Sự thật phía sau máy ozone mang thương hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội

Hiện nay, trên thị trường máy ozone vô cùng phong phú, trong đó có nhiều sản phẩm được đính thêm thương hiệu Đại học Bách Khoa Hà Nội. Song, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN khẳng định, trường không sản xuất máy ozone nào.

Sự thật phía sau máy ozone mang thương hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội

Nhiều người ngã ngửa vì biết mình bị lừa khi sử dụng thương hiệu máy ozone có gắn tên đại học Bách khoa

Ngã ngửa vì biết thêm thông tin về máy sục ozone

Trước thông tin máy ozone không có lợi cho sức khỏe người dùng và đặc biệt mục đích đánh bật hóa chất, vi khuẩn của nó không được như thực tế đã khiến nhiều tín đồ của máy ozone hoang mang.

Chị Nguyễn Thị Phương, trú tại Nguyễn Phúc, Yên Bái lo lắng khi gia đình chị đã sử dụng máy này 3 năm nay và ngày nào chị cũng sục nước sinh hoạt cũng như thịt, rau… 

Chị Phương kể: "Cách đây 3 năm người ta mang về tận phường bán và được quảng cáo là “đòn bẩy” chống lại các bệnh, trong đó có bệnh ung thư, nên tôi cũng mua về dùng với giá 2,5 triệu đồng. 

Sản phẩm được quảng cáo rất tốt, do các giáo sư của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nghiên cứu. Nhưng đến nay, tôi mới biết, quá nhiều điều mình chưa hiểu hết về máy sục ozone"

Khi báo Infonet phản ánh về máy ozone không như quảng cáo, rất nhiều người đã phản hồi về việc người thân của mình phải mua máy ozone. Anh Tô Văn Lộc, quê Thái Bình, cho biết, bố mẹ anh ở quê được cán bộ gửi giấy mời đến tham dự hội thảo bán hàng của máy ozone và đã mua về dùng. Dù con cái khuyên giải nhưng dường như mọi người vẫn tin nhà sản xuất hơn là người thân.

Rất nhiều người cho rằng máy ozone là sản phẩm giúp gia đình họ yên tâm hơn với cơn bão thực phẩm bẩn. Bà Nguyễn Thị Lụa ở Thái Nguyên cho biết, từ khi mua máy ozone, không bữa nào bà không dùng. Các loại trái cây mua xong, sau khi sục ozone, bà không cần gọt vỏ mà cứ thế ăn. Sau khi thấy các chuyên gia phân tích về sự thật máy ozone thì bà Lụa rất lo lắng vì trót tin tưởng máy này 5 năm qua.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lên tiếng phủ nhận

Không chỉ thổi vống chất lượng cũng như công năng của máy ozone, các nhà sản xuất máy ozone còn tranh thủ quảng cáo máy gắn với các thương hiệu nổi tiếng, đặc biệt là thương hiệu Đại học Bách Khoa Hà Nội, khiến người tiêu dùng tin tưởng tuyệt đối với loại máy này.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường đại Học Bách Khoa Hà Nội - cho biết, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội không có sản phẩm nào về máy khử trùng ozone cả.

Theo PGS Sơn, trước đây Đại học Bách Khoa có nghiên cứu về máy ozone nhưng chỉ là nghiên cứu sau đó có chuyển giao công nghệ cho các công ty thương mại để họ sản xuất. PGS Sơn cho rằng chất lượng máy ozone được nghiên cứu rất có ích nhưng trong quá trình sản xuất có thể các công ty thương mại đã thương mại hóa sản phẩm lên.
Ngoài ra cũng theo ông Sơn sản phẩm máy ozone của một vài công ty này có lấy thương hiệu của Đại học Bách Khoa Hà Nội, tuy nhiên về phía trường cũng không thể nào can thiệp được do có liên quan tới vài công trình nghiên cứu của trường.

Sự thật phía sau máy ozone mang thương hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội

Công văn của Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách Khoa Hà Nội) gửi Công ty HCT yêu cầu gỡ bỏ thông tin liên quan đến Viện trên bao bì, sản phẩm

Cùng quan điểm, PGS TS Phó Thị Nguyệt Hằng- Viện trưởng Viện Vật Lý kỹ thuật trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, máy ozone đang bán trên thị trường có thương hiệu Bách Khoa không có liên quan gì tới trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cả bởi vì trường không sản xuất máy ozone nào. Ngay cả Viện Vật lý Kỹ thuật cũng không sản xuất máy này.

Theo PGS Hằng, trước đây Viện đã có công văn gửi đến Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ cao HCT, nơi sản xuất máy ozone mang thương hiệu Bkozone, yêu cầu gỡ tất cả các từ khóa liên quan đến Viện Vật lý kỹ thuật trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ra. 

Sự thật phía sau máy ozone mang thương hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội

Tuy nhiên, bà Hằng cũng cho biết, phía viện chỉ gửi công văn yêu cầu doanh nghiệp như thế chứ không trực tiếp tìm hiểu công ty đó còn gắn thương hiệu của viện vào không.

Trước đây, có rất nhiều người mua máy ozone đã tìm đến trường Đại học Bách khoa đòi bảo hành và gửi câu hỏi thắc mắc về sản phẩm máy ozone nên Viện đã ra công văn yêu cầu công ty tách khỏi viện ra để không ảnh hưởng đến Viện Vật lý Kỹ thuật.

Trao đổi với báo điện tử Infonet, bà Trần Thị Lan Hường – Tổng giám đốc công ty HCT - đơn vị sản xuất máy ozone BKozone cho biết: Ban đầu Công ty ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trực tiếp là GS Nguyễn Hoàng Nghị.

Sau khi GS Nghị nghỉ hưu thì phía công ty HCT cũng chủ động gỡ các thông tin phối hợp với viện Vật lý Kỹ thuật của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Còn thương hiệu BKozone bà Hường cho biết, công ty đã đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu.

Tuy nhiên, trên website của công ty này, vẫn khẳng định về những lợi ích bất ngờ từ máy ozone của Đại học Bách khoa!

Bà Hường cũng khẳng định, dựa vào tính năng oxy hoá mạnh của ozone thì sản phẩm làm từ ozone thực sự có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và 99% hoá chất. Nhưng nếu không biết cách sử dụng thì nó sẽ có tác dụng phụ, cũng như thuốc không biết dùng sẽ độc.

Theo P.Thúy (Infonet)