thể lấy các mẫu bệnh phẩm khác (ví dụ nếu BN có tổn thương ở phổi, có khối áp xe ở phổi thì các bác sĩ sẽ tiến hành lấy dịch áp xe; hoặc nếu có tổn thương ở khớp, có nhiều dịch trong khớp thì sẽ chọc lấy dịch khớp) để nuôi cấy, trường hợp trực khuẩn Whitmore mọc lên từ mẫu bệnh phẩm đấy thì chúng ta có thể chẩn đoán là bệnh Whitmore.

Nếu phát hiện trực khuẩn Whitmore trong máu thì đó là nhiễm trùng máu; trong dịch khớp đó là viêm mủ khớp do vi khuẩn Whitmore; hoặc nếu phát hiện ổ áp xe ở cơ thì đó là thể bệnh áp xe cơ v.v. Nguy hiểm cho tính mạng BN nhất bao giờ cũng là thể nhiễm trùng máu, thậm chí nặng nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, tiên lượng xấu, bệnh nhân dễ tử vong.

Hiện nay, trong lĩnh vực y khoa có rất nhiều bệnh, do đó cần có sự cân nhắc, ưu tiên tuyên truyền trước như bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván là những bệnh phải tuyên truyền cho người dân hiểu và đi tiêm phòng; hoặc là có những bệnh tái nổi, mới nổi là những bệnh phải tuyên truyền để người dân có ý thức phòng tránh bệnh, bảo vệ cơ thể mình và khi có bệnh phải đi khám sớm… Đến thời điểm này khi các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh mởi nổi đã tiếp cận được rồi thì chúng ta bắt đầu làm các bệnh mà nếu như có thể phòng tránh trong cộng đồng thì sẽ tốt hơn rất nhiều cho hệ thống y tế của chúng ta trong việc xử lý vấn đề này.

Quay lại với bệnh Whitmore, vi khuẩn Whitmore không phải tự nhiên từ "trên trời rơi xuống" mà nó có sẵn trong đất. Quá trình làm việc của người dân nếu đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì dễ bị vi khuẩn tấn công. Do đó cần tăng cường hơn nữa các phương tiện bảo hộ, phòng hộ khi lao động cũng như trong sinh hoạt sẽ tránh được nguy cơ vi khuẩn trong đất xâm nhập cơ thể qua các vết thương.

Rồi trong môi trường khói bụi khi gió cuốn bụi lên thì con người dễ hít phải vi khuẩn Whitmore, chúng nằm sẵn trong phổi chờ khi hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu sẽ phát triển lên. Đó là cách mà con vi khuẩn có thể xâm nhập cơ thể và nếu chúng ta có thể phòng tránh được thì giảm gánh nặng y tế đi rất nhiều.

Việc tuyên truyền về bệnh Whitmore ở thời điểm này, có lẽ là cần thiết vì chúng ta đã qua giai đoạn cần đối phó với những bệnh cơ bản và đến bây giờ là những bệnh trong đó có Whitmore gây ra thì sẽ mang lại nhiều ích lợi cho cộng đồng.

Hiện nay bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh, và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng, cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động sinh hoạt tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với đất bẩn.

Theo VietQ