Thấy con nằm vật vã cạnh đống thuốc giảm cân, mẹ đưa tới viện nhưng đã quá muộn

Hậu quả của việc làm đẹp sai cách đôi khi phải trả giá bằng tính mạng.

Những trường hợp chết “tức tưởi” chỉ vì thuốc giảm cân

Yu Jing Ni, 24 tuổi người Singapore luôn tự ti vì có thân hình hơi đầy đặn nên đã quyết định đặt mua thuốc giảm cân trên mạng với mong muốn có thân hình thon gọn.

Khoảng 10 giờ tối ngày 11/1/2012, mẹ của Yu thấy con gái mồ hôi chảy đầm đìa, hơi thở nặng nề, khó nhọc, nằm đau đớn vật vã trên giường, bên cạnh vẫn còn vương vãi những viên thuốc màu vàng kì lạ.

Ngay lập tức bà đã đưa con gái tới bệnh viện để cấp cứu. Tuy nhiên đến sáng ngày 11/2, cô Yu đã qua đời.

Theo kết quả điều tra, Yu đã tử vong do ngộ độc chất dinitrophenol (DNP). Được biết, chất DNP là thành phần giúp giảm cân nhanh chóng nhưng có tác dụng phụ hết sức nguy hiểm nên bị cấm ở Singapore.

Được biết trước đó, cô Yu đã mua thuốc giảm cân từ Thổ Nhĩ Kỳ trên trang mạng trực tuyến Eurosteroids với giá 335 USD (hơn 7.6 triệu) vào ngày 12/1/2012.

Trước đây vào năm 2011, nạn nhân cũng đã từng phải nhập viện vì dùng loại thuốc giảm cân độc hại này. Các bác sĩ đã phải điều trị chứng trầm cảm cho Yu và cảnh báo cô về tác hại thuốc giảm béo bán trên trang mạng trực tuyến.

Mẹ của Yu - quản lý một công ty vận tải cũng đã từng phát hiện ra một kiện hàng của con gái chứa rất nhiều thuốc màu vàng không nhãn mác và vứt đi. Thế nhưng dù đã nỗ lực hết sức, bà cũng không thể ngăn con gái, cuối cùng dẫn tới kết cục bi thương.

Vấn đề cân nặng không chỉ là nỗi lo của phụ nữ châu Á ngay cả những cô gái trẻ phương Tây cũng rất chú trọng thân hình gọn gàng, quyến rũ và đua nhau tìm cách giảm cân.

Trưa ngày 12/4/2015, nữ sinh viên Eloise Aimee Parry, 21 tuổi than mệt sau khi uống 8 viên thuốc giảm cân (theo chỉ định chỉ được uống tối đa 2 viên/lần).

Vì thấy cơ thể có những biểu hiện khác lạ, cô đã tự lái xe đến Bệnh viện Hoàng gia Shrewsbury thăm khám. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy nữ sinh viên đã bị nhiễm độc. Tuy nhiên các bác sĩ cho biết họ không có thuốc giải độc nên chỉ có thể cố gắng giữ tình trạng của nữ sinh ổn định. Sau 3 giờ, Eloise Aimee Parry đã ra đi.

Thấy con nằm vật vã cạnh đống thuốc giảm cân, mẹ đưa tới viện nhưng đã quá muộn

Báo cáo với cảnh sát, mẹ của Eloise kể rằng con gái đã mua loại thuốc giảm cân từ một trang bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên có lẽ cô không biết rằng trong thuốc chứa chất có độc tính DNP được cảnh báo có hại nếu dùng quá liều.

“Con bé đã uống nhiều hơn số viên thuốc được khuyến cáo trên bao bì vì muốn gầy nhanh hơn. Tuy nhiên, trong bao bì của thuốc không cảnh báo mức độ nguy hiểm của loại thuốc này” – bà Fiona, 51 tuổi, nói.

“DNP không phải là viên thuốc giảm béo kỳ diệu mà là chất độc giết người! Cấu trúc của nó chẳng khác gì TNT – một chất nổ. DNP khiến cơ thể bùng nổ quá trình trao đổi chất dẫn đến chết người”, người mẹ giận dữ.

DNP là gì? Khả năng giảm cân thần diệu của nó ra sao?

DNP có tên khác là dinitrophenol là một hợp chất hữu cơ màu vàng, có thể ở dưới dạng bột, viên nén hoặc dạng kem, thường được sử dụng làm thuốc trừ sâu và thuốc nổ.

Vào những năm 1930, DNP từng được dùng hỗ trợ cho việc ăn kiêng nhưng sau đó đã bị cấm khi phát hiện ra nó là thành phần độc hại và có khả năng gây ung thư.

Tuy nhiên những năm qua, nó đã được tái sử dụng trong các loại thuốc giảm cân và được quảng cáo là có khả năng “giảm cân thần kỳ”.

Thấy con nằm vật vã cạnh đống thuốc giảm cân, mẹ đưa tới viện nhưng đã quá muộn

Các chuyên gia cho biết cách thức của hoạt động của DNP là khiến cơ thể trở nên quá nóng, thúc đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, do đó đốt cháy nhiều chất béo. Tuy nhiên, nó cũng gây ra tình trạng mất nước, nôn mửa và tim đập nhanh hoặc không đều, nguy hiểm hơn có thể gây đột quỵ dẫn đến tử vong.

Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh cũng đưa ra lời cảnh báo về sự nguy hiểm của DNP. “Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên dùng bất cứ loại thuốc viên hay thuốc bột nào có thành phần DNP vì đây là một hóa chất công nghiệp, không dùng để uống. Nó cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người”.

Qua sự việc, các chuyên gia khuyên mọi người đừng vì ham rẻ mà mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc trên các trang mạng.

Theo khampha