Thị trường thực phẩm chức năng: Nỗi lo 'lượng' một đằng, 'chất' một nẻo

Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, Việt Nam chưa có nhiều thực phẩm chức năng chất lượng cao, việc kiểm soát sản xuất mặt hàng này vẫn còn nhiều kẽ hở.

Tại Hội nghị khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng lần thứ 2, tổ chức ngày 22/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cho biết, nhu cầu sử dụng TPCN ở nước ta vẫn tăng nhanh. Tuy nhiên, một thực tế là nhiều doanh nghiệp biến mặt hàng này thành đa cấp, bất chính, khiến ngành TPCN bị biến tướng. Bên cạnh đó, lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng quảng cáo, mất niềm tin với người tiêu dùng.

thi-truong-thuc-pham-chuc-nang-noi-lo-luong-mot-dang-chat-mot-neo

 Hội nghị khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng lần thứ 2, tổ chức ngày 22/11 tại Hà Nội.

Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay, cả nước đã có tới 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN. Sự phát triển “thần tốc” này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN thêm khó khăn.

Hiện có đến hơn 70% các sản phẩm TPCN là do doanh nghiệp trong nước sản xuất, hơn 20% là nhập khẩu. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp đã sản xuất được TPCN xuất sang các thị trường Trung Quốc, Trung Đông, Thái Lan.

thi-truong-thuc-pham-chuc-nang-noi-lo-luong-mot-dang-chat-mot-neo

Thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam rất đa dạng nhưng nỗi lo về chất lượng vẫn làm đau đầu cơ quan chức năng. 

Nhiều vụ phát hiện và thu giữ sản phẩm TPCN gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách để phát triển, quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khiến không ít doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh TPCN mất phương hướng, làm ăn thiếu hiệu quả.

Ông Phong cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng lại chưa có nhiều TPCN đạt chất lượng cao, tình trạng vi phạm trong sản xuất kinh doanh TPCN hiện khá nhức nhối, nhất là vi phạm về quảng cáo, hay sản xuất không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm, ghi nhãn không đúng với các quy định của pháp luật, sản xuất chui, hoặc sản xuất ở nơi không đủ điều kiện bảo đảm ATTP…

Nhằm siết chặt hơn các hoạt động quản lý TPCN, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc... Theo đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục duy trì việc kiểm soát, thanh tra một cách chặt chẽ hoạt động này.

Liên quan đến lộ trình thực hiện thực hành sản xuất tốt (GMP) đã được đề ra, sau 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất TPCN ở nước ta nếu không đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất) sẽ không được tiếp tục sản xuất. Theo Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong, trong số hơn 3.000 cơ sở sản xuất TPCN ở nước ta hiện nay, dự kiến đến 1/7/2019 sẽ chỉ còn khoảng 300-400 cơ sở đủ tiêu chuẩn đạt GMP.

Theo VietQ