Tháng cô hồn có nhất định phải kiêng kị những điều này theo như dân gian?

Dân gian xưa đưa ra rất nhiều điều kiêng kị, không nên làm trong tháng cô hồn.

Theo ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người), tháng 7 Âm lịch hàng năm được gọi là “tháng cô hồn”, hay tháng ''xá tội vong nhân'' được người Việt rất coi trọng. Dân gian quan niệm đây là dịp Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan cho ma quỷ tự do trở về dương gian (ngày rằm tháng 7), đến khi kết thúc các ma quỷ phải quay lại địa ngục.

Đây cũng dịp “âm khí xung thiên”, nên tháng 7 âm lịch âm khí vượng, không đem lại may mắn. Người ta thường truyền tai nhau về những điều cấm kỵ trong tháng cô hồn như: không để chuông gió đầu giường, đi đêm không được gọi tên thật, hạn chế ra đường ban đêm...

Tháng cô hồn có nhất định phải kiêng kị những điều này theo như dân gian?

Dân gian xưa đưa ra rất nhiều điều kiêng kị, không nên làm trong tháng cô hồn. (Ảnh minh họa)

Cũng không ít người cho rằng tháng này đen đủi, không nên làm việc đại sự như dựng nhà, sửa cửa, đám cưới… Theo dân gian, dưới đây là những điều nên kiêng trong tháng cô hồn.

- Không nên động thổ, nhập trạch, xây nhà, chuyển nhà... vì người ta cho rằng cuộc sống sau này dễ gặp nhiều tai ương.

- Không phơi quần áo vào ban đêm.

- Không nên treo chuông gió đầu giường.

- Không để mũi dép hướng về phía giường khi ngủ để tránh bị quấy phá.

- Không nên tự ý chặt cây có gốc to lâu năm hoặc cây đa, cây đề.

Tháng cô hồn có nhất định phải kiêng kị những điều này theo như dân gian?

Dân gian cho rằng trong tháng cô hồn không nên tùy tiện đốt vàng mã. (Ảnh minh họa)

- Kiêng không làm đổ vỡ đồ, nhất là đồ thờ cúng vì đây là những vật linh thiêng trong nhà, thể hiện sự tôn kính mà con cháu dành cho ông bà, tổ tiên cũng như những người đã khuất.

- Không di chuyển bát hương bừa bãi, vì nó có thể làm đứt sợi dây vô hình liên kết cõi trần với cõi âm.

- Không nhổ bỏ chân hương trong tháng cô hồn.

- Không tùy tiện đốt giấy tiền hay vàng mã.

- Không trồng những loại cây mang "điềm gở" trước nhà như đa, đề, dâu, liễu,...

Tuy nhiên theo các chuyên gia, những quan niệm này chưa có bất kỳ cơ sở khoa học nào chứng minh là đúng, việc kiêng kị, thành tâm tuân thuận theo chỉ là thói quen theo tâm lý "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" của người Việt.

GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam - cho biết, khoa học chưa ai chứng minh được nếu không kiêng kỵ vào tháng 7 âm lịch sẽ gặp họa và kiêng kỵ thì được an lành.

Cũng theo ông Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA): "Có nhiều kiêng kị tháng cô hồn trong dân gian nhưng người dân không nên quá mê tín cái gì cũng làm theo. Hãy tìm hiểu theo khoa học, cái gì phù hợp thì làm".

Theo DanViet