Tăng cường kiểm tra bếp ăn trường học

Hai tháng gần đây, qua kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn trường học, Sở Y tế Hà Nội cho hay, có nơi vẫn để xảy ra sai phạm. Siết chặt quản lý ATTP bữa ăn học đường trở nên cấp bách hơn.

tang-cuong-kiem-tra-bep-an-truong-hoc

Bảo đảm bữa ăn đủ dinh dưỡng, ATTP tại Trường Mầm non xã Song Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt

Vẫn còn nhiều tồn tại

Hà Nội hiện có hơn 4.500 bếp ăn tập thể và căng tin trường học. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, đa số các trường đã đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại.

Tại buổi kiểm tra đột xuất của Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của thành phố do Sở Y tế Hà Nội chủ trì tại Trường Mầm non Trung tâm xã Vật Lại và Trường Tiểu học Thái Hòa (Ba Vì), đoàn lưu ý các trường cần bố trí khu bếp ăn bán trú theo một tổng thể thống nhất, khoa học; có lưới chống côn trùng, ruồi, muỗi tại các cửa sổ và cửa ra vào của phòng ăn và khu chia bữa ăn. Tại huyện Ba Vì hiện có 134 trường học và nhóm trẻ, trong đó có 88 trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Ngành Y tế huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra giám sát 64 lượt, xét nghiệm nhanh 48 mẫu thực phẩm tại 64 trường mầm non và tiểu học. Trên cơ sở đó nhắc nhở khắc phục những tồn tại trong khâu vệ sinh đồ dùng, nhắc nhở việc lưu mẫu thực phẩm đúng quy định.

Tương tự, tại huyện Mê Linh có 107 cơ sở giáo dục, trong đó có 88 cơ sở có bếp ăn tập thể. Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo ATTP huyện đã kiểm tra 54 cơ sở bếp ăn tập thể trường học, phát hiện và xử phạt 4 cơ sở vi phạm với số tiền trên 16 triệu đồng.

Tại huyện Mỹ Đức, qua kiểm tra, giám sát 31 cơ sở, các đoàn kiểm tra của huyện đã phát hiện 8 cơ sở không đạt các yêu cầu về vệ sinh, ATTP. Qua kiểm tra tại 2 trường học trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của thành phố đã yêu cầu bếp ăn tập thể của Trường Tiểu học Hợp Tiến B tạm dừng hoạt động để cải tạo cơ sở vật chất, tuân thủ quy trình bếp một chiều và hoàn thành thủ tục pháp lý liên quan, đồng thời giao cơ quan chức năng của huyện giám sát.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cho hay, tại Hà Nội vẫn còn một số trường điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp, chật hẹp, khó sắp xếp bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Một số trường không có đủ diện tích để nấu tại trường, vì vậy phải nấu ở nơi khác rồi vận chuyển đến trường nên khó kiểm soát được trong quá trình vận chuyển. Trong khi đó, nhà cung cấp chưa thực hiện đúng các cam kết về bảo đảm ATTP… Đây là những nguy cơ dễ dẫn đến mất ATTP tại bếp ăn trường học.

Chấn chỉnh ngay sai phạm

Ông Trần Văn Chung cho rằng, các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất bếp ăn trường học, các cơ sở cung ứng suất ăn sẵn cho học sinh, nguồn gốc thực phẩm được đưa vào bếp ăn trường học. Sở Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm ATTP. Mặt khác, yêu cầu Ban giám hiệu các trường thực hiện nghiêm việc ký hợp đồng thực phẩm tại những đơn vị đủ cơ sở pháp lý; kiên quyết không hợp tác với đơn vị cung cấp suất ăn, cung cấp thực phẩm không an toàn.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị Ban chỉ đạo ATTP các quận, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học. Thực hiện việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng để kiểm soát tốt nguồn thực phẩm chất lượng cung cấp cho các trường học trên địa bàn. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác truyền thông đa dạng trên các phương tiện truyền thông đại chúng để học sinh, giáo viên, phụ huynh cùng chung tay chủ động thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm ATTP.

Theo GiaDinh