Suốt 1 tháng, lần đầu tiên Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ

Lần đầu tiên từ khi xuất hiện ca bệnh thứ 17 trong hơn 1 tháng qua, đây là lần đầu tiên Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ.

Bản tin thông báo tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam lúc 6 giờ sáng 9/4 của Bộ Y tế cho thấy, trong 24 giờ qua (từ 6h sáng 8/4) Việt Nam đã không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới. 

Như vậy, nước ta vẫn có 251 người nhiễm bệnh. 156 người trong đó được cách ly ngay khi nhập cảnh (chiếm gần 63%), số còn lại là người lây nhiễm thứ phát.

suot-1-thang-lan-dau-tien-viet-nam-khong-co-ca-mac-moi-covid-19-trong-24-gio

Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua

Trong ngày 8/4, Việt Nam chỉ ghi nhận 2 ca mắc COVID-19, trong đó có 1 người là hàng xóm bệnh nhân 243 ở Mê Linh, Hà Nội. Đây tiếp tục là ngày thứ 5, nước ta ghi nhận ít ca mắc mới bệnh này. Trong khi đó, cùng ngày, 4 bệnh nhân đã bình phục, nâng tổng số ca chữa khỏi lên 126 ca. Lần đầu tiên, số ca bình phục ở nước ta nhiều hơn số ca đang điều trị.

Tính tới tối 8/4, có 25 bệnh nhân âm tính ít nhất một lần, trong đó có 17 người âm tính hai lần trở lên với SARS-CoV-2.

Dự kiến trong ngày 9/4, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ TP HCM công bố thêm 2 bệnh nhân BN203, BN234 được điều trị khỏi. Liên tiếp những ngày gần đây, bệnh viện này đều có ca đủ điều kiện khỏi bệnh. 

suot-1-thang-lan-dau-tien-viet-nam-khong-co-ca-mac-moi-covid-19-trong-24-gio

Lần đầu tiên từ khi bắt đầu giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19, Việt Nam không phát hiện ca mắc mới trong 24 giờ. Đồ hoạ: Bộ Y tế

Cả nước hiện có 3 ca COVID-19 diễn biến rất nặng, trong đó 2 nữ bệnh nhân ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang thở máy (là bác gái bệnh nhân 17 và bệnh nhân 161). Người còn lại là nam phi công Vietnam Airlines (bệnh nhân 91) đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM phải chạy ECMO - tim phổi nhân tạo. 5 người khác đang phải thở máy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 8/4 khẳng định đến giờ phút này chúng ta vẫn kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca nhiễm cộng đồng.

Tất cả các ca nhiễm này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng (F0). Cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Tuyệt đối không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, dứt khoát không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất.

Việt Nam cũng tiếp tục kiên định nguyên tắc phòng chống dịch đã được đưa ra từ đầu cuộc chiến, đó là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế khẳng định, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng rất quan trọng. Điều này là để làm sao người bệnh không tiếp xúc người lành và ngược lại. Việc này cần được triển khai quyết liệt triệt để ở tất cả các nơi.

"Nếu nơi này làm tốt, nơi kia không thì chúng ta không biết đâu là ổ dịch, đâu là người mang mầm bệnh" - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Bên cạnh đó, tiếp theo chỉ đạo về xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với một số Bộ.

Trong đó, liên quan tới Bộ Y tế, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, kịp thời; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly; không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân cũng như các biện pháp khác về phòng, chống bệnh dịch truyền nhiễm.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và các Bộ, cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu như trang thiết bị vật tư y tế và nhu yếu phẩm cần thiết cho phòng, chống dịch bệnh.

Võ Thu

Theo GiaDinh

---

Xem thêm:

+Bệnh viện Bạch Mai đã rà roát được hơn 52.000 người tiếp xúc với người nhiễm COVID-19

+Bộ Y tế thông báo khẩn: Hành trình phức tạp của BN243 và kêu gọi tìm kiếm người tiếp xúc

+"Chúng ta phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng"

-----