Tất cả người cao tuổi sẽ có lương hưu?

Đó là mục tiêu mà chính sách bảo hiểm xã hội hướng đến. Ý kiến này được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đề cập tại buổi giao lưu “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu an sinh bền vững” mới được tổ chức ngày 13/7 tại Hà Nội.

 Chủ trương cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là yêu cầu khách quan, cần thiết để bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: TL

Chủ trương cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là yêu cầu khách quan, cần thiết để bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: TL

Thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội đã không ngừng được hoàn thiện, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng, đưa đất nước phát triển bền vững.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc giao lưu do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, đến nay, chính sách bảo hiểm xã hội nói riêng và hệ thống chính sách an sinh xã hội nói chung của chúng ta vẫn mang tính đơn lẻ, thiếu tính kết nối, còn nhiều những khoảng trống chính sách mà ở đó các đối tượng người dân chưa nhận được sự bảo vệ, sự đảm bảo an toàn, an ninh thu nhập từ hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước.

Hiện nay, có trên 5 triệu người cao tuổi (trên 60 tuổi và dưới 80 tuổi mà không thuộc hộ nghèo, không phải người khuyết tật) không được hưởng trợ cấp hàng tháng dẫn đến tuổi già gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, trong cải cách chính sách bảo hiểm xã hội lần này, hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng sẽ giúp người dân tiếp cận đầy đủ các chế độ và tiến tới mọi người cao tuổi đều có lương hưu hoặc từ ngân sách nhà nước, hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội với mục tiêu không có người cao tuổi nào bị bỏ rơi lại phía sau.

Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo đến năm 2021, Việt Nam sẽ có nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội nếu không cải cách chính sách. Việt Nam bắt đầu kết thúc thời kỳ dân số vàng chuyển sang thời kỳ dân số già hóa, sẽ đến lúc cung lao động ít hơn cầu sử dụng.

Nếu không có các giải pháp khắc phục những tồn tại trên thì chắc chắn, chính sách bảo hiểm sẽ có vấn đề. Vì vậy, chủ trương cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là yêu cầu khách quan, cần thiết để bảo đảm an sinh xã hội.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, năm 2021 là thời điểm hợp lý để bắt đầu cải cách bảo hiểm xã hội và cải cách chính sách tiền lương, nhưng lộ trình và bước đi thế nào thì dứt khoát phải đảm bảo yếu tố bình đẳng giới. Nếu không giải quyết được vấn đề tuổi hưu thì sẽ gặp khó khăn về nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai.

Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia sẻ, hiện nay chính sách bảo hiểm xã hội chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương); còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện bảo hiểm xã hội còn nhiều điểm bất cập.

Để chính sách bảo hiểm xã hội phát huy hiệu quả, theo ông Liệu, Nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, không chỉ chú trọng các giải pháp xử lý hậu quả thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm mà cần chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nghiên cứu thiết kế các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người dân có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng; mở rộng các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc, hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết.

Theo GiaDinh